Tài trí doanh nhân trong mắt các nhà văn

Nhà văn Trung Trung Đỉnh - 13/10/2018 08:31 (GMT+7)

(VNF) - Có một buổi sáng đã lâu rồi, tại căn phòng thật đẹp trong căn nhà Hà Nội bên Hồ Tây, tôi rủ hai ông anh qua phòng tôi đang ngồi viết, để thưởng trà sen. Tôi có một người bạn, nhà ở Tây Hồ, năm nào vào dịp cuối hạ đầu thu cũng gửi cho đôi ấm trà hoa sen, đúng hơn là trà được ướp trong một đóa sen hồng. Hai ông anh này là nhà văn Nguyễn Khải, mới bay từ Sài Gòn ra, và nhà văn Nguyễn Minh Châu, cũng mới vừa lội từ Quảng Trị về.

VNF
Nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi

Hai ông anh này là hai “đấng bậc” cùng cơ quan mà tôi ngưỡng mộ nhất cùng với anh Nguyên Ngọc. Lắm lúc tôi cứ hay tự hỏi, sao cái số mình may thế? Lèng èng lính lác, nhà quê ẩu tả mà lại có duyên được ở chung với mấy ông anh, mỗi ông một vẻ, một tài danh. Tôi lóng ngóng đun một siêu nước thật “đặc biệt”, ấy là nước đổ từ chai nước Lavi ra, đun sôi lên, rồi mở lá sen, bọc hoa sen ra, trà nằm trong “lõi”, đổ vào tờ giấy trắng rồi cho vào ấm. Khâu pha trà sen lóng ngóng của tôi khiến anh Khải phì cười bảo:

- Khổ, trà ngon người ta quý người ta biếu mà pha ra uống cũng ngô ngọng, chả trách suốt đời chỉ là “nhà văn quân đội”.

Tôi đang ngơ ngác vì câu nói vừa rồi của Nguyễn Khải thì anh Nguyễn Minh Châu rót trà ra chén, hít hà một thôi rồi mới nói:

- Trà này chỉ dành cho người lớp trên của Hà Nội xưa, chứ thứ bình dân như anh em mình thì…

Nguyễn Minh Châu bỏ lửng giữa chừng. Nguyễn Khải có cái kiểu đột nhiên từ chuyện trước mặt, bắt ngay vào chuyện ông đang nghĩ trong đầu, thủng thẳng:

- Cũng có phần đúng. Hà Nội xưa có cụ Bạch Thái Bưởi cùng thời với cụ Ngô Tất Tố văn chương nhà ta. Cụ Tố là nhà văn, còn cụ Bưởi là nhà doanh nghiệp. Thời đó các cụ đều lừng danh Hà Thành, thế nào cũng biết nhau, nhỉ?

Anh Châu bị cuốn vào, nói:

- Cụ Bạch Thái Bưởi là một doanh gia lỗi lạc. Cụ Tố nhà mình là một anh nhà nho, nhà văn, nhà báo…

- Nhưng trà lá đàm đạo, kết giao với nhau thì có thể lắm chứ - Anh Khải cười nói - Cụ Bưởi là doanh gia nhưng cũng là một nhà văn hóa, tài trí lớn lắm nên mới có đủ sức mạnh, sức bền mà vượt qua sóng gió thương trường thời Pháp thuộc tranh tối tranh sáng chứ. Cụ Tố có thể coi đám quan lại đếch là cái gì cả, nhưng chắc chắn là nể phục và quý trọng Bạch Thái Bưởi.

Nguyễn Minh Châu chợt rộn ràng hẳn lên:

- Bạch Thái Bưởi là con một gia đình nông dân, lại mồ côi cha từ bé, mà sao có một tài chí kỳ lạ?

Anh Khải ôm cả hai bàn tay vào tách trà, chậm rãi:

- Số phận chọn lựa, định đoạt hết các ông ạ. Bạch Thái Bưởi là anh hùng thời đại. Những năm giáp ranh giữa hai thế kỷ, thời tiết chính trị lên bổng xuống trầm, dân Việt Nam mình mà cứ cố cày vai bừa mãi thì suốt đời làm nô lệ. Thế mới sinh ra Bạch Thái Bưởi. Cụ làm giàu từ hai bàn tay trắng mà lên chứ có phải gia truyền để lại đâu.

Tôi thực sự lơ mơ về vấn đề hai ông anh bình luận. Nguyễn Khải nói về trà sen thì ít mà bình về cụ Bạch Thái Bưởi thì nhiều. Mãi sau này tôi mới biết thêm, ông anh Nguyễn Khải là con nhà quan thời trước. Thảo nào, trong các câu chuyện phiếm thường ngày, hễ cứ nói gì đến Hà Nội là ông anh lại có chuyện mới và lạ về các nhân vật của Thủ đô tham góp rôm rả ngay. Thậm chí, nhiều lần chúng tôi chỉ biết ngồi ngẩn ra mà nghe ông anh bàn về các nhà văn tiền chiến và các nhà chính trị mỗi thời. Theo anh Khải thì cụ Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà là những người mở mang doanh nghiệp của cái thời nước ta bắt đầu coi doanh gia là tầng lớp rất đáng trọng vọng.

Rồi anh cười khẩy, nói nhẹ nhàng:

- Sau năm năm tư, người ta gọi các doanh nhân là “con buôn”!

Anh Châu hỏi:

- Từ con buôn có từ hồi ấy à?

Anh Khải bảo:

- Trước đó đã có, nhưng từ sau cái ngày nhà ông được cách mạng sửa sai không gọi nhà ông là địa chủ cường hào gian ác mà gọi là địa chủ kháng chiến ấy.

Tôi vô duyên góp vào chuyện của hai ông anh:

- Thế chắc từ “tư sản dân tộc” cũng có từ hồi đó?

Anh Khải từ tốn:

- “Địa chủ kháng chiến”, “Tư sản dân tộc” là sau này người ta sửa sai gọi cho phải nhẽ, gọi được một đoạn ngắn thôi, chứ ngay sau đó từ “con buôn” và “tư sản” hình thành không phải chỉ để chỉ các nhà doanh nghiệp mà còn gộp chung các trí thức vào kia. Gọi với hàm ý khinh rẻ, coi họ là bọn bóc lột.

Anh Nguyễn Minh Châu chìa chén cho tôi rót thêm trà, nói:

- Tôi nhớ, từ “tư sản dân tộc” là có từ khi cụ Bạch Thái Bười phát động phong trào làm giàu chứ? Hồi ấy cụ Bưởi đã trương cờ “Bạch Thái Bưởi”, đổi tên tầu cụ mua từ của Pháp sang thành tên Việt Nam để cạnh tranh với người Hoa. Các chủ tàu người Hoa trường vốn, quyết “đập chết” Bạch Thái Bưởi bằng đủ các mưu kế. Bạch Thái Bưởi vẫn tin tưởng sự nghiệp kinh doanh của mình trên đất nước mình. Cụ đã lấy tinh thần dân tộc để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh ấy. Rồi cụ mua tiếp cả xưởng sửa chữa và tự đóng lấy tầu biển, trở thành “Chúa sông Bắc Kỳ”. Khi đã khá giả, cụ lập ra nhật báo Khai Hóa với tôn chỉ: “Một là giúp đồng bào tự khai hóa, dạy bảo lẫn nhau, mở mang con đường thực nghiệp. Hai là giãi bày cùng Chính phủ bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những lợi ích, tác hại của các công việc Chính phủ đang làm”. Cụ còn lập ra công ty in và xuất bản với mục đích cuối cùng là cổ súy cho phong trào thực nghiệm do cụ phát động, cổ súy tinh thần làm giàu với lập luận đơn giản: Dân có giàu thì nước mới giàu.

Nguyễn Khải ngồi thẳng dậy, hào hứng:

- Đúng là như vậy! Hồi đó dân ta kính trọng các nhà tư sản lớn, có tài trí lại nêu cao tinh thần dân tộc để làm giàu. Không chỉ có cụ Bạch Thái Bưởi. Còn cụ Trịnh Văn Bô, chủ hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi; Cụ Nguyễn Sơn Hà, người đã khai sinh ra nghề sản xuất sơn dầu, là ông chủ Hãng sơn Gecko; Cụ Ngô Tử Hạ, chủ nhà in số một ở Đông Dương thời ấy, sau cách mạng tháng Tám, cụ còn in giúp tiền cho Chính phủ mới; Cụ Đỗ Đình Thiện và nhiều người nữa… Các nhà đại tư sản dân tộc này đều cùng nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, giàu ý chí và khát vọng chấn hưng văn hóa, mong muốn góp phần vào bồi đắp dân trí chung. Nhưng đáng tiếc, là dần dà, người ta trở nên ghét tư sản. Cứ tư sản là phải phế bỏ, dân tộc hay không dân tộc, cũng đều phế bỏ.

Nguyễn Minh Châu thốt lên:

- Cứ như thế này thì còn nghèo lâu. Nghèo lâu, chán lắm các ông ạ! Cần phải thay đổi tư duy, thay đổi thái độ đối với việc làm giàu mới may ra…

Câu chuyện đang rôm rả thì anh Lê Lựu khoác cái túi to tổ bố từ đâu về, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ngồi bệt luôn xuống sàn nhà. Tôi vội vàng rót nước trà sen ra cái cốc to rồi chế thêm nước lọc đưa cho anh.

Nguyễn Khải khoái chí, chỉ Lê Lựu:

- Đây, ông đương kim Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân đây. Bỏ cả nghề văn đi làm việc ấy cũng đáng. Nhưng phải làm sao cho dân ta hết ghét tư sản đi, mong và chí thú làm giàu đi, làm cho doanh nhân có thêm tinh thần dân tộc, bồi đắp cho họ thêm mạnh tài trí, thì mới đáng, nhé!

Lê Lựu uống ừng ực xong cốc nước, lắc lắc mái tóc loăn xoăn:

- Nhọc nhằn! Nhọc nhằn lắm! Đường còn dài đấy, mấy ông anh ạ!      

Cùng chuyên mục
Tin khác