Tài chính tuần qua: Bộ Xây dựng thu gần 4.000 tỷ đồng từ thoái vốn, GVR muốn bán hết cổ phần SIP
Tân Mai -
28/11/2020 15:50 (GMT+7)
(VNF) - Bộ Xây dựng thu gần 4.000 tỷ đồng từ thoái vốn Idico và CC1; Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) muốn bán hết vốn tại SIP; Quỹ ngoại liên tục thoái vốn tại Thế giới Di động... là các thông tin tài chính đáng chú ý tuần qua.
Chạy nước rút để thoái vốn, Bộ Xây dựng thu gần 4.000 tỷ đồng trong 3 ngày
Chỉ trong 3 ngày từ 25/11 đến 27/11, Bộ Xây dựng đã thu về 3.935 tỷ đồng từ hoạt động thoái vốn tại Tổng công ty Idico (HNX: IDC) và Tổng công ty Xây dựng số 1 (UPCoM: CC1).
Đây là chuỗi nhiệm vụ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ. Trước ngày 30/11, Bộ Xây dựng phải hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp bao gồm Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng (SHG); Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp); Tổng công ty Xây dựng số 1 và Tổng công ty Idico.
Nếu quá hạn, thì các doanh nghiệp này sẽ phải hoàn thành chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.
Như vậy, sau 2 phiên thoái vốn vô cùng thành công, ngày 16/12 tới Bộ Xây dựng sẽ đưa hơn 139 triệu cổ phần Hancorp ra bán đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Dự kiến, tiếp đó ngày 25/12, hơn 13 triệu cổ phần SHG cũng được đưa ra bán đấu giá. (Xem thêm)
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam muốn thoái toàn bộ vốn tại SIP, dự thu hơn 1.000 tỷ đồng
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) vừa chốt giá khởi điểm và phương án thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP).
Theo đó, HĐQT GVR phê duyệt giá khởi điểm theo chứng thư thẩm định giá là 97.500 đồng/cổ phần.
Trong trường hợp giá khởi điểm thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán, thì giá khởi điểm sẽ là mức giá tham chiếu bình quân này.
Tổng số cổ phiếu mà GVR thoái vốn tại SIP là hơn 10,7 triệu đơn vị, tương đương 11,8% vốn. Dự kiến thương vụ được chia làm ít nhất hai đợt, trong đó số lượng chào bán đợt đầu là hơn 9,3 triệu cổ phiếu.
Phương thức thực hiện là khớp lệnh hoặc giao dịch thỏa thuận trên sàn chứng khoán.
Số cổ phiếu còn lại (1,4 triệu đơn vị) sẽ tiếp tục được chào bán sau khi hoàn thành thủ tục theo quy định, do đây là lô cổ phiếu thưởng, phát sinh sau thời điểm phát hành thư thẩm định giá nêu trên.
Như vậy, nếu giao dịch diễn ra như kỳ vọng, GVR dự thu tối thiểu trên 1.000 tỷ đồng. (Xem thêm)
Quỹ ngoại liên tục thoái vốn Thế giới Di động
Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) mới đây đã có thông tin về việc hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động giữa các quỹ ngoại với nhau.
Theo đó, quỹ ngoại Pyn Elitre Fund đã chuyển nhượng hơn 6,45 triệu cổ phiếu MWG cho JP Morgan Securities PLC. Ước tính, với thị giá trên 110.000 đồng/cổ phiếu MWG hiện nay, thương vụ chuyển nhượng nói trên có giá trị hơn 700 tỷ đồng.
Từng là khoản đầu tư lớn nhất của Pyn Elite trong nhiều năm, nhưng quỹ ngoại này đã liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu MWG từ cuối năm 2019 đến nay. Riêng giai đoạn cuối 2019, quỹ này đã bán gần một nửa lượng cổ phiếu MWG nắm giữ, thu về hàng nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo danh mục tháng 9, tỷ trọng đầu tư tại MWG vẫn chiếm 5,56% giá trị tài sản ròng của quỹ Pyn Elite, tương đương giá trị 24,8 triệu Euro (hơn 700 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến tháng 10, khoản đầu tư này đã không còn nằm trong top 10 danh mục đầu tư lớn nhất của quỹ.
Với việc thị giá cổ phiếu MWG hiện nay cao hơn 12% so với cuối tháng 9, nhiều khả năng Pyn Elite đã bán ra toàn bộ cổ phiếu Thế giới Di động còn nắm giữ. (Xem thêm)
HPG lập đỉnh, ban lãnh đạo sang tay 24 triệu cổ phiếu, quỹ ngoại PENM chốt lời
Tập đoàn Hòa Phát vừa thông báo về giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ. Theo đó, phó chủ tịch HĐQT của Hòa Phát, ông Doãn Gia Cường đăng ký bán thỏa thuận 24 triệu cổ phiếu HPG cho ông Trần Đình Long, chủ tịch HĐQT của tập đoàn.
Sau khi hoàn tất giao dịch, ông Doãn Gia Cường sẽ hạ số cổ phiếu HPG nắm giữ xuống còn hơn 41,5 triệu đơn vị, tương đương 1,25% vốn điều lệ của Hòa Phát. Ở chiều ngược lại, ông Trần Đình Long thông qua việc mua thỏa thuận dự kiến gia tăng tỷ lệ sở hữu lên 26,08%, tương đương nắm giữ 864 triệu cổ phiếu HPG.
Được biết, tổng số cổ phiếu HPG mà ông Trần Đình Long cùng những cá nhân và tổ chức liên quan hiện đang sở hữu là hơn 1,13 triệu đơn vị (tương đương tỷ lệ 34,32%). Sau giao dịch, dự kiến tỷ lệ sở hữu sẽ được nâng lên 34,95% tương đương hơn 1,15 triệu cổ phiếu HPG.
Trong khi chủ tịch và phó tịch của Hòa Phát sang tay 24 triệu cổ phiếu Hòa Phát thì cổ đông ngoại là quỹ PENM III Germany GmbH & Co. KG (Đức) lại nhanh tay chốt lời khi cổ phiếu HPG lập đỉnh.
Theo đó, quỹ PENM đăng ký bán toàn bộ hơn 76,5 triệu cổ phiếu HPG, tương đương tỷ lệ 2,31% trong thời gian từ ngày 27/11/2020 đến ngày 25/12/2020. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.
Nếu bán thành công, quỹ PENM sẽ thu về hơn 2.800 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại Hòa Phát. (Xem thêm)
HoSE muốn nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu
Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đang lấy ý kiến các công ty chứng khoán về kế hoạch tăng đơn vị giao dịch lô chẵn (lô giao dịch) từ 10 chứng khoán hiện tại lên 100 chứng khoán.
Theo kế hoạch này, các công ty chứng khoán sẽ có tuần từ 1/12 đến 15/12 để chỉnh sửa hệ thống giao dịch. HoSE sẽ mở hệ thống giao dịch cho các công ty chứng khoán kết nối và thử nghiệm từ 16/12 đến 22/12.
Thời gian triển khai chính thức dự kiến trong tháng 1/2021.
HoSE đề nghị các công ty chứng khoán gửi ý kiến và kế hoạch (nếu có) chậm nhất vào ngày 26/11.
Như vậy, nếu kế hoạch này được triển khai, cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM sẽ đều giao dịch với lô tối thiểu 100 cổ phiếu và là bội số của 100 cổ phiếu. (Xem thêm)
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.