Thế giới tuần qua: Bùng nổ ca nhiễm Covid-19 toàn cầu, Hong Kong hoãn bầu cử hội đồng lập pháp
Thanh Tú -
01/08/2020 12:30 (GMT+7)
(VNF) - Số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng mạnh trên toàn thế giới, Malaysia gửi công hàm lên Liên hợp quốc (LHQ) bác loạt yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, Hong Kong hoãn bầu cử hội đồng lập pháp… là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.
Bùng nổ ca nhiễm Covid-19 toàn cầu
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ riêng trong ngày 31/7, thế giới ghi nhận thêm 292.527 ca mắc mới Covid-19, tăng mạnh chưa từng có kể từ khi đại dịch bùng phát cuối năm ngoái. Trong đó, Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi tiếp tục là các nước có số người mắc Covid-19 tăng mạnh nhất.
Cũng trong ngày 31/7, thế giới có thêm hơn 6.800 ca tử vong vì đại dịch. Trong tháng 7, trung bình mỗi ngày thế giới có 5.200 người chết vì Covid-19, tăng so với 4.600 ca/ngày hồi tháng 6.
Số liệu thống kê của Reuters cho thấy, trong tuần qua, gần 40 quốc gia ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày tăng kỷ lục, con số này gấp đôi so với tuần trước đó.
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 1/8, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 17.731.470 trường hợp, trong đó có 681.968 trường hợp tử vong.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) hôm 31/7 cảnh báo mặc dù các nỗ lực phát triển vaccine đang được đẩy mạnh, nhưng thế giới phải học cách sống chung với Covid-19 và chiến đấu với nó bằng các công cụ mà chúng ta có.
Malaysia gửi công hàm lên LHQ bác loạt yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông
Malaysia ngày 29/7 đã gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về "quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán" liên quan đến các khu vực hàng hải ở Biển Đông, được bao quanh bởi cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn".
Cụ thể, trong công hàm gửi lên Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 29/7, Malaysia đã bác bỏ hoàn toàn nội dung trong công hàm CML/14/2019 2019 được Trung Quốc đưa ra trước LHQ ngày 12/12/2019 nhằm phản đối đệ trình của Malaysia với Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS).
Một tàu hải quân Malaysia ở biển Đông (Ảnh: Bernama)
Trong công hàm, Bắc Kinh cho rằng hành động của Kuala Lumpur đã "xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trên Biển Đông", đồng thời tuyên bố Malaysia không có quyền xác lập thềm lục địa ở vùng biển phía bắc nước này.
Trong công hàm ngày 29/7, Malaysia nhấn mạnh các quyền trên biển của nước này hoàn toàn nằm trong quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
“Các yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại công ước UNCLOS, vượt quá ranh giới địa lý và giới hạn các quyền lợi hàng hải của Trung Quốc được quy định trong công ước", công hàm của Malaysia nêu rõ.
Hong Kong hoãn bầu cử hội đồng lập pháp
Theo Tân Hoa xã, ngày 31/7, Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp (LegCo) của vùng lãnh thổ này do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Tuyên bố của người đứng đầu chính quyền Hong Kong nêu rõ cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 6/9 tới sẽ được hoãn lại do số ca mắc Covid-19 tại đặc khu hành chính này gia tăng. Cổng thông tin trực tuyến HK01 đưa tin cuộc bầu cử có thể sẽ được hoãn tối đa 1 năm.
Đây là cuộc bỏ phiếu chính thức đầu tiên tại Hong Kong sau khi Trung Quốc ban hành Luật Bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu Hành chính Hong Kong.
Phát biểu về quyết định mới của chính quyền Hong Kong, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định cuộc bầu cử hội đồng lập pháp tại Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và tùy thuộc vào chính quyền Hong Kong để đảm bảo tổ chức một cuộc bầu cử an toàn, có trật tự, công bằng và phù hợp.
Giai đoạn đề cử ứng viên cho cuộc bầu cử kết thúc trong ngày 31/7 và tới nay đã có 150 đề cử cho 70 ghế trong Hội đồng Lập pháp Hong Kong.
Trong tuần qua, New Zealand và Đức đã tuyên bố sẽ ngừng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong do không tin tưởng rằng hệ thống tư pháp của đặc khu này đủ độc lập với Trung Quốc sau khi áp dụng luật an ninh mới.
Trước đó, Canada, Australia và gần đây nhất là Anh cũng tuyên bố ngừng hiệp ước dẫn độ với đặc khu này.
EU trừng phạt Trung Quốc, Nga và Triều Tiên vì tấn công mạng
Liên minh châu Âu (EU) hôm 30/7 đã áp đặt lệnh trừng phạt lên một bộ phận của cơ quan tình báo Nga, các công ty từ Triều Tiên và Trung Quốc với cáo buộc tấn công mạng trên toàn cầu.
Lệnh trừng phạt của EU được áp dụng đối với 6 cá nhân và 3 tổ chức tại Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Theo đài RT, đơn vị công nghệ đặc biệt GTsST thuộc Cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) bị cáo buộc đứng sau nhiều cuộc tấn công mạng quy mô lớn, gồm vụ sử dụng mã độc NotPetya gây thiệt hại 10 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới năm 2017, trong đó có nhiều công ty châu Âu.
GTsST còn bị cáo buộc thực hiện 2 cuộc tấn công mạng nhắm vào lưới điện của Ukraine năm 2015 và 2016. Có 4 cá nhân làm việc cho tình báo quân sự Nga bị trừng hạt vì tham gia hoạt động tấn công mạng vào năm 2018 nhắm vào Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) trụ sở tại Hà Lan.
Công ty Triều Tiên Chosun Expo bị trừng phạt với cáo buộc hỗ trợ cuộc tấn công mạng đòi tiền chuộc chấn động hồi năm 2017 bằng mã độc WannaCry. Công ty này còn bị cho là liên quan cuộc tấn công hãng phim Sony Pictures năm 2014 nhằm ngăn cản công bố bộ phim có nội dung châm biếm nhà lãnh đạo Kim Jong-un, theo Reuters.
Hai người Trung Quốc và công ty phát triển công nghệ Haitai (Trung Quốc) bị trừng phạt vì hỗ trợ các cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp dữ liệu nhạy cảm về thương mại từ nhiều nước.
Các cá nhân, tổ chức nói trên bị cấm nhập cảnh EU và bị đóng băng tài sản. Mọi cá nhân, tổ chức tại EU bị cấm hỗ trợ cho những người trong danh sách cấm vận. Đây là lần đầu tiên EU ban hành lệnh trừng phạt liên quan đến hoạt động tấn công mạng.
Hàn Quốc hỗ trợ hơn 5 triệu USD cho 6 nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam
Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc ngày 31/7 đã thông báo việc hỗ trợ 5,15 triệu USD cho 6 quốc gia đang phát triển, gồm các nước nằm trong Chính sách hướng Nam mới và hướng Bắc mới của nước này để triển khai các dự án kỹ thuật số, dự án xanh và đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Khoản hỗ trợ này sẽ được trích từ Quỹ Hợp tác Hàn Quốc-Ngân hàng Thế giới (KWPF) và Quỹ Hợp tác Công nghệ Hàn Quốc-Tổ chức Tài chính Quốc tế (KIPP).
Thông qua KWPF, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ các dự án kỹ thuật số như tư vấn kỹ thuật nông nghiệp đổi mới nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp cho Uganda, xây dựng hạ tầng đào tạo năng lực lĩnh vực kỹ thuật số cho Kyrgyzstan. Trong khi đó, nguồn viện trợ trích từ Quỹ KIPP sẽ được sử dụng để hỗ trợ dự án nâng cao năng suất tài nguyên lĩnh vực chế tạo và nông nghiệp của Việt Nam và Campuchia.
Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng nguồn viện trợ trên sẽ giúp tăng cường hợp tác liên quan tới các lĩnh vực thân thiện với môi trường, đô thị thông minh, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) - những lĩnh vực mà nước này có thế mạnh.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone