Tăng room thêm 200 nghìn tỷ đồng, vay vốn vẫn không dễ hơn

Minh Dũng - 07/12/2022 08:52 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cho toàn hệ thống năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2%. Quy mô tín dụng vào cuối năm nay dự kiến đạt khoảng 12,063 - 12,115 triệu tỷ đồng, cao hơn khoảng 156.000 - 209.000 tỷ so với chỉ tiêu cũ.

VNF
Nhiều ngân hàng vẫn khó khăn thanh khoản, việc tăng cho vay là không dễ

Nới chỉ tiêu nhưng thiếu vốn cho vay?

NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 10 đạt 11,5%, tương đương quy mô tín dụng hơn 11,645 triệu tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn mà các ngân hàng có thể cho vay thêm trong 2 tháng cuối năm khoảng 418.000 - 470.000 tỷ đồng.

Việc phân bổ chỉ tiêu tín dụng sẽ theo nguyên tắc các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Như vậy, nhóm các ngân hàng mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn. Đến nay, đã có 4 ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho nhiều đối tượng khách hàng là Vietcombank, Agribank, HDBank và ACB.

Nhiều tổ chức tín dụng kỳ vọng NHNN có thể xem xét cấp thêm chỉ tiêu cho các ngân hàng đạt những đánh giá chỉ tiêu về năng lực tài chính và có đóng góp cho hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao dịp cao điểm cuối năm.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các ngân hàng thương mại đang thiếu nguồn vốn huy động để cho vay do tín dụng tăng trưởng cao khi huy động vốn tăng thấp. Vì thế, ngay cả khi NHNN nới room thì các ngân hàng cũng không có vốn để cho vay.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện không đồng đều. Trong khi đa phần ngân hàng nhỏ rơi vào tình trạng thiếu nguồn vốn thì một số ngân hàng lớn vẫn khá dồi dào thanh khoản và có thể tăng dư địa cho vay thêm.

Việc nới room tín dụng có ý nghĩa rất lớn với các ngân hàng, người dân và doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc nới room tín dụng chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay. Bởi ngay cả khi NHNN nới thêm room tín dụng thì nhiều ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay thêm. Áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng thương mại là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn - tín dụng ở mức âm.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết, 10 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng 11,5% trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%. Các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn.

Vì vậy, muốn doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn trong thời gian này, nhà quản lý tiền tệ phải bơm tiền, đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Cùng với nới room tín dụng, NHNN cũng được chỉ đạo là đảm bảo thanh khoản trong mọi điều kiện, kể cả kéo dài các khoản tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hơn.

Mặt khác, ngay từ đầu năm, NHNN áp dụng chính sách tiền tệ rất chặt chẽ. NHNN sử dụng đồng thời nhiều ác công cụ để kiểm soát cung tiền như: kiểm soát bằng room tín dụng, kiểm soát bằng bán ngoại tệ bình ổn tỷ giá, đồng nghĩa với việc hút VND khỏi lưu thông; phát hành tín phiếu.

Cũng theo SSI Research, việc nới hạn mức tín dụng trong năm 2022 sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại. Dư địa để các ngân hàng thương mại cấp tín dụng hiện nay là có nhưng vấn đề là các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay có được nới ra không...

Tính trước, đón đầu 2023

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tăng chỉ tiêu tín dụng (room) trong năm 2022 cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5-2%. Đây là tin vui với các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Và nó báo hiệu những bước chuyển về chính sách tiền tệ cho cuối 2022 và đón đầu 2023.

Đánh giá về động thái này, giới chuyên gia nhận định, việc nới room của NHNN thời điểm này là hoàn toàn phù hợp, khi những tháng cuối năm là cao điểm về nhu cầu tín dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó, bối cảnh vĩ mô có nhiều thuận lợi khi giá cả nhiều loại hàng hoá đã giảm; tỷ giá một tháng nay đã có dấu hiệu hạ nhiệt, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã tốt lên với việc tiền gửi của dân cư tăng trở lại...

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế nhận định, từ nay đến cuối năm chỉ còn chưa đầy 1 tháng và cũng là thời gian chạy nước rút của các doanh nghiệp. Họ cần tiền để thanh toán các khoản mua bán nguyên vật liệu, trả lương nhân công để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Việc NHNN nới room tín dụng đồng loạt 1,5-2% sẽ góp phần tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tăng khả năng cho vay đối với các doanh nghiệp trong nền kinh tế, từ đó tạo cho các doanh nghiệp có cơ hội tích trữ hàng hóa cũng như đáp ứng yêu cầu về vốn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.

Về phía các ngân hàng, việc NHNN nới room sẽ giúp các ngân hàng dễ chịu hơn trong việc cho vay vì nhiều ngân hàng đã hết room tín dụng từ lâu.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA) cho rằng, việc nới room tín dụng của NHNN sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ vay vốn, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng mới, hỗ trợ cạnh tranh với các nước trong khu vực, mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong năm 2023.

TS. Cấn Văn Lực cho biết, động thái này sẽ góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân. Sẽ có thêm khoảng gần 200.000 tỷ đồng cung ứng vốn cho nền kinh tế sau khi NHNN chính thức nới room tín dụng thêm 1,5-2%

Cùng chuyên mục
Tin khác