(VNF) - Như vậy, tính riêng năm 2021, Vietjet đã huy động thành công 3.000 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu.
Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) vừa thông báo hoàn tất đợt phát hành trái phiếu có kỳ hạn 5 năm. Ngày phát hành là 22/7/2021, ngày đáo hạn là 22/7/2026.
Lô trái phiếu này là trái phiếu doanh nghiệp thông thường, không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm. Tiền lãi được thanh toán 6 tháng một lần.
Lãi suất thực tế cho hai kỳ tính lãi đầu tiên là 9,5%/năm, cho các kỳ tính lãi còn lại bằng biên độ 3%/năm cộng tham chiếu là lãi suất tiền gửi bình quân năm được công bố bởi 4 ngân hàng là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV.
Trái chủ duy nhất của lô trái phiếu này là một tổ chức trong nước, không phải ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm hay quỹ đầu tư.
Được biết, nguồn vốn huy động được sẽ dùng để đầu tư cơ sở vật chất, tài sản cố định, thiết bị, công cụ dụng cụ, … nhằm tăng cường năng lực khai thác vận tải hàng không và phát triển các hoạt động kinh doanh khác phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Vietjet.
Tính riêng trong năm 2021, đây là đợt huy động vốn thông qua kênh trái phiếu lần thứ ba của doanh nghiệp. Trước đó, Vietjet đã hoàn tất đợt phát hành đầu tiên vào ngày 24/5 và đợt phát hành thứ hai thực hiện vào ngày 9/6.
Giá trị mỗi đợt phát hành đều là 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm.
Mới đây, Vietjet cũng đã công bố kết quả kinh doanh khá tích cực. Lũy kế 6 tháng đầu năm, mặc dù doanh thu thuần giảm 31% còn 7.590 tỷ đồng, song nhờ hoạt động tài chính khởi sắc, lợi nhuận trước thuế thu về của Vietjet tăng trưởng 184%, đạt trên 137 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Vietjet đạt 48.620 tỷ đồng, tăng 7,5% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 1.517 tỷ đồng; đầu tư tài chính ngắn hạn, chủ yếu là số cổ phiếu IOL của Tổng công ty Dầu Việt Nam đạt 764 tỷ đồng...
Đến thời điểm lập báo cáo tài chính quý II, Vietjet ghi nhận nợ phải trả hơn 31.615 tỷ đồng, tăng 4,6% sau 6 tháng đầu năm. Tổng nợ vay ở mức 11.765 tỷ đồng, phần lớn là nợ vay ngắn hạn, chiếm 37% khối nợ.
Vốn chủ sở hữu đạt 17.005 tỷ đồng, cao hơn 2.027 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó, Vietjet sở hữu khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến 11.338 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Vietjet là 0,7 lần và chỉ số thanh khoản là 1,5 lần, mức tốt trong ngành hàng không thế giới.
Trên thị trường, đóng cửa phiên 13/8, cổ phiếu VJC giảm 700 đồng còn 118.000 đồng/cổ phiếu với thanh khoản trên 535.000 đơn vị.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.