Tạo lập thị trường mua bán nợ: Lời giải cho nút thắt nợ xấu

Nguyễn Thoan - 20/10/2020 10:43 (GMT+7)

(VNF) - Đề xuất giải pháp tháo gỡ nút thắt nợ xấu, các chuyên gia cho rằng tạo lập thị trường mua bán nợ, luật hóa Nghị quyết 42 sẽ giải quyết căn cơ vấn đề nợ xấu.

VNF
Thị trường mua bán nợ sẽ gỡ “nút thắt” nợ xấu.

Khi nợ xấu được hiểu là vấn đề của toàn nền kinh tế

Thông tin về kết quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, ông Trần Đăng Phi, Phó chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết quá trình tổng kết, đánh giá kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) theo Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả, dứt điểm nợ xấu.

“Cái quan trọng nhất Nghị quyết 42 làm được là thay đổi tâm lý của đại bộ phận người dân về nợ xấu. Khi nợ xấu được hiểu là vấn đề của toàn nền kinh tế thì vấn đề xử lý dễ dàng hơn nhiều, con nợ cũng có thái độ hợp tác hơn”, ông Phi nói.

Cùng với đó, Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” với các mục tiêu cơ bản: Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém; bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD; xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo; đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng xuống dưới 3% đã cơ bản tạo khuôn khổ pháp lý giúp lành mạnh hoá hệ thống tài chính.

Với vai trò đại diện cơ quan thanh tra, giám sát hoạt động hệ thống ngân hàng, ông Trần Đăng Phi khẳng định, nhiều mục tiêu lớn trong Nghị quyết 42 và Đề án 1058 đã được hoàn thành như: Khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng và xử lý nợ xấu được hoàn thiện phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam; sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững; Quy mô, năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành được nâng cao, mở rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế; tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện; chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu giảm dần qua các năm.

Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát.

“Có thể nói Nghị quyết số 42 đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) các khoản nợ xấu của TCTD. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết số 42 còn cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc trên thực tế cần sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan xử lý (đặc biệt là việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án, đây là điểm mấu chốt để quá trình triển khai Nghị quyết số 42 có hiệu quả hơn) để các chính sách, giải pháp của Nghị quyết 42 được áp dụng có hiệu quả hơn trong thời gian tới”, ông Phi nói.

Thị trường mua bán nợ sẽ gỡ “nút thắt” nợ xấu

Thông tư 01 ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 được đánh giá vừa là sự đồng hành của NHNN với nền kinh tế nhưng cũng là phương án tạm thời để “giải cứu” hệ thống ngân hàng trước nguy cơ mất thanh khoản, tắc nghẽn mạch máu của nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch.

Tuy nhiên, trước những tác động ngày càng lớn của dịch bệnh, NHNN đang nghiên cứu tiếp tục kéo dài thời gian có hiệu lực của Thông tư 01 để miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho nhiều doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh hơn nữa. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, ở thời điểm hiện tại ngân hàng rất cần sự đồng hành quyết liệt hơn của Bộ Tài chính, sự đồng hành, vào cuộc của bộ, ban, ngành (vốn hiện tại chưa phải là quyết liệt). Với Thông tư 01 sửa đổi, theo thông tin từ NHNN, đã gửi sang Bộ Tài chính nhưng chưa có sự phản hồi. “Một mình NHNN thì không thể tự làm được. Đây là điều kiện tiên quyết để cùng xử lý những thách thức đang đặt ra cho cả hệ thống tài chính”, ông Lực nói.

Ông Lực cũng đề xuất, cho phép giữ nguyên nhóm nợ, giãn hoãn tới một mức phù hợp, vì nếu thời gian ngắn quá có thể là cú sốc với hệ thông ngân hàng. Nên kéo dài thời gian giãn, hoãn đến hết 2021 - thời điểm có thể dịch bệnh được kiêm soát tốt hơn, tiềm lực của ngân hàng và doanh nghiệp cũng được nâng cao.

Đề cập đến giải pháp tăng vốn tại các ngân hàng, mối tương quan giữa tăng vốn và hỗ trợ xử lý nợ xấu, ông Lực cho rằng, “đây là vấn đề tồn tại lâu nay”. Tổng hòa các biện pháp khác nhau thì phương án phát hành trái phiếu để tăng vốn, tìm kiếm cổ đông chiến lược được coi là khả thi hơn cả. Các nhà đầu tư ngoại khá quan tâm đến thị trường Việt Nam, giá cổ phiếu ngân hàng tương đối hấp dẫn nên ngân hàng vẫn thu hút luồng vốn mua bán và sáp nhập. Tuy nhiên, muốn làm được vẫn cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của bộ, ban, ngành cùng NHNN để thúc đẩy hoạt động này.

Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề nợ xấu, ông Lực cho rằng, cần có một lộ trình hình thành thị trường mua bán nợ nói chung hay thị trường mua bán nợ xấu nói riêng tại Việt Nam. Cùng với đó, Nghị quyết số 42 đã thực thi được 3 năm thí điểm, “đây là thời điểm phù hợp để nghiên cứu luật hoá, biến Nghị quyết 42 trở thành một bộ luật xử lý nợ xấu, đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ, đặc biệt là tính cưỡng chế, cùng sự vào cuộc của nhiều cơ quan mạnh mẽ hơn”.

“Thành lập thị trường mua bán nợ là vấn đề không mới, do các ngân hàng và VAMC hay DATC đã mua bán nợ với nhau. Nhưng Việt Nam chưa có thị trường chính thống, mà chỉ có một số tổ chức tham gia vào, chúng ta cần có thị trường mua bán nợ theo đúng nghĩa. Một thị trường nợ sẽ tăng tính thanh khoản của thị trường mua bán nợ và sau đó là hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển”, ông Lực nói.

“Thị trường mua bán nợ sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, cả trong và ngoài nước, khi nhiều nhà đầu tư muốn mua nợ nhưng không biết chỗ. Một thị trường mua bán nợ như vậy sẽ cung cấp thông tin công khai minh bạch cho các nhà đầu tư, từ đó giải quyết căn cơ bài toán nợ xấu của hệ thống ngân hàng”, ông nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác