Thế giới tuần qua: Biến chủng Omicron xâm nhập 38 nước, Anh kêu gọi ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2

Mộc An - 04/12/2021 15:23 (GMT+7)

(VNF) - Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), siêu biến chủng Omicron hiện đã xuất hiện tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mọi diễn biến mới liên quan tới biến chủng này dành được nhiều sự chú ý trong tuần qua.

VNF
Siêu biến chủng Omicron hiện đã xuất hiện tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Biến chủng Omicron xâm nhập 38 nước

Được phát hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 11 vừa qua, cho tới nay biến chủng Omicron đã được phát hiện ở ít nhất 38 quốc gia ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, Trung Đông, châu Âu và lan đến được 7 trong số 9 tỉnh của Nam Phi. Chính phủ nhiều nước đã thắt chặt các quy tắc đi lại để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này.

Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron có 32 đột biến trong protein gai và hiện chưa rõ biến thể này chính xác bắt nguồn từ đâu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều khả năng virus đã biến đổi ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và có mức độ lây nhiễm cao.

Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Á- Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới có thể giúp kéo dài thời gian nhưng mỗi quốc gia và mỗi cộng đồng cần chủ động chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới.

Theo ông Kasai, các nước không nên chỉ dựa vào các biện pháp kiểm soát biên giới mà quan trọng nhất là chuẩn bị để ứng phó với khả năng lây lan nhanh của biến thể. Các thông tin nghiên cứu về Omicron đến nay cho thấy chưa cần thay đổi cách tiếp cận phòng chống dịch hiện nay.

Ông Kasai kêu gọi các nước đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho các nhóm dễ tổn thương và triển khai các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Trung Quốc: Tìm ra kháng thể có thể vô hiệu hóa mọi biến chủng Covid-19

Trong nghiên cứu được công bố ngày 30/11, nhóm chuyên gia tại nhiều viện nghiên cứu của Trung Quốc cho biết họ có thể đã tìm ra “thuốc điều trị vạn năng” cho đại dịch Covid-19

Cụ thể, nhóm chuyên gia này cho biết trong những nghiên cứu ở phòng thí nghiệm lẫn thử nghiệm trên cơ thể sống (những con chuột mang một số gene người), kháng thể đơn dòng 35B5 đã cho thấy hiệu quả vô hiệu hóa chủng gốc của virus SARS-CoV-2 (không có đột biến) cũng như các biến chủng cần quan tâm (VOC). 

Các nhà khoa học Trung Quốc đồng thời lưu ý rằng kháng thể này cũng có tác dụng với biến chủng Delta có lượng đột biến cao, là nguyên nhân gây ra các làn sóng lây nhiễm trên khắp thế giới kể từ khi xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ vào đầu năm nay.

“35B5 vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 bằng cách nhắm vào một biểu vị duy nhất (một phần của phân tử kháng nguyên mà kháng thể tự gắn vào) để tránh các vị trí đột biến”, các nhà khoa học nêu trong nghiên cứu. Hiểu một cách đơn giản, 35B5 nhắm vào phần duy nhất của virus không thay đổi trong quá trình đột biến.

Bằng cách nhắm mục tiêu vào một phần của virus không bị ảnh hưởng bởi các đột biến được xác định trong các VOC lưu hành, kháng thể 35B5 đã chứng minh khả năng trung hòa toàn diện hiệu quả trên nhiều chủng.

Các nhà nghiên cứu nói rằng có thể khai thác phát hiện này để điều chế một loại vaccine chung cho tất cả biến chủng SARS-CoV-2.

Các chuyên gia Trung Quốc cũng cho biết vị trí kháng nguyên được kháng thể 35B5 nhắm tới cũng tồn tại trong biến chủng Omicron (B.1.1.529). Vì vậy, nghiên cứu trên được đánh giá là đặc biệt giá trị trong bối cảnh siêu biến chủng này đã lan ra 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Anh kêu gọi các đồng minh NATO ngăn Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động

Lo ngại châu Âu trở nên lệ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, Ngoại trưởng Anh Liz Truss mới đây đã lên tiếng kêu gọi các nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hợp tác ngăn chặn dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đi vào hoạt động.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss.

Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại thủ đô Riga của Latvia vào ngày 30/11, bà Liz Truss cho rằng nếu Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, các nước châu Âu sẽ ngày càng phụ thuộc hơn vào nguồn cung năng lượng từ Nga và đây có thể trở thành vũ khí được Nga sử dụng nhằm gây sức ép về địa chính trị cho châu Âu.

Đây là nỗ lực mới nhất của chính quyền Anh nhằm ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2, dù đến thời điểm hiện tại việc xây dựng đường ống dẫn khí này đã hoàn tất, chỉ chờ cấp phép để chính thức vận hành.

Hồi giữa tháng trước, Ngoại trưởng Anh cũng đã lên tiếng kêu gọi các nước châu Âu đoàn kết phản đối việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 do đường ống này có nguy cơ “làm suy yếu an ninh châu Âu, cho phép Nga thắt chặt quyền kiểm soát đối với những quốc gia phụ thuộc vào khí đốt”.

EU tung kế hoạch hạ tầng 340 tỷ USD cạnh tranh sáng kiến ‘Vành đai, Con đường’ của Trung Quốc

Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/12 công bố chương trình cơ sở hạ tầng mới mang tên "Cửa ngõ toàn cầu", dự kiến sẽ huy động tới 300 tỷ USD (khoảng 340 tỷ USD) trong giai đoạn 2021-2027 cho các dự án cơ sở hạ tầng hiện đại bên ngoài EU, bao gồm các hạng mục như cáp quang, hành lang giao thông sạch và truyền tải điện sạch.

Vốn đầu tư cho kế hoạch này sẽ được huy động từ khoản vay, viện trợ không hoàn lại và bảo lãnh, được phân phối qua hình thức công, tư, trong đó hơn 50% đến từ đầu tư trực tiếp.

Theo kế hoạch chi tiết được Ủy ban châu Âu công bố trong ngày 1/12, số tiền 300 tỷ euro sẽ được Ủy ban châu Âu, 27 quốc gia thành viên cũng như Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) huy động thông qua các quỹ đầu tư công và tư nhân từ nay đến năm 2027.

Kế hoạch bao gồm khoản tài trợ không hoàn lại lên tới 20 tỷ USD theo các chương trình hỗ trợ bên ngoài của EU. 164 tỷ USD khác đến từ các tổ chức tài chính phát triển và tài chính châu Âu, như Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu. 153 tỷ USD sẽ đến từ Quỹ Phát triển Bền vững Châu Âu +.

Phát biểu khi công bố chi tiết quy mô tài chính của chiến lược chiến lược "Cửa ngõ toàn cầu" trong cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết kế hoạch này hoàn toàn có thể cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

Theo bà Leyen, châu Âu có thể đem lại một lựa chọn thay thế thực sự cho các quốc gia đang phát triển tại các châu lục khi tìm kiếm các dự án cơ sở hạ tầng.      

Số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án như phát triển công nghệ hydrogen xanh, xây dựng các tuyến truyền dẫn dữ liệu ngầm dưới biển hay xây dựng các trường học tại các quốc gia đang phát triển ở châu Phi, châu Á và châu Âu.

Xem thêm >> Bitcoin lao dốc 16%, thị trường tiền điện tử chìm trong ‘bão lửa’

Cùng chuyên mục
Tin khác