Thị trường

Tái khởi động kinh doanh hậu Covid-19 bằng sản phẩm mới, tiêu chuẩn mới

(VNF) - Tại hội thảo do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN.HVNCLC) vừa tổ chức tại TP.HCM, nhiều DN đã chia sẻ bí quyết để tái khởi động kinh doanh trong và sau mùa dịch Covid-19. Những bí quyết này đã giúp DN HVNCLC không những “sống khỏe” trong mùa dịch mà còn chinh phục thị trường thế giới.

Tái khởi động kinh doanh hậu Covid-19 bằng sản phẩm mới, tiêu chuẩn mới

Tái khởi động kinh doanh bằng sản phẩm mới, tiêu chuẩn mới- ảnh ông Lương Vạn Vinh

Người tiêu dùng đã thay đổi thế nào trong trạng thái “bình thường mới”?

Theo Kantar, dịch Covid-19 đã có những tác động ban đầu vào đầu tháng 2/2020 (sau Tết Nguyên Đán), nghiêm trọng hơn vào tháng 3 và dần được kiểm soát vào tháng 4 khi lệnh giãn cách xã hội được thực hiện. Theo đó, hành vi, thói quen của người tiêu dùng (NTD) cũng có những thay đổi đáng kể.

Chẳng hạn, mức độ xem tivi của người dân tăng lên đáng kể từ cuối tháng 2, mức độ sử dụng Internet cũng tăng nhiều trong thời gian này. Instagram và TikTok là 2 mạng xã hội phổ biến xếp sau Facebook, đặc biệt là đối với nhóm NTD trẻ.

Về mua sắm – tiêu dùng, theo khảo sát, chi tiêu cho nhóm hàng tiêu dùng nhanh FMCG tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm 2020, đặc biệt ở khu vực thành thị. Giỏ hàng “mùa dịch” được nạp đầy với ba nhóm chính: thực phẩm cần thiết/tiện lợi, các sản phẩm vệ sinh và sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe.

Ngoài ra, với các chiến dịch #stayhome, những mặt hàng liên quan đến nhu cầu kết nối, các nhu cầu xã hội như đồ ăn vặt, các sản phẩm giúp đơn giản hóa việc nấu ăn, sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng cho thấy sự tăng trưởng tích cực. Và khi có nhiều thời gian ở nhà hơn, NTD cũng chi tiêu cho các mặt hàng thuộc về thói quen như kẹo, cà phê,… đặc biệt là người dân thành thị.

Các mô hình bán lẻ mới nổi bao gồm siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và mua sắm trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng FMCG. Trong đó, mua sắm trực tuyến được đánh giá cao ở tính tiện lợi và “hạn chế tiếp xúc”, siêu thị mini được chọn do vị trí gần nhà cho các nhu cầu cơ bản trong một khoảng thời gian ngắn. Đối với các kênh Siêu thị & Đại siêu thị, số giao dịch diễn ra tăng đáng kể trước khi lệnh giãn cách và được dự đoán sẽ còn tiếp diễn và dần về lại mức bình thường khi nhu cầu dự trữ hàng giảm.

Người dân toàn cầu thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn về tác động nặng nề và kéo dài của COVID. Trong khi đó ở Việt Nam, mọi người đang dần trở nên lạc quan hơn. Tuy nhiên, qua đại dịch, thu nhập của người Việt ít nhiều bị ảnh hưởng, giá cả hàng hóa do đó cũng trở thành vấn đề nhạy cảm hơn. Sự khác biệt về vùng miền hay giai đoạn cuộc sống cũng ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm về tình hình hiện tại. Do đó, sẽ có sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng FMCG, tùy thuộc vào bản chất của thương hiệu và ngành hàng, cũng như khác biệt về địa lý và nhân khẩu học.

Hội DN.HVNCLC và Bộ KHCN đang nỗ lực triển khai dự án HVNCLC- Chuẩn hội nhập. Chương trình này giúp tạo hệ thống tiêu chuẩn hài hoà hơn, thành phẩm gắn kết cùng với yếu tố nguyên liệu, sản xuất, kỷ luật.

Câu chuyện tái khởi động kinh doanh

Doanh nhân Lê Duy Toàn, giám đốc công ty thực phẩm Duy Anh kể về cơ duyên đưa đến sự ra đời của dòng sản phẩm bánh tráng, bún dưa hấu mang thương hiệu Mr. Rice.

“Tình cờ, ngày khai trương đầu năm mới 2020, cũng là thời điểm dịch Covid-19 tại Việt Nam bắt đầu, công ty có mua mấy trăm trái dưa hấu về tặng cán bộ công nhân. Và thời điểm đó trên đường có rất nhiều điểm bán dưa hấu giải cứu. Khi đó tôi nghĩ sao không kết hợp dưa hấu vào trong sản phẩm của mình. Từ câu hỏi đó chúng tôi đã mày mò, cũng phải mất hơn 2 tuần thử nghiệm, nghiên cứu, ăn thử… Và khi sản phẩm thành công, anh em trong công ty đã ổ lên sung sướng”.

Lê Duy Toàn cho biết thêm, hiện nay, các sản phẩm có kết hợp dưa hấu đã xuất khẩu đi 8 quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Canada, Úc, Mỹ, Thụy điển, Anh… dù dịch Covid-19 vẫn diễn ra ở các nước trên.

Nếu tính cả các sản phẩm truyền thống, hàng của Duy Anh như bún, miến, phở bánh, ống hút, hộp giấy… đã xuất có mặt ở 42 quốc gia khác nhau.

Trong khi đó, cũng bắt nguồn từ việc thấy thanh long của bà con nông dân chất đống ngoài vườn, xếp hàng dồn ứ ngoài cửa khẩu chờ xuất mà không được, ông Kao Siêu Lực, chủ của thương hiệu bánh kẹo ABC Bakery đã ngày đêm nghiên cứu, thử nghiệm và cho ra đời loại bánh mì thanh long gây “bão” trên mạng xã hội thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Ảnh ông Kao Siêu Lực

Sức hút từ bánh mì thanh long, bánh mì sầu riêng hay bún dưa hấu, bánh tráng thanh long của ABC Bakery, Duy Anh đã giúp rất nhiều nông dân thoát cảnh “trắng tay”. Bên cạnh đó, họ còn thúc đẩy việc tiêu dùng nội địa của người dân, và giúp chính DN mình có thêm nhiều sản phẩm mới, hướng đi mới ngay trong lúc thị trường trong và ngoài nước khó khăn.

Chia sẻ sau hội thảo, ông Kao Siêu Lực cho rằng, sự nhạy bén, chịu khó quan sát, tìm tòi của doanh nhân giúp ích rất nhiều trong kinh doanh. Đôi khi một sự việc nào đó diễn ra ngoài xã hội, người chủ doanh nghiệp biết đặt mình trong hoàn cảnh đó sẽ mở ra những cơ hội thực sự lớn.

Trong khi đó, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo lại kể câu chuyện mà DN mình đã làm rất âm thầm, và chỉ trong thời gian ngắn Mỹ Hảo đã lấy được chứng nhận của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho 3 dòng sản phẩm.

Khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, nhất là Mỹ, nhận thấy thị trường có nhu cầu cao về dòng sản phẩm diệt khuẩn, Mỹ Hảo đã ngay lập tức nỗ lực tìm đường xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Vinh nói, có con du học, định cư ở Mỹ, dịch Covid-19 gia đình lo lắng nhờ bạn bè mua khẩu trang, thuốc diệt khuẩn gởi sang Mỹ vì những sản phẩm này bên Mỹ rất ít.

Từ suy nghĩ này, ông Vinh cho rằng, với kinh nghiệm và nguồn lực đang có, Mỹ Hảo có đủ khả năng để làm nước rửa tay kháng khuẩn, xà phòng diệt khuẩn… “Nhưng khi làm hợp đồng chuẩn bị xuất đi thì không được vì chưa có chứng nhận FDA của Mỹ, dù chúng tôi xuất đi các thị trường khác khá nhiều”, ông Vinh cho hay.

Lúc này, Mỹ Hảo tìm đến văn phòng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Việt Nam, nơi đây giới thiệu một số công ty tư vấn, đánh giá… để được cấp giấy phép FDA, nhưng thời gian lên đến 3 tháng và chi phí không ít.

Ông Vinh tò mò hỏi con gái đang học thạc sĩ bên Mỹ thì được biết con mình trước đó từng làm cho một DN bên Mỹ và đơn vị này có lần xin cấp giấy phép FDA, nên biết cách làm.

“Từ đó chúng tôi tích cực tự thân vận động với chi phí ít hơn, thời gian nhanh hơn. Và gần 1 tháng sau Mỹ Hảo đã được FDA cấp chứng nhận để ngay sau đó sau đó chúng tôi xuất sang Mỹ các sản phẩm như cồn rửa tay, gel rửa tay, xà phòng rửa tay… Nếu mọi thứ thuận lợi, tới đây, nước rửa chén của Mỹ Hảo cũng sẽ được xuất sang Mỹ”, ông Vinh cho biết.

Đúc kết lại, ông Vinh cho rằng, khó khăn là chung nhưng chúng ta phải cố gắng tìm cách bứt ra để tìm hướng đi, trước mắt nhất là trong mùa dịch công nhân có việc, không phải thất nghiệp.

Tin mới lên