Tăng thuế VAT, Việt Nam sẽ có thêm hơn 20 vạn người nghèo
Duy Phan -
28/06/2018 15:13 (GMT+7)
(VNF) - TS Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho hay nếu tăng thuế VAT theo phương án thứ hai, số người nghèo tại Việt Nam sẽ tăng thêm 202.000 người.
Báo cáo “Đánh giá tác động của tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện được công bố sáng 28/6 tại Hà Nội.
Báo cáo của VERP nhận định tăng thuế luôn là vấn đề gây tranh cãi trong công luận ở mọi quốc gia. Không nằm ngoài quy luật ấy, đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
"Nghiên cứu này dự báo tác động của việc tăng thuế VAT lên phúc lợi hộ gia đình được đo lường bằng chi tiêu bình quân và tỷ lệ nghèo ở Việt Nam. Chúng tôi dự báo tác động của hai kịch bản điều chỉnh thuế VAT. Phương án 1 là tăng thuế VAT lên 1,2 lần, tức là các mặt hàng đang chịu thuế VAT 5% và 10% sẽ chịu thuế 6% và 12%. Phương án 2 áp dụng mức thuế suất chung 10% cho các mặt hàng, theo đó các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ chịu thuế 10%”, VEPR cho hay.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay với phương án 1 thì tỷ lệ chi tiêu bình quân giảm đi 0,89%, tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26%, tương ứng với khoảng 240.000 người nghèo tăng lên.
“Đối với phương án tăng thuế VAT lên mức chung 10% thì tác động nhỏ hơn một chút. Các nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, chẳng hạn H’Mong là dân tộc chịu ảnh hưởng mạnh”, ông Cường cho biết.
Cũng theo ông Cường, phương án tăng đồng loạt thuế lên 10% cho thấy tác động thu thuế rất cao. Nếu có thể sử dụng hiệu quả tăng thuế này có thể tái đầu tư và có tác dụng trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn một năm chưa chắc tái đầu tư được, do vậy trong ngắn hạn tăng đồng loạt thuế VAT lên 10% sẽ tác động rất lớn đến người dân.
"Tỷ lệ nghèo tăng lên và nhóm ảnh hưởng nhiều nhất là hộ cận nghèo. Còn các hộ giàu thì suy giảm chi tiêu chưa đủ để họ bị ảnh hưởng. Chúng tôi có số liệu cụ thể, số lượng người nghèo tăng lên theo phương án 1 là 240.000 người, còn phương án 2 là 202.000 người", ông Cường dẫn chứng.
Ông Cường cũng khẳng định, xét về tác động lên nghèo đói thì VAT chỉ có tác động lên nhóm thu nhập ở cận chuẩn nghèo. Các hộ gia đình có mức sống cao cũng bị giảm mức chi tiêu, nhưng mức giảm này không làm cho họ rơi vào nghèo như nhóm cận nghèo.
“Bên cạnh đó, các hộ gia đình đông người, có tỷ lệ trẻ em và người già từ 80 tuổi trở lên cao hơn, tỷ lệ lao động nữ lớn, bị ảnh hưởng nhiều nhất về nghèo đói. Các hộ gia đình mà chủ hộ có học vấn thấp, nghề nghiệp kỹ năng thấp và trong nông nghiệp cũng chịu nhiều tác động lên nghèo đói”, ông nói.
Đưa ra những đánh giá về tác động của tăng thuế VAT, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng việc tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ gia đình. Trong đó, những hộ nghèo có xu hướng càng nghèo hơn, còn những người có mức sống cao cũng bị ảnh hưởng nhưng không nhiều.
Cũng theo ông Thành, tăng thuế không làm tăng sản lượng thực của nền kinh tế và làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Thậm chí, nếu tiền thuế tăng thêm lại được Chính phủ đưa vào chi thường xuyên mà không chi đầu tư phát triển sẽ làm cho sản lượng thực của nền kinh tế giảm.
“Chính phủ nên nghĩ đến việc cải cách lại các loại thuế tài sản, do tỷ trọng của loại thuế này trong tổng số thu thuế còn quá khiêm tốn. Bên cạnh đó, trước khi tăng thuế Chính phủ phải thuyết phục được người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu chính phủ. Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách cần phải được nâng cao hơn và theo ko kịp với chuẩn mực quốc tế trước khi đưa ra các đề xuất tăng thuế”, ông Thành khuyến nghị.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone