Trung Quốc

Cuộc chiến giá trên các sàn TMĐT đẩy người bán tới 'bờ vực'

Quỳnh Anh - 13/07/2024 14:00 (GMT+7)

(VNF) - Các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang đối mặt tình trạng vô cùng khó khăn khi doanh số tăng trưởng chậm lại, áp lực giá tăng dẫn tới việc phải đưa ra các chương trình cạnh tranh về giá. Điều này vô hình trung đã làm tổn hại tới lợi ích của những người bán hàng.

Ngành công nghiệp thương mại điện tử từng phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc hiện đang ở trong một tình cảnh không mấy tốt đẹp, khi nền kinh tế tăng trưởng trì trệ khiến người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao.

"Thời kỳ hoàng kim của thương mại điện tử đã qua rồi. Năm nay có sự cạnh tranh khốc liệt và tôi không nghĩ nhiều người bán có thể tồn tại thêm 3 năm nữa", ông Lu Zhenwang, nhà điều hành một cửa hàng thương mại điện tử tại Thượng Hải, người bán các mặt hàng gia dụng cần, cho biết.

Những đợt giảm giá cực mạnh, những lễ hội mua sắm, những phiên livestream do những KOL dẫn dắt với hàng triệu đơn hàng,...từng góp phần tạo nên tiếng tăm cho ngành, giờ đây bỗng trở thành gánh nặng.

Một số nền tảng TMĐT hàng đầu tại Trung Quốc.

Tại các sàn TMĐT dẫn đầu xu thế như Alibaba hay JD.com, biên lợi nhuận đang thu hẹp dần và thua xa thập kỷ bùng nổ thương mại điện tử tại Trung Quốc, bắt đầu vào khoảng năm 2013.

Nếu như năm 2013, sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực TMĐT đã đưa ngành này lên vị thế mới, chiếm 27% bán lẻ, với 12.000 tỷ NDT (1.650 tỷ USD) hàng hóa được bán ra hàng năm, thì giờ đây, ngành này cũng chịu chung nhịp đập trì trệ của nền kinh tế, với mức tăng trưởng hai chữ số của những năm gần đây sẽ sớm được thay thế bằng một chữ số, theo dữ liệu từ Euromonitor.

Hệ quả là sự nhiệt tình tham gia các lễ hội bán hàng đang giảm đi đáng kể, trong đó lễ hội lớn nhất - Ngày độc thân, diễn ra vào ngày 11/11 - bỗng trở thành một thử thách mạo hiểm.

"Bạn không biết mình có thể bán được bao nhiêu sản phẩm, nhưng bạn phải xây dựng kho dự trữ cho sự kiện này. Gần như không thể thấy được sự tăng trưởng bùng nổ trong một sự kiện mua sắm ở thời điểm hiện tại", ông Lu nói.

Bảo vệ người mua - Tổn thương người bán

Một trong những đặc trưng của ngành TMĐT Trung Quốc là những chính sách bảo vệ quyền lợi khách hàng. Thời điểm năm 2001, khi Pinduoduo (PDD) khởi xướng việc người bán hàng phải chịu phí vận chuyển khi khách hoàn hàng, đây đã trở thành tiêu chuẩn cho các sàn TMĐT và là khởi đầu cho hàng loạt các chính sách bảo vệ khách hàng khác.

Nhưng giờ đây, khi kinh tế khó khăn và lượng hàng bán ra giảm sút, chính những chính sách này đang trở thành gánh nặng cho những người bán hàng.

"Tỷ lệ hoàn trả trên các nền tảng thương mại điện tử hiện là 60%", nhà sáng lập Inman Fang Jianhua viết trên mạng xã hội. Trước khi có các chính sách bảo vệ khách hàng như vậy, tỷ lệ này chỉ khoảng 30%, ông cho biết.

Điều này cho thấy tình trạng khó khăn của những người bán lẻ trên các sàn thương mại điện tử - những người không chỉ phải chịu phí vận chuyển, mà hoàn toàn có thể bị khoá tài khoản, nhận đánh giá thấp nếu khách hàng không hài lòng.

Ông Fang cho biết các chính sách "ưu tiên người tiêu dùng" làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp trong số đó phải bán dưới giá thành để duy trì thứ hạng cao trong kết quả tìm kiếm giữa nhiều sự kiện giảm giá.

Tỷ lệ trả hàng tăng vọt khiến người bán gặp nhiều khó khăn.

Nhà điều hành cửa hàng thương mại điện tử Lu Zhenwang cho biết các chính sách bảo vệ quyền lợi khi trả hàng đã khiến tỷ lệ trả hàng tăng vọt ở các danh mục như quần áo.

Người bán hàng này cho biết mặc dù tỷ lệ trả lại hàng may mặc luôn ở mức tương đối cao, nhưng chúng đã tăng vọt kể từ khi yêu cầu người mua phải trả bưu phí khi trả lại hàng bị bãi bỏ.

"Cứ ba sản phẩm quần áo bạn bán ra, sẽ có ít nhất hai sản phẩm bị trả lại và bạn phải trả phí chuyển phát nhanh hai chiều", ông Lu nói.

Lỗ chồng lỗ

Davy Huang, giám đốc phát triển kinh doanh tại công ty tư vấn thương mại điện tử Azoya, cho biết việc người tiêu dùng tăng tỷ lệ trả hàng theo cảm tính đang khiến tình hình của người bán trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là những nhà bán hàng nhỏ lẻ không đủ dùng tiền để trang trải các loại chi phí.

"Nhưng tôi nghĩ tỷ lệ quay lại chỉ là một phần nhỏ trong số những thách thức mà những người bán hàng đang phải đối mặt", ông Huang nói.

"Họ còn phải đối mặt với chi phí mua lưu lượng truy cập cao và chi phí hợp tác với những KOL nổi tiếng để thúc đẩy việc bán hàng trực tiếp", theo ông Huang.

Bên cạnh đó, nhiều người bán lẻ còn phải chịu cảnh lép vế khi giờ đây, người tiêu dùng có thể mua hàng trực tiếp từ các nhà máy với giá xuất xưởng. Việc này đã khiến một số người bán hàng chịu cảnh "lỗ chồng lỗ" trong thời gian dài.

"Không có sự tăng trưởng về doanh số, vì không có khách hàng mới và thu nhập trung bình của người dân không tăng như 10 năm trước. Chỉ có sự cạnh tranh giữa các nền tảng, giữa những người bán. Đây là trạng thái bình thường mới của ngành thương mại điện tử tại Trung Quốc", ông Lu Zhenwang nói.

Theo Reuters
Trung Quốc livestream bán hàng sát biên giới, mỗi ngày 5 triệu đơn hàng về Việt Nam

Trung Quốc livestream bán hàng sát biên giới, mỗi ngày 5 triệu đơn hàng về Việt Nam

Thị trường
(VNF) - Sự bùng nổ của hoạt động livestream bán hàng không chỉ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn thúc đẩy việc giao thương xuyên biên giới, đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cùng chuyên mục
Tin khác