Tiêu điểm

‘Tăng giá điện và tăng lương khu vực công có thể tác động đến lạm phát nửa cuối năm’

(VNF) - Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong khi lạm phát tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng 4, việc tăng giá điện 3% gần đây và kế hoạch tăng lương khu vực công có thể tác động đến lạm phát của Việt Nam trong nửa cuối năm.

‘Tăng giá điện và tăng lương khu vực công có thể tác động đến lạm phát nửa cuối năm’

(Ảnh: Chinhphu.vn)

WB tại Việt Nam ngày 19/5 đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2023. Báo cáo ghi nhận kinh tế Việt Nam giai đoạn hiện nay chứng kiến nhiều diễn biến tích cực.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng nhẹ 0,5% so với tháng 3. Doanh số bán lẻ trong tháng 4 ghi nhận tốc độ tăng trưởng 11,5% so với tháng trước đó. Doanh số ngành dịch vụ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu do sự mở rộng của dịch vụ du lịch, khách sạn, ăn uống.

Tuy nhiên, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa giảm lần lượt 17,1% và 20,5% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh sức cầu toàn cầu suy yếu, đặc biệt là ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), khi xuất khẩu sang hai thị trường này tương ứng giảm 22,1% và 14,1% (so với cùng kỳ) trong bốn tháng đầu năm 2023.

Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm từ 3,4% trong tháng 3 xuống còn 2,8% trong tháng 4, với thực phẩm và nhà ở là hai yếu tố đóng góp chính. Lạm phát cơ bản giảm từ 4,9% trong tháng 3 xuống 4,6% trong tháng 4.

Tuy nhiên, cũng theo WB, trong khi lạm phát tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng 4, việc tăng giá điện 3% gần đây và kế hoạch tăng lương khu vực công có thể tác động đến lạm phát trong nửa cuối năm.

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Bất chấp việc nới lỏng chính sách và cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào tháng 3 và thanh khoản thị trường dồi dào, tăng trưởng tín dụng ước tính đã giảm xuống 9,2% (so cùng kỳ) vào tháng 4/2023 từ mức 9,9% (so cùng kỳ) vào tháng 3 và 12,2% (so cùng kỳ) vào tháng 2. Theo WB, đây là tín hiệu cho thấy một nền kinh tế đang chậm lại.

Cân đối ngân sách ước tính đạt thặng dư nhỏ 0,16 tỷ USD trong tháng 4. Thặng dư ngân sách tích lũy đến tháng 4/2023 ước tính đạt 5,6 tỷ USD. Thu ngân sách giảm 24,7% (so với cùng kỳ) và chi tiêu công tăng 13,8% (so với cùng kỳ), trên danh nghĩa, trong tháng 4.

Báo cáo lưu ý rằng nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài khi nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu.

“Mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu. Triển vọng thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu đòi hỏi việc quản lý ngoại hối phải linh hoạt để thích ứng với các điều kiện bên ngoà”, báo cáo nêu rõ.

Theo WB, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời đảm bảo đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn.

Xem thêm >> Mỹ và G7 quyết tâm lấp đầy ‘kẽ hở’ giúp Nga lách lệnh trừng phạt

Tin mới lên