Tài sản tỷ USD của Trương Mỹ Lan ở Hà Nội: Khách sạn Daewoo, tòa nhà Capital Place

Trần Lê - 15/03/2024 15:41 (GMT+7)

(VNF) - Trong phiên xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát ngày 15/3, hội đồng xét xử đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan về tài sản khắc phục hậu quả vụ án.

VNF
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa (ảnh BTC)

Tòa nhà Trương Mỹ Lan mua 700 triệu USD, muốn bán 1 tỷ USD ở Hà Nội

Trước đó, trong phiên tòa ngày 12/3, bà Trương Mỹ Lan thông tin con gái bà đang rao bán tòa nhà 1 tỷ USD ở Hà Nội để khắc phục hậu quả vụ án. Tại tòa, hội đồng xét xử hỏi bị cáo có phải tòa Capital Place số 29 Liễu Giai là tòa nhà bị cáo nói đến không, bà Lan xác nhận đúng.

Theo chủ tọa phiên tòa, tòa nhà này đang thế chấp cho 4 công ty nước ngoài để bảo đảm cho khoản vay 230 triệu USD. Theo thông tin con gái bà Lan là Chu Duyệt Phấn gửi tới tòa, Capital Place 29 Liễu Giai dự kiến được trả khoảng 360 triệu USD, chứ không phải 1 tỷ USD như bị cáo nói.

Bị cáo Lan giải thích, ngày xưa bạn của bà mua tòa nhà này với giá 700 triệu USD, thêm chi phí làm thủ tục hồ sơ hoàn thiện nữa, nâng tổng giá trị tòa nhà lên 1 tỷ USD. Bị cáo nói thêm, bán bên nước ngoài mới nhiều tiền, nhưng người ta yêu cầu phải xác minh không liên quan dự án.

Chủ tọa hỏi ý kiến bị cáo Lan về tòa nhà này, bà Lan nói nếu bán được thì đề nghị hội đồng xét xử thu hồi để khắc phục hậu quả vụ án.

Một bất động sản khác là khách sạn Daewoo tại Hà Nội. Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết khách sạn này của Công ty cổ phần Bông Sen, là công ty của gia đình bà với tỷ lệ sở hữu 70%. Con gái bà Lan đề nghị bà bán khách sạn đó nhưng bà nói đang vướng cổ phiếu.

Bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn đề nghị hội đồng xét xử nếu thu hồi được thì đưa vào giải quyết hậu quả vụ án.

Về căn biệt thự cổ ở địa chỉ số 110-112 Võ Văn Tần (quận 3, TP. HCM) diện tích gần 3.000m2, bà Lan cho biết lúc mua giá 700 tỷ đồng. Đây là biệt thự bảo tồn nên đề nghị hội đồng xét xử không kê biên.

Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan còn xác nhận công ty của bà có nhà máy sản xuất vắc xin đầu tư 315 tỷ đồng. Con gái bà đã đề nghị chuyển nhượng cổ phần sang cho đối tác khác bằng giá trị đầu tư 315 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại. Song, bà Lan lo ngại Sinopharm không đồng ý sản xuất tiếp.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng đồng ý thu hồi một dự án tại quận 7, bán công ty bảo hiểm đã mua khoảng 1.000 tỷ đồng để đưa vào khắc phục hậu quả vụ án. Theo chủ tọa thông tin, công ty bảo hiểm đang được con gái bà Lan đề nghị chuyển toàn bộ sang đối tác Hàn Quốc với giá 40 triệu USD.

Tập đoàn Phương Trang đề nghị gỡ phong toả 3 dự án

Tại tòa, đại diện của Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang cũng có mặt với tư cách có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Hội đồng xét xử thông báo Công ty Thành Hiếu (thuộc tập đoàn Phương Trang) là chủ đầu tư của 3 dự án, do thiếu nợ bị cáo Trương Mỹ Lan 450 tỷ đồng nên sau đó Tập đoàn Phương Trang đã chuyển nhượng Công ty Thành Hiếu cho bị cáo với giá 3.450 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bị cáo Lan mới thanh toán được 1.250 tỷ đồng, trong khi họ đã chuyển toàn bộ giấy tờ pháp lý, con dấu để bị cáo điều hành. Vì vậy, phía Phương Trang đề nghị sẽ trả lại số tiền 1.250 tỷ đồng cho bà Lan, còn bị cáo trả lại trả lại dự án cho họ.

Đại diện Phương Trang khẳng định, Phương Trang chuyển nhượng Công ty Thành Hiếu cho 3 người khác chứ không phải chuyển nhượng cho bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát. Theo đại diện Phương Trang, bà Lan chỉ là người giới thiệu 3 người này cho Phương Trang.

Do vậy vị đại diện này đề nghị hội đồng xét xử gỡ phong tỏa để tiếp tục thực hiện dự án.

Hội đồng xét xử đề nghị đại diện Phương Trang đưa thông tin địa chỉ của 3 cá nhân phụ trách 3 dự án được nhắc tới. Tòa thông báo sẽ triệu tập 3 người này tới tòa.

Cùng chuyên mục
Tin khác