Ngân hàng

Tăng vốn điều lệ liên tục, áp lực dồn lên các ngân hàng

(VNF) - Năm 2023 tiếp tục là năm chạy đua tăng vốn của các ngân hàng. Hiện các nhà băng đang cấp tập triển khai nhiều phương án để tăng vốn. Song việc tăng cường nội lực tài chính của các ngân hàng còn gặp nhiều thách thức.

Tăng vốn điều lệ liên tục, áp lực dồn lên các ngân hàng

Ngân hàng cấp tập tăng vốn

Ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã rộn ràng với kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A) và tăng vốn.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa chính thức hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên gần 20.403 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo Chương trình ESOP năm 2022.

Còn Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vào ngày 21/2 đã công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Về kế hoạch tăng vốn năm 2023, VIB đặt mục tiêu phát hành khoảng trên 412,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và khoảng 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên nhằm tăng vốn điều lệ. Nếu phát hành thành công số cổ phiếu thưởng kể trên, tổng vốn điều lệ của VIB đến cuối 2023 sẽ đạt mức trên 25.368 tỷ đồng, tăng 20,36% so với mức vốn điều lệ hiện tại là hơn 21.076,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thương vụ thoái vốn của nhiều ngân hàng cũng khiến giới đầu tư chú ý.

Mới đây, HĐQT Tập đoàn Petrolimex đã thông qua phương án thoái vốn đầu tư tại PG Bank. Theo đó, Petrolimex sẽ thoái vốn theo hình thức đấu giá công khai qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Việc thoái vốn của Petrolimex giúp PG Bank có cơ hội tìm kiếm nhóm cổ đông chiến lược mới có tiềm lực để tăng vốn sau 12 năm đứng im. Hiện PG Bank là ngân hàng có vốn điều lệ và tổng tài sản thấp nhất hệ thống.

Thương vụ thoái vốn của SMBC khỏi Eximbank, chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong nước cũng được quan tâm. Vào ngày 13/1, cổ phiếu EIB của Eximbank có phiên giao dịch dậy sóng với khối lượng giao dịch thỏa thuận lên tới 134 triệu cổ phiếu, tổng giá trị 3.421 tỷ đồng. Nhiều khả năng, đây là phiên giao dịch đánh dấu việc SMBC hoàn tất thoái vốn khỏi Eximbank.

Còn tại VPBank, theo kế hoạch, năm 2022, nhà băng này sẽ hoàn tất thương vụ bán 15% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài. Nhưng do tình hình kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, thương vụ này đã chậm lại. Nếu hoàn tất thương vụ này, nhiều khả năng, VPBank sẽ vươn lên trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất nhì hệ thống. Năm 2022, sau thương vụ bán 49% vốn khỏi FE Credit cho SMBC, VPBank đã vươn lên trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng lớn lại lựa chọn hình thức nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém để tăng vốn. Đến nay, đã có 3 ngân hàng được đại hội đồng cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, là Vietcombank, HDBank và MB. Lãnh đạo các ngân hàng này đều khẳng định, việc nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém mở ra rất nhiều cơ hội, đặc biệt là cơ hội tăng vốn, tăng quy mô tổng tài sản, mạng lưới, tăng tín dụng… mà vẫn không ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông hiện hữu của các ngân hàng.

Cùng với đó, phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu là giải pháp ưu tiên giúp nhiều ngân hàng nhanh chóng tăng vốn điều lệ.

Trong Chỉ thị 01/CT-NHNN ban hành đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng tiếp tục khuyến khích các nhà băng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây của Vietcombank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018. Theo đó, Vietcombank dự kiến phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ đồng lên hơn 75.000 tỷ đồng.

Hiện vốn điều lệ của Vietcombank ở mức thấp nhất trong số các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, thấp hơn một số NHTM cổ phần và có khoảng cách lớn so với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực. 

Eximbank năm ngoái cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 12.355 tỷ đồng lên hơn 14.814 tỷ đồng với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu. Trong hai năm qua, HDBank bình quân tăng vốn 25% mỗi năm từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo thống kê của VCSC, chỉ riêng Vietcombank, VPBank, MB, LienVietPostBank có thể huy động vốn mới với tổng giá trị ước tính lên đến 68.000 tỉ đồng, tương ứng 2,9 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2023-2024 thông qua việc phát hành riêng lẻ.

Còn Agribank đã thông báo phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để tăng vốn. 

Việc tăng vốn cho các NHTM, đặc biệt là nhóm Big 4, được xem là yêu cầu cấp thiết để tăng năng lực tài chính, giữ vững lành mạnh của hệ thống và đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023, lãnh đạo nhiều ngân hàng mong muốn sớm được phê duyệt, triển khai phương án tăng vốn ngay đầu năm 2023. Trước các mong muốn tăng vốn của nhóm 4 NHTM vốn nhà nước, NHNN đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.

Thách thức lớn

Trong ba năm trở lại đây, các ngân hàng đều lên kế hoạch tăng vốn “khủng”. Cách thức tăng vốn chủ yếu là chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ từ 10-50% và phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ. Song không phải nhà băng nào cũng tăng vốn thành công, có ngân hàng chỉ hoàn thành một phần kế hoạch.



Trong năm 2022, không có nhiều ngân hàng hoàn thành kế hoạch tăng vốn khi chỉ có 15 trong 27 ngân hàng tăng vốn điều lệ. Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, chỉ có Vietcombank tăng vốn điều lệ thêm 28%. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân bình quân tăng trưởng khoảng 21% (năm 2021 là 25%).

Điển hình như VPBank, dù năm qua tăng mạnh 50% vốn điều lệ từ việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng ngân hàng này chưa hoàn thành kế hoạch phát hành riêng lẻ với tỷ lệ 15% cho đối tác chiến lược. Ngân hàng SHB năm qua chỉ kịp tăng vốn thêm 15% từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Còn LienVietPostBank năm qua dự kiến tăng vốn lên đến 21.250 tỷ đồng nhưng cuối năm chỉ đạt mức 17.291 tỷ đồng. Hay MBbank chỉ chia cổ tức nhưng chưa thực hiện được việc phát hành riêng lẻ.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), việc các ngân hàng không hoàn thành kế hoạch tăng vốn một phần là do vấn đề trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản kém tích cực dẫn đến sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán, cũng như sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến hoạt động tăng vốn.

Năm 2022, đa phần việc tăng vốn thành công đến từ hoạt động chia cổ tức bằng cổ phiếu, trong khi hoạt động phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư hiện hữu hoặc các nhà đầu tư mới gần như chững lại.

Trong năm 2023, các nhà băng sẽ còn vất vả hơn để tăng cường nội lực tài chính khi bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức cao.

Phương án phát hành thêm sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến thuận lợi trên thị trường chứng khoán. Mà thị trường chứng khoán gần đây không mấy thuận lợi. Vì vậy, thách thức tăng vốn hiện nay với các ngân hàng là không nhỏ.

Đánh giá về kế hoạch tăng vốn 2021-2025, Vietcombank cũng cho rằng việc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính phù hợp với mục tiêu và sẵn sàng đầu tư vào thời điểm này là “khá thách thức”. Giải pháp phát hành trái phiếu tăng vốn cũng gặp khó do xu hướng thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng.

Tăng vốn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắc khe hơn của ngành ngân hàng về an toàn hoạt động, tăng cường hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, đồng thời có thêm nguồn lực tài chính quan trọng để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Thời gian qua, các NHTM tích cực tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính. Nhưng so với các ngân hàng trong khu vực, bộ đệm vốn của ngân hàng Việt vẫn còn mỏng. Trong khi các nước trong khu vực đã thực hiện Basel 3 hoặc một phần Basel 3, Việt Nam mới thực hiện Basel 2. 

Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số CAR và xếp hạng các ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thời gian tới là hết sức cần thiết giúp các ngân hàng phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong một nền kinh tế đầy biến động.

Trong mùa đại hội cổ đông sắp tới, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục hoàn thành kế hoạch tăng vốn cũ đã đặt ra trong năm ngoái hoặc đưa ra những kế hoạch táo bạo hơn.

Tin mới lên