Tài chính tuần qua: Kido khởi động thương vụ sáp nhập FDK, EVNPECC1 muốn bán thủy điện Sông Bung 5
Tân Mai -
07/11/2020 15:31 (GMT+7)
(VNF) - Tập đoàn Kido thông báo khởi động thương vụ sáp nhập KDF (Thực phẩm Đông lạnh KIDO); EVNPECC1 rao bán thủy điện Sông Bung 5 (Quảng Nam) với giá khởi điểm 1.390 tỷ đồng; Vietravel báo lãi trở lại trong quý III... là các thông tin tài chính đáng chú ý tuần qua.
Khởi động thương vụ sáp nhập KDF vào Kido, tỷ lệ hoán đổi 1:1,3
Sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký phát hành cổ phiếu do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày 3/11/2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) đã phát đi thông báo về việc khởi động thương vụ sáp nhập Công ty Cổ phần Thực phẩm Đông lạnh KIDO (UPCoM: KDF).
Theo đó, Tập đoàn Kido sẽ phát hành thêm hơn 23 triệu cổ phiếu mới để hoán đổi 17,76 triệu cổ phiếu KDF, tương ứng 32,79% tổng số cổ phần đang lưu hành của KDF, cho các cổ đông có tên trong danh sách do Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cung cấp tại ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền hoán đổi cổ phiếu.
Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên của Tập đoàn Kido, tỷ lệ hoán đổi được đề xuất từ Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Nam Việt là 1:1,2; tỷ lệ hoán đổi trên cơ sở so sánh giá thị trường là 1:1,19.
Tập đoàn Kido muốn trả thêm cho cổ đông KDF một khoản thặng dư là 8,3% cho việc nắm giữ cổ phiếu KDC, nên tỷ lệ cuối cùng được đưa ra là 1:1,3. Mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu KDF sẽ nhận được cổ tức đặc biệt là 3.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời đổi lấy 1,3 cổ phiếu KDC (ngoại trừ cổ đông là Tập đoàn Kido không tham gia đợt phát hành này).(Xem thêm)
EVNPECC1 rao bán nhà máy thủy điện Sông Bung 5 với giá khởi điểm 1.390 tỷ
Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (EVNPECC1, UPCoM: TV1) vừa công bố nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 2/11 về việc thông qua giá khởi điểm bán đấu giá lại và phương án bán tài sản nhà máy thủy điện Sông Bung 5.
Giá khởi điểm của tài sản này là 1.390 tỷ đồng bao gồm cả khoản nợ vay ngân hàng của dự án Sông Bung 5, nhưng không bao gồm thuế GTGT và các loại thuế phí, lệ phí,...
Trường hợp bên mua muốn kế thừa hợp đồng vay vốn tín dụng của nhà máy thủy điện Sông Bung 5 phải thỏa mãn các điều kiện về kế thừa công nợ và chịu trách nhiệm kế thừa toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm quy định tại hợp đồng vay vốn tín dụng.
Nếu bên mua không kế thừa hợp đồng vay vốn, EVNPECC1 sẽ thực hiện tất toán hợp đồng với ngân hàng cho vay và bên mua có nghĩa vụ thanh toán khoản phí trả nợ trước hạn phát sinh tại thời điểm tất toán theo quy định hợp đồng.
Các khoản nợ phải thu, phải trả nhà thầu thực hiện thi công xây dựng công trình nhà máy thủy điện Sông Bung 5 sẽ thuộc về trách nhiệm của công ty. Thời gian thực hiện đấu giá trong năm 2020.(Xem thêm)
Vietravel (VTR): Quý III/2020 ghi nhận lãi trở lại sau khi Việt Nam mở lại đường bay
Trong quý III/2020 Vietravel ghi nhận doanh thu đạt 486,5 tỷ đồng, bằng 21,8% thực hiện trong quý III/2019 và lợi nhuận trước thuế đạt 0,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ là 33,3 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp có sự cải thiện từ 6,8% lên 13,4%.
Doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận giảm trong quý III/2020 do bị ảnh hưởng của dịch bênh Covid-19 đến lĩnh vực của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu so sách mức lợi nhuận trước thuế quý III/2020 là 0,6 tỷ đồng với quý II/2020 là lỗ 38 tỷ đồng thì có thể thấy hoạt động kinh doanh cho thấy sự hồi phục sau cú sốc Covid-19, điều này trùng hợp với giai đoạn Việt Nam bình thường hóa hoạt động vận tải hàng không trong nước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 1.457,7 tỷ đồng, bằng 25,1% so với 9 tháng đầu năm 2019 và lỗ 72,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 70,1 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có thuyết minh trong 9 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành đạt 917,1 tỷ đồng, chiếm 62,8% tổng doanh thu; doanh thu bán vé máy bay đạt 351,3 tỷ đồng, chiếm 24% tổng doanh thu; doanh thu cung cấp dịch vụ khác đạt 117,9 tỷ đồng, chiếm 8,1% tổng doanh thu; và doanh thu bán hàng hóa đạt 75,1 tỷ đồng, chiếm 5,1% tổng doanh thu.
Như vậy, lĩnh vực du lịch vẫn là ngành trọng yếu tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như phụ thuộc vào quá trình mở cửa đường bay trong nước liên tục sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp hồi phục, ngoài ra nếu các đường bay quốc tế sớm khôi phục hoàn toàn giống trước khi có dịch sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp quay trở lại.(Xem thêm)
VinMart+ đóng hàng trăm cửa hàng: Thông điệp gì ẩn sau?
Động thái đóng hàng trăm cửa hàng VinMart+ tại TP. HCM không chỉ để giảm lỗ, mà còn nhằm tái khởi động mô hình kinh doanh mới tại một thị trường đang cạnh tranh khốc liệt.
Thông cáo từ Tập đoàn Masan cho hay riêng trong quý III/2020, đã có tới 276 cửa hàng VinMart+ bị đóng cửa, gần nửa trong số đó là tại TP. HCM.
Lũy kế 9 tháng, đã có tới 421 cửa hàng VinMart+ bị đóng cửa, trong đó, hơn 80% là tại TP. HCM và các thành phố cấp 2 có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn khoảng 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng.
Thoạt nhiên, có thể thấy ngay việc đóng cửa hàng không hiệu quả là để giảm thua lỗ, qua đó tiến nhanh hơn tới điểm hòa vốn. Thực vậy, Masan đặt kế hoạch hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) đối với VinCommerce (doanh nghiệp sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+) ngay trong quý IV/2020.
Một mặt giảm thua lỗ thông qua đóng lượng lớn cửa hàng không hiệu quả, mặt khác gia tăng mạnh doanh thu tại từng cửa hàng là cách VinCommerce tiến tới điểm hòa vốn. Đang có những tín hiệu tích cực trong việc gia tăng doanh thu từng cửa hàng, đặc biệt là ở chuỗi VinMart+.
Nhưng chưa dừng ở đó. Việc đóng hàng trăm cửa hàng VinMart+ không hiệu quả, phần lớn tại TP. HCM, còn như một cách VinCommerce gửi thông điệp: sẵn sàng thay đổi để cạnh tranh.(Xem thêm)
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.