‘Loạn giá’ trên TTCK: Chỗ cả loạt tăng trần, nơi ‘đi vào lòng đất’

Thanh Long - 16/07/2024 15:49 (GMT+7)

(VNF) – TTCK trong phiên 16/7 biến động kiểu “mạnh ai lấy làm”. Tương phản nhất là việc hàng loạt cổ phiếu dược phẩm tăng kịch trần trong khi rất nhiều cổ phiếu bất động sản “đi vào lòng đất”.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục diễn biến phân hoá theo cách mà hiếm nhà đầu tư ngờ được. Phiên 16/7 là một điển hình.

Mở phiên, chỉ số VN-Index diễn biến khá tích cực và không ít lần mức tăng vượt lên 2 chữ số. Tuy nhiên càng về cuối phiên, VN-Index lại càng suy yếu và kết thúc với mức tăng chỉ vỏn vẹn 1,36 điểm, gây thất vọng cho nhiều nhà đầu tư, thế nhưng với không ít nhà đầu tư khác, niềm vui vẫn y nguyên.

Tiêu biểu là các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ngành dược phẩm. Bỗng nhiên cả loạt cổ phiếu tăng kịch trần và duy trì xu hướng này suốt cả phiên. Trên sàn HoSE, DBD, SBT, DCL, DHG, TMP, OPC đều tăng kịch trần. Tương tự, sàn HNX và UPCoM có sự góp mặt của DHT, DVM, DAN, DVN, PBC.

Không chỉ dược phẩm, cổ phiếu ngân hàng cũng “xanh mướt” trong phiên 16/7. Gây ấn tượng nhất là MBB tăng 2,17%, trở thành cổ phiếu tác động tích cực nhất tới chỉ số VN-Index. Nhưng tăng mạnh nhất trên sàn HoSE lại là NAB khi có thêm tới 4,33% giá trị. Bên cạnh đó, BID, CTG, VPB, DHB, TPB đều tăng trên 1%. Chỉ SHB và EIB là ghi nhận sắc đỏ.

Ngược lại, cổ phiếu bất động sản lại “đi vào lòng đất” với hàng loạt mã giảm sâu, như NVL mất 4,55% giá trị, PDR giảm 3,24%, DXG giảm 2,45%, LGC giảm 5,85%, HDG giảm 2,16%, QCG giảm 2,22%, ITA giảm 5,81%, DXS giảm 3,85%, CKG giảm 3,82%.

Ở nhóm sản xuất, các mã vốn hoá hàng đầu vắng bóng hoàn toàn sắc xanh, chẳng hạn như GVR, VNM, MSN, GEX, VHC, VGC, DCM, HSG, DPM đều ghi nhận sắc đỏ hay HPG, SAB, DGC đứng giá tham chiếu.

Một số ngành thì xảy ra tình trạng “loạn giá” trong nội bộ. Chẳng hạn như trong ngành hàng không, HVN giảm kịch sàn nhưng VJC lại tăng 1,25%. Hoặc trong ngành năng lượng, PGV tăng 0,41%, GAS đứng giá tham chiếu trong khi POW và PLX đều giảm trên 1%. Hay như trong ngành công nghệ, FPT tăng 0,98% nhưng CMG lại giảm mạnh 3,38%.

Nhìn tổng quan, sự không đồng nhất trên thị trường cũng thể hiện rõ khi nhìn vào biến động các nhóm cổ phiếu theo vốn hoá. Cụ thể, chỉ số VN30-Index (đại diện cho cổ phiếu vốn hoá lớn) tăng 0,42% trong khi các chỉ số VNMID-Index (đại diện cho cổ phiếu vốn hoá vừa) và VNSML-Index (đại diện cho cổ phiếu vốn hoá nhỏ) lần lượt giảm 0,28% và 0,06%.

Một điểm cộng trong phiên này là thanh khoản cải thiện đáng kể. Thống kê cho thấy giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE ở mức 15.382 tỷ đồng, cao hơn 36% so với phiên liền trước.

Cùng chuyên mục
Tin khác