Thị trường chứng khoán ‘chia lại ván mới’?

Thanh Long - 23/07/2024 15:37 (GMT+7)

(VNF) - Việc thị trường chứng khoán “phản ứng lạ” từ ngày 16/7 tới nay, nếu nhìn lại, có thể hàm ý sự thay đổi quan điểm của “dòng tiền lớn”.

Ghi nhận mức giảm 22,83 điểm trong phiên 23/7, chỉ số VN-Index thủng sâu mốc 1.240 điểm, xuống chỉ còn 1.231,81 điểm. Đây đã là phiên giảm thứ ba của chỉ số VN-Index với cường độ giảm càng ngày càng mạnh và rõ ràng là tín hiệu tiêu cực đối với xu hướng thị trường.

Trên thực tế, sự bất thường trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã xuất hiện từ phiên 16/7 khi xảy ra tình trạng “loạn giá” trên thị trường chứng khoán, tương phản nhất là việc hàng loạt cổ phiếu dược phẩm bỗng tăng kịch trần trong khi rất nhiều cổ phiếu bất động sản “đi vào lòng đất”. Không chỉ vậy, tình trạng “loạn giá” cũng xảy ra trong nội bộ nhiều nhóm ngành mà rõ nhất là ở ngành hàng không khi VJC tăng trên 1% nhưng HVN lại giảm kịch sàn. Kết phiên 16/7, chỉ số VN-Index vẫn duy trì sắc xanh.

Sang đến phiên 17/7, sự bất thường thể hiện rất rõ. Tiền bỗng đổ dồn vào cổ phiếu ngân hàng ngay từ phiên sáng khiến hàng loạt “khủng long” thức giấc, nhan nhản mã tăng trên 3%, thậm chí MBB tăng trên 6%. Điều này tạo ra sự tương phản khá mạnh mẽ với phần còn lại của thị trường, khi hầu hết các ngành khác chìm trong sắc đỏ, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng.

Chỉ số VN-Index có lúc tăng 9 điểm, chỉ số VN30-Index có lúc tăng 19 điểm nhờ lực kéo từ cổ phiếu ngân hàng. Thế nhưng đột ngột các chỉ số rơi tự do từ sau 14h10, VN-Index có lúc mất tới 23 điểm, khiến đa số nhà đầu tư trở tay không kịp. Kết phiên 17/7, chỉ số VN-Index giảm 12,52 điểm nhưng nếu không có cổ phiếu ngân hàng, chỉ số này có thể rơi hàng chục điểm, bởi rất nhiều cổ phiếu ở các nhóm ngành khác giảm sâu trên 3%.

Trong những phiên tiếp theo, cổ phiếu ngân hàng về cơ bản vẫn còn giữ được vị thế là trụ cột có vẻ đáng tin cậy cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sang tới phiên 23/7, trụ cột này lung lay dữ dội khiến cả thị trường không biết trông vào đâu.

Cụ thể hơn, MBB sau vài phiên tăng mạnh thì đến phiên này giảm tới 5,16%. Các cổ phiếu ngân hàng khác cũng rớt sâu, như TPB và OCB giảm trên 4%; BID, CTG, ACB, STB, MSB đều giảm trên 3%; TCB, VPB, EIB đồng loạt giảm trên 2%.

Các nhóm ngành khác thì khỏi nói, tất cả đều ngập trong sắc đỏ. Cổ phiếu chứng khoán xuất hiện mã “lau sàn” là BSI, trong khi các mã khác đa phần giảm rất mạnh. Cổ phiếu bất động sản đa số giảm trên 2%, QCG và DPG giảm kịch biên độ. Nhóm sản xuất cũng không thiếu cổ phiếu ở dưới đáy như DBC, STK, CSV.

HVN tiếp tục vẽ hình “đồi thông” khi ghi nhận phiên giảm kịch sàn thứ 3 liên tiếp. Kể từ phiên “loạn giá” ngày 16/7 tới nay, chỉ có một phiên cổ phiếu này ghi nhận sắc đỏ, còn lại đều “xanh lơ“.

Ngay cả cổ phiếu được cho là mạnh như MWG khi hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế, cũng giảm tới 4,29%. Đây cũng là một tín hiệu tiêu cực rất đáng chú ý.

Việc thị trường chứng khoán “phản ứng lạ” từ ngày 16/7 tới nay, nếu nhìn lại, có thể hàm ý sự thay đổi quan điểm của “dòng tiền lớn”. Nếu tình hình chung chưa ổn định, không loại trừ khả năng thị trường tiếp tục hành trình “chia lại ván mới”.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.