Temu: Sàn TMĐT Trung Quốc 'gây sốt' tại Việt Nam
(VNF) - Trong những ngày gần đây, sự xuất hiện của ứng dụng mua sắm từ Trung Quốc có tên Temu đã tạo nên một cơn sốt mới tại Việt Nam.
Với việc ra mắt tại Việt Nam và Brunei, số lượng thị trường của Temu tại Đông Nam Á đã tăng lên con số 5 và hoạt động kinh doanh toàn cầu của ứng dụng đã mở rộng tới 82 quốc gia và khu vực chỉ trong vòng 2 năm ngắn ngủi.
Việt Nam là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2023. Quy mô GMV của Việt Nam tăng gần 53% lên mức 13,8 tỷ USD, qua đó vượt Philippines để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 trong khu vực.
Là nền tảng thương mại điện tử phát triển nhanh nhất trong 2 năm qua, Temu chắc chắn không muốn bỏ lỡ Việt Nam.
Temu đến từ đâu?
Temu, phát âm là “tee-moo", được sở hữu bởi PDD Holdings, công ty mẹ niêm yết tại Mỹ của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo.
Pinduoduo là một trong những nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất của Trung Quốc, thành công nhờ mô hình kinh doanh mua theo nhóm, cho phép mọi người tiết kiệm tiền bằng cách nhờ bạn bè mua cùng một mặt hàng với số lượng lớn.
Trong khi Pinduoduo đã "làm mưa làm gió" tại Bắc Kinh vài năm nay, thì tại Mỹ, ứng dụng này đã được ra mắt vào đầu năm 2023 và cũng nhanh chóng tạo nên "cơn sốt", liên tục đứng đầu các bảng xếp hạng ứng dụng được tải về nhiều nhất.
Theo giới thiệu trên trang web, Temu sử dụng "mạng lưới sâu rộng được xây dựng qua nhiều năm để cung cấp các sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng". Sàn thương mại này giao dịch mọi thứ, từ hàng gia dụng, quần áo cho tới đồ điện tử, với slogan "mua sắm như một tỷ phú".
Quảng cáo rầm rộ, giảm giá tới 90%
Mặc dù là một "tân binh" tại thị trường Việt Nam, Temu đã tạo được tiếng vang ban đầu thông qua các chiến dịch quảng cáo mở rộng. Trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp các quảng cáo về ứng dụng này xuất hiện một cách thường xuyên.
Khi tải ứng dụng Temu trên điện thoại di động, người dùng có thể thấy ứng dụng đã được hoàn thiện về giao diện và hỗ trợ ngôn ngữ Tiếng Việt.
Tuy nhiên, ứng dụng dường như vẫn chưa thực sự thân thiện với người dùng Việt Nam khi mô tả một số sản phẩm vẫn chưa được chuyển ngữ hoàn toàn hoặc được dịch máy khá khó hiểu.
Về mặt thiết kế giao diện, Temu có thiết kế đơn giản và khá dễ dùng, tương tự như ứng dụng Shopee. Ngay khi mở ứng dụng, người dùng mới sẽ được quảng cáo về những deal giảm giá lên tới 90%, chương trình miễn phí vận chuyển và nhiều lợi ích mua sắm khác.
Tại Việt Nam, một điểm trừ là hiện tại Temu chỉ hỗ trợ thanh toán bằng thẻ tín dụng và Apple Pay, và chỉ mới kết nối với 2 công ty hậu cần là Ninja Van và Best Express. Thời gian giao hàng tương đối nhanh hơn, khoảng 4-7 ngày.
Chia 30% hoa hồng, cao hơn Shopee và Lazada
Ngày 22/10, Temu mở đăng ký chương trình tiếp thị liên kết (affiliate) cho người dùng Việt Nam. Việc đăng ký thành đối tác kiếm tiền trên sàn này đơn giản, ai cũng có thể tham gia với chiết khấu cao hơn mức Lazada, Shopee áp dụng tại Việt Nam.
Một số lợi ích được cho là cực "ưu đãi" của Temu bao gồm tặng 150.000 đồng cho mỗi lượt tải app và tạo tài khoản qua link affiliate hay chia hoa hồng từ 10-30% cho mỗi đơn hàng thông qua đường link tiếp thị.
So với mặt bằng chung, khoản tiền Temu chia cho đối tác affiliate tương đối cao. Ví dụ, Shopee chia tối đa 50.000 đồng cho một đơn hàng thành công cho đối tác affiliate, thì Temu trả số gấp 3 chỉ bằng việc tạo lập tài khoản. Tuy nhiên, để rút tiền thưởng, những tài khoản mới này phải mua sắm sản phẩm bất kỳ trên ứng dụng.
Với khoản hoa hồng lên tới 30%, đây cũng là mức cao so với Shopee (thường trả 3,5% giá trị đơn hàng).
Trong nhóm Facebook với nội dung kiếm tiền từ affiliate Temu, hiện đã có hơn 200.000 thành viên. Trong khi đó, số đối tác affiliate được cho là nhanh chóng vượt 70.000 người chỉ sau vài ngày.
Rủi ro link rác và nghi ngại về chất lượng sản phẩm
Được quảng cáo rầm rộ và có "độ phủ" đáng kể sau thời gian ngắn ra mắt, Temu dường như đã có bước khởi đầu khá thuận lợi tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, để có thể hoạt động lâu dài thị trường này, điều ứng dụng này cần mang tới là cả chất lượng sản phẩm và sức hút lâu dài, thay vì những chương trình khuyến mại ban đầu.
Trong một số nhận định ban đầu, một vài người dùng cho biết các sản phẩm trên Temu có giá tương đương với một số nền tảng TMĐT khác và chỉ đạt được ưu thế thông qua các ưu đãi giảm giá. Điều này đồng nghĩa với việc nếu kết thúc chương trình giảm giá, Temu cũng mất đi lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ hậu cần cũng vẫn là dấu hỏi lớn. Với số lượng đơn vị vận chuyển còn hạn chế cũng như phương thức thanh toán chưa đa dạng, Temu có thể sẽ gặp phải một số khó khăn trong việc chiếm thị phần tại Việt Nam.
Ngoài ra, một trong số những rủi ro Temu có thể mang tới là việc các đường link rác, link affiliate có thể được đăng tải tràn lan trên không gian mạng, ảnh hưởng tới trải nghiệm của người dùng.
Mặc dù vậy, sự xuất hiện của một ứng viên đầy tiềm năng chắc chắn sẽ khiến "chiến trường" TMĐT tại Việt Nam trở nên "khốc liệt" hơn, mà vô hình trung điều này có thể đem lại những lợi ích cho người tiêu dùng.
Hai nhà bán lẻ thời trang Trung Quốc đấu nhau ở Mỹ: Temu đâm đơn kiện Shein
- Hà Nội: 366.857 shop TMĐT kê khai thuế, thu gần 10.000 tỷ đồng 19/07/2024 02:00
- Cuộc chiến giá trên các sàn TMĐT đẩy người bán tới 'bờ vực' 13/07/2024 02:00
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Không thể dùng sức người quản lý TMĐT 05/06/2024 01:11
Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.