Tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng tăng so với năm 2018
Xuân Hải -
04/11/2019 11:03 (GMT+7)
(VNF) – Đó là nhận xét của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2019.
Theo Ủy ban Tư pháp, các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng tại Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phát huy được vai trò trong công tác phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Số vụ việc, vụ án tham nhũng do các cơ quan này phát hiện, điều tra, truy tố còn ít.
Ủy ban Tư pháp nhận thấy hiện nay hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng không còn đúng nghĩa là “chuyên trách về chống tham nhũng” như yêu cầu đặt ra của Luật Phòng chống tham nhũng.
Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, đánh giá hiệu quả hoạt động, tìm ra những nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc trong hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị này.
Đáng lưu ý, Ủy ban Tư pháp cảnh báo về tình trạng để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng.
Ủy ban đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục.
Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cho hay tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra; vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân hoặc vi phạm nghiêm trọng về quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp gây bức xúc trong dư luận.
Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng mặc dù được tăng cường nhưng vẫn chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý.
Về kết quả phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, Ủy ban Tư pháp đánh giá việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu, chưa được khắc phục; việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình.
Về đánh giá tình hình tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng là “tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở và chưa bị đẩy lùi, tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng tăng so với năm 2018, gây bức xúc trong dư luận.
Đáng lưu ý, trong khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…
Dư luận cử tri cho rằng trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi.
Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.