Tài khoản hao hụt chóng mặt, nhà đầu tư nên làm gì?

Thanh Long - 01/08/2024 16:52 (GMT+7)

(VNF) - Điều trớ trêu là vào đúng ngày bộ ba luật sửa đổi liên quan đến bất động sản gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Đất đai có hiệu lực, cổ phiếu bất động sản lại “rơi tự do”.

Thị trường chứng khoán mở đầu tháng 8 bằng phiên giao dịch rất tiêu cực. Chỉ số VN-Index giảm tới 24,55 điểm, tương đương 1,96%, xuống 1.226,96 điểm.

Điều trớ trêu là vào đúng ngày bộ ba luật sửa đổi liên quan đến bất động sản gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Đất đai có hiệu lực, cổ phiếu bất động sản lại “rơi tự do”. Không thiếu các cổ phiếu giảm kịch sàn như BCM, PDR, TCH, NTL, LHG, QCG, NHA.

Hàng loạt “cổ đất” khác cũng giảm sâu, như KDH giảm 4%, NVL giảm 5,49%, KBC giảm 4,76%, NLG giảm 4,5%, SIP giảm 4,01%, DIG giảm 4,5%, DXG giảm 5,78%, HDG giảm 4,81%, SZC giảm 4,81%, IJC giảm 6,44%, ITA giảm 4,71%, DXS giảm 4,27%, AGG giảm 5,16%...

Bi đát không kém là cổ phiếu chứng khoán. Các mã giảm kịch sàn có thể kể đến VDS và CTS, trong khi SSI giảm 4,72%, VND giảm 3,54%, HCM giảm 4,34%, FTS giảm 6,85%, BSI giảm 6,28%, AGR giảm 6,36%...

Cổ phiếu các ngành sản xuất, tiêu dùng, công nghệ cũng không tránh khỏi kết cục “rực lửa”. Ngay cả trụ cột ngân hàng cũng chỉ ghi nhận sắc xanh ở 3 cổ phiếu trên sàn HoSE gồm VCB tăng 1,68%, SSB tăng 0,69% và NAB tăng 1,65%, còn lại đều giảm đáng kể, đặc biệt là MBB giảm 4,1%, STB giảm 3,28%, ACB giảm 2,44%, VPB giảm 2,37%, VIB giảm 2,36%...

Trên thực tế, sự bất thường trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã xuất hiện từ phiên 16/7 và cho đến phiên 23/7 đã thể hiện rõ bằng phiên giảm cường độ mạnh. Cả quá trình này hàm ý rằng có sự thay đổi quan điểm của “dòng tiền lớn” (Xem thêm: Thị trường chứng khoán ‘chia lại ván mới’?). Các phiên hồi phục sau đó là cơ hội để các nhà đầu tư hạ tỷ trọng tiền – hàng về mức an toàn.

Đến phiên 1/8, như đã đề cập, chỉ số VN-Index lại lao dốc và phá vỡ các mốc quan trọng. Nếu cầm các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ, tài khoản của nhà đầu tư đang hao hụt với tốc độ rất nhanh. Riêng phiên này, chỉ số VNMID-Index (đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa) giảm tới 2,73%, trong khi chỉ số VNSML-Index (đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ) giảm tới 3,39%.

Lực bán mạnh cuối phiên đẩy thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE tăng vọt lên trên 20.000 tỷ đồng, so với mức khoảng trên 15.000 tỷ đồng ở phiên liền trước. Điều này cho thấy có lực bắt đáy nhất định. Do đó, nếu nhà đầu tư chưa hạ tỷ trọng tiền – hàng về mức an toàn, có thể chờ đợi các nhịp hồi phục trong một vài phiên tới để hành động, thay vì ngay lập tức tháo chạy bất chấp.

Cùng chuyên mục
Tin khác