'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
- Ông có bình luận gì về tình hình kinh tế xã hội năm qua?
TS Võ Trí Thành: Tôi nghĩ năm qua kết quả kinh tế khá tích cực. Điều này thể hiện ở 3 khía cạnh: con số tăng trưởng, nỗ lực cải cách và niềm tin thị trường.
Về tốc độ tăng trưởng và sự ổn định của kinh tế vĩ mô, những con số đạt được cho thấy quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn đang được tiếp tục. Và điều đáng nói là quá trình phục hồi ấy được tiếp tục trong bối cảnh kinh tế giới có sự chao đảo, có sự gia tăng về tính bất định.
Về nỗ lực cải cách, chúng ta thấy Chính phủ rất chú trọng và đẩy mạnh việc này, từ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bước đầu bắt tay vào cải cách bộ máy nhà nước đến việc đẩy mạnh làm trong sạch bộ máy.
Niềm tin vào cải cách, vào tiến trình hội nhập của Việt Nam, của cả người dân trong nước và cộng đồng quốc tế, được củng cố và gia tăng.
- Vậy theo ông, đâu là thành tựu nổi bật nhất của Chính phủ trong năm qua?
Tôi cho đó là khát vọng.
Điều này phản ánh qua niềm tin của thị trường, của nhà đầu tư, của thế giới đối với Việt Nam. Cái khát vọng đấy là trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh với những bước đi còn rất gập ghềnh, Việt Nam vẫn khẳng định tiếp tục con đường cải cách, hội nhập và không ngừng thích ứng với xu hướng mới, đòi hỏi mới.
Đấy là điểm nhấn, điểm sáng và hi vọng rằng điểm sáng ấy vẫn tiếp tục trong các năm tới.
- Vậy con số tăng trưởng GDP 7,08% - cao nhất trong 10 năm qua, thì sao?
Việt Nam vẫn trong quá trình hồi phục nền kinh tế và hồi phục một cách tích cực. 7.08% chưa phải là một mức tăng trưởng quá ấn tượng.
Nếu nhìn một đất nước đang phát triển như Việt Nam, nhìn vào kết quả trong suốt 30 năm đổi mới thì việc đạt mức tăng trưởng 7,08% không phải cái gì quá ngạc nhiên.
- Ông có thể phân tích về các động lực tăng trưởng trong năm 2018?
Đằng sau sự tăng trưởng của năm qua, có ba góc nhìn về động lực tăng trưởng.
Một là nhìn phía cung, có thể nhìn theo lĩnh vực công – nông – dịch vụ hoặc nhìn theo khu vực kinh tế nhà nước – tư nhân – FDI.
Nếu nhìn theo góc độ đó, tăng trưởng của Việt Nam có được một phần rất quan trọng nhờ điểm sáng trong nông nghiệp, mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp 15% GDP. Nhưng năm qua, nông nghiệp đạt được mức tăng trưởng rất tốt với ngành này là 3,7%. Như vậy, nông nghiệp góp khoảng 0,6 điểm % tăng trưởng.
Công nghiệp chế biến – chế tạo và dịch vụ cũng có mức tăng trưởng khá tốt. Riêng dịch vụ, dù không còn duy trì được mức tăng trưởng cao hơn GDP nữa nhưng lĩnh vực này vẫn có một số mảng có mức tăng trưởng rất tốt như du lịch, logistics, tài chính ngân hàng.
Nếu nhìn theo khu vực kinh tế, có thể thấy động năng tăng trưởng đến từ 2 khu vực: FDI và khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân năm qua là điểm sáng. Và nếu nhìn vào đây, ta có 2 con số ấn tượng: một là con số doanh nghiệp thành lập mới cao và hai là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực tư nhân trong nước đã cao hơn con số xuất khẩu của khu vực FDI.
Về phía cầu, có thể nói tiêu dùng tại Việt Nam vẫn là một động lực tăng trưởng khá mạnh. Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư toàn xã hội vẫn giữ được mức đảm bảo cho tăng trưởng là bằng 33% GDP.
Một chỉ số quan trọng khác là chất lượng tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng có mấy điểm tốt, chẳng hạn như năng suất lao động vẫn ở mức tăng khá, tăng trưởng tín dụng hợp lí hơn (14%, thấp hơn mức 17 – 18% trong các năm trước)…
- Những động lực này có còn tiếp tục trong năm 2019?
Năm 2019, tình hình kinh tế xã hội là bức tranh đan xen giữa màu sáng và màu xám.
Màu xám thì không ít. Ví dụ như nền kinh tế Việt Nam rất mở nên rất phụ thuộc vào chuyển biến của kinh tế thế giới mà kinh tế thế giới lại có tính bất định rất cao. Cái bất định này gắn với địa chính trị, chiến tranh thương mại, cách thực thi chính sách tiền tệ của các nước phát triển, đặc biệt của FED.
Ngoài ra, khá nhiều dự báo cho rằng kinh tế thế giới sẽ chững lại, thậm chí suy giảm so với 2 năm qua. Nhiều nền kinh tế chủ chốt, là đối tác thương mại của Việt Nam, có tốc độ tăng trưởng giảm, ví dụ như Trung Quốc, Mỹ…
Tuy nhiên bức tranh cũng có cái tích cực. Chẳng hạn như Việt Nam bắt đầu thực thi CPTPP. Hiệp định này tạo thêm cơ hội, thêm chất men cho xuất khẩu, sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư.
Cái nữa là Việt Nam vẫn tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hi vọng tiến trình đấy được đẩy mạnh thêm trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Và một điều quan trọng khác là trong khó khăn, Việt Nam vẫn là điểm đến khá lý tưởng, là nơi nhà đầu tư có thể đặt niềm tin.
- Vậy các thách thức nào đang chờ đón chúng ta trong năm 2019?
Thách thức nằm ở chỗ: Việt Nam dù là điểm đến được đánh giá cao nhưng trong bối cảnh bất định và những nền tảng cơ bản của môi trường đầu tư kinh doanh vẫn đang gây khó cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cái tâm lí lừng chừng, chờ đợi cũng đã bắt đầu dâng lên.
Đây là thách thức lớn và càng cho thấy nỗ lực cải cách là cực kì quan trọng.
Ngoài ra, chúng ta có thể thấy các thách thức khác như: tính bền vững của tăng trưởng khu vực nông nghiệp vẫn là dấu hỏi; giá trị gia tăng tạo ra trong công nghiệp là rất thấp; số doanh nghiệp đóng cửa, giải thể rất lớn.
Những tồn tại khác về chính sách, điều tiết thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bắt nhịp với đòi hỏi mới về sáng tạo, công nghệ… đều chuyển biến rất chậm.
Tiến trình cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, các vấn đề chủ chốt vẫn khá chậm, đặc biệt liên quan đầu tư công, khu vực doanh nghiệp nhà nước, vấn đề phân quyền trung ương địa phương… vẫn còn chậm chạp.
- Vậy đâu là thách thức lớn nhất?
Tôi cho rằng thách thức lớn nhất là hiện nay Chính phủ đang phải xử lí đồng thời 3 việc: ổn định vĩ mô, đẩy mạnh tái cấu trúc và nỗ lực giữ mức tăng trưởng như năm 2018.
Đó đã là thách thức rồi nhưng mà thách thức ấy lại nằm trong thách thức lớn hơn nữa: vừa phát triển kinh tế, vừa xử lí bức xúc của xã hội, vừa tiếp tục cải cách, cải tổ bộ máy nhà nước. Nói cách khác, chúng ta xử lí đồng thời cả 3 vấn đề lớn về mặt xã hội, chính trị và kinh tế.
- Với các phân tích như vậy, ông có thể phác họa những nét cơ bản của năm 2019?
Mục tiêu Chính phủ đăt ra: tăng trưởng 6,6 – 6,8%, lạm phát khoảng 4%, xuất khẩu tăng trưởng khoảng 8%... tôi cho là vừa phải, đủ cẩn trọng.
Tất nhiên, Chính phủ luôn phải đặt ra vấn đề phấn đấu cao nhất có thể. Nếu thời cơ tốt hơn, môi trường bên ngoài không xám như dự báo thì phải tranh thủ để có kết quả tốt hơn.
Mình không loại trừ kịch bản tốt nhưng cũng không được loại trừ kịch bản xấu, vì khi tính cả kịch bản xấu hơn, ta sẽ hạn chế được phí tổn rủi ro, giữ được nền tảng phục hồi.
Đây là bài học ta đã học được nhiều năm qua. Năm 2018 cũng có thể xem là một bài kiểm tra cho Việt Nam: khi thế giới chao đảo nhất định, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng phát, Chính phủ đã ứng xử tốt. Bài học cũ nhưng năm nào cũng phải tính, không được bỏ qua.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.