Tập đoàn Sơn Hải: 'Đá làm đường cao tốc chở từ Quảng Trị vào nhưng tính giá theo Huế'
Chí Bình -
09/09/2022 19:44 (GMT+7)
(VNF) - Theo Tập đoàn Sơn Hải, vật liệu đá làm đường cao tốc ở Huế không có, nên phải chở từ Quảng Trị vào, nhưng giá đá thì lại tính theo giá công bố của Huế. Do đó, nhà thầu đề nghị cho phép xây dựng chỉ số giá vật liệu theo gói thầu.
Ngày 9/9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đi kiểm tra thực địa đoạn cao tốc Quảng Trị - Thừa Thiên Huế (Cam Lộ - La Sơn) dài hơn 98km và họp với các địa phương, ban quản lý dự án, các nhà thầu, đơn vị thi công về tiến độ dự án.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, dự án Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài 98,3km (trong đó tỉnh Quảng Trị là 37,3km; tỉnh Thừa Thiên Huế 61km). Trong quá trình triển khai, dự án gặp một số khó khăn như thời tiết, đặc biệt là mùa mưa lũ năm 2020; dịch Covid-19; biến động giá... Đến nay sản lượng của dự án đạt 94,1% giá trị hợp đồng.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết với khối lượng còn lại không nhiều (khoảng gần 6%), cơ quan này sẽ nỗ lực chỉ đạo các đơn vị liên quan, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án trước 31/10/2022.
Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng cho biết đang tập trung để giải quyết những vướng mắc của nhà thầu, ví dụ như vướng mắc về xử lý kỹ thuật, thiết kế. Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải liên tục chỉ đạo kịp thời giải ngân cho các nhà thầu để kịp thời có tiền, thậm chí trong một tháng thanh toán không phải là một lần, hai lần mà ba lần để làm sao dòng tiền về nhà thầu một cách nhanh nhất và kịp thời nhất.
Bên cạnh đó, các nhà thầu mạnh thì hỗ trợ phối hợp nhà thầu yếu hơn về nhân lực, kể cả về thiết bị. Với nhà thầu mà năng lực sau 2 lần nhắc nhở, cảnh cáo bằng văn bản mà chuyển biến chậm thì sẽ cắt chuyển. Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương triển khai sớm để di dời sớm nâng cao đường điện cao thế để đảm bảo việc khai thác được an toàn.
Tại cuộc kiểm tra, các nhà thầu cho rằng giá vật liệu, nhiên liệu biến động mạnh ảnh hưởng đến dòng tiền của nhà thầu. Do đó, các nhà thầu kiến nghị rà soát công bố chỉ số giá đảm bảo sát với diễn biến thị trường và kịp thời để có cơ sở phê duyệt chi phí bù giá cho nhà thầu.
Đại diện Tập đoàn Sơn Hải cam kết đảm bảo tiến độ, đồng thời kiến nghị về giá vật liệu xây dựng. Doanh nghiệp chia sẻ thực tế vật liệu đá làm đường cao tốc ở Thừa Thiên Huế không có, nên phải chở từ Quảng Trị vào, nhưng giá đá thì lại tính theo giá công bố của Thừa Thiên Huế. Từ đó đại diện nhà thầu đề nghị cho phép xây dựng chỉ số giá vật liệu theo gói thầu.
Phía Công ty Thành An thì bày tỏ mong muốn địa phương rà soát lại chỉ số giá công bố hàng tháng sao cho sát thị trường, bảo đảm phù hợp với biến động giá thực tế làm cơ sở giá cho các nhà thầu, đồng thời giải quyết dứt điểm một số vị trí vướng mắc về mặt bằng.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng việc các địa phương công bố giá vật liệu không thể thỏa mãn mọi tình huống.
"Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119. Đây là nghị quyết tháo gỡ vướng mắc cho vấn đề này. Theo đó, UBND các tỉnh có trách nhiệm công bố giá các loại vật liệu xây dựng thông thường theo thẩm quyền và quy định pháp luật", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nói.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh đất nước rất cần các nhà thầu tốt, chuyên nghiệp, có uy tín bởi từ nay đến năm 2030, chúng ta cần đầu tư để có 5.000 km cao tốc.
"Khi các nhà thầu có uy tín thì các bộ, ban quản lý dự án sẽ tìm đến. Các nhà thầu phải giữ thương hiệu, uy tín của mình", Phó thủ tướng nói và nhắc nhở các nhà thầu phải giữ đúng cam kết, lời hứa của mình về chất lượng và tiến độ công trình. Tuyệt đối không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ.
Giao các nhiệm vụ cụ thể, Phó thủ tướng nêu rõ, đến 30/10/2022 là hoàn thành toàn bộ công trình và khánh thành, đưa vào khai thác trong tháng 11/2022. Những nhà thầu làm tốt giai đoạn 1 (2017-2020) của dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông thì sẽ được xem xét chỉ định thầu làm giai đoạn 2 của dự án (2021-2025). Tuyệt đối không chọn những nhà thầu yếu kém.
Phó thủ tướng yêu cầu các nhà thầu phối hợp chặt chẽ, chia sẻ khó khăn với nhau; rà soát, đánh giá đường găng tiến độ của từng hạng mục, công việc; cần thành lập tổ công tác để chuẩn bị sớm hồ sơ dự án, đảm bảo có thể nghiệm thu ngay khi hoàn thành.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone