Theo dòng lịch sử: Những cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gây tranh cãi và kiện tụng trong lịch sử

Hoài Thương (Tổng hợp) - 12/11/2020 10:56 (GMT+7)

Đến thời điểm này, khi hầu hết các hãng tin đều tuyên bố ông Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng thì Tổng thống Trump vẫn chưa thừa nhận kết quả bầu cử và cho rằng mình là nạn nhân của một vụ gian lận phiếu bầu trên quy mô lớn. Thực tế trong lịch sử, nước Mỹ cũng đã trải qua nhiều cuộc bầu cử Tổng thống đầy kịch tính, bất ngờ và gây nhiều tranh cãi.

VNF
Cuộc chiến giữa Tổng thống Trump (trái) và ứng viên Biden vẫn chưa ngã ngũ

Bất phân thắng bại

Năm 1800, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ tư diễn ra với hai ứng viên là Thomas Jefferson và Aaron Burr. Cuộc bầu cử ghi nhận kết quả hòa khi cả hai đều nhận được 73 phiếu đại cử tri.

Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, trong tình huống này, Hạ viện là cơ quan định đoạt ai sẽ làm Tổng thống. Trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống tại Hạ viện, mỗi nhóm nghị sĩ của một bang chỉ có một phiếu duy nhất. Khi đó nước Mỹ có 16 bang, tương đương 16 lá phiếu. Nếu ai đạt được hơn 8 phiếu thì thắng cử.

Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng. Khi các nhà lập pháp bỏ phiếu vào tháng 2.1801, cả hai ứng viên Jefferson và Burr đều không giành được hơn 8 phiếu. Hạ viện khi đó phải bỏ phiếu 35 lần trong vòng một tuần, nhưng ứng viên Jefferson luôn chỉ giành được 8 phiếu bầu. Mãi đến lần bỏ phiếu thứ 36, Jefferson mới giành được 10 phiếu và trở thành Tổng thống. Ông Burr trở thành Phó tổng thống.

Cuộc bầu cử đầy hỗn loạn

Ông Rutherford B. Hayes (trái) và ông Samuel J. Tilden

 

Năm 1876, hai ứng cử viên tham gia cuộc đua vào ghế tổng thống là Rutherford B. Hayes, đại diện cho đảng Cộng hòa và Samuel J. Tilden, đại diện cho đảng Dân chủ.

Cuộc bầu cử diễn ra hỗn loạn ở các bang miền nam nước Mỹ. Cuộc bỏ phiếu bị cản trở bởi những lời đe dọa bạo lực từ các đảng viên Dân chủ, những người muốn cử tri da màu không đi bỏ phiếu. Đảng Dân chủ cũng tạo ra các lá phiếu mang hình ảnh của tổng thống đảng Cộng hòa nổi tiếng Abraham Lincoln để dụ các cử tri mù chữ chọn Tilden.

Vào cuối chiến dịch tranh cử đầy hỗn loạn, hai phe đều tuyên bố chiến thắng ở ba bang Florida, Louisiana và Nam Carolina với tổng cộng 19 phiếu đại cử tri. Các phe phái chính trị cạnh tranh ở những bang này đã gửi hai bản danh sách đại cử tri khác nhau, một ủng hộ Tilden, một ủng hộ Hayes, lên quốc hội.

Ba bang có tranh chấp kết quả này định đoạt kết quả chung cuộc của cuộc đua. Nếu phiếu đại cử tri của đảng Cộng hòa được tính, Hayes sẽ là tổng thống. Nếu phiếu đại cử tri của đảng Dân chủ được tính, Tilden sẽ chiến thắng.

Quốc hội lập ra một ủy ban gồm 15 thành viên để giải quyết tranh chấp, trong đó Hạ viện, Thượng viện và Tòa án Tối cao mỗi bên cử ra 5 đại diện. Ủy ban cuối cùng đã bỏ phiếu với tỷ lệ 8 phiếu thuận 7 phiếu chống, trao số phiếu đại cử tri tranh chấp cho Hayes, giúp ông đắc cử Tổng thống.

Bê bối giả mạo lá phiếu của Tổng thống Lyndon Johnson

Ông Lyndon Johnson trong chuyến vận động tranh cử năm 1948

Trong cuộc bầu cử năm 1948, ông tranh cử vào Thượng viện. Các thăm dò cho thấy ông bị tụt sâu trong cuộc đua vớ  tỷ lệ chỉ đạt 18% so với 68% dành cho đối thủ. Nhưng ông lại là người giành được chiếc ghế tại Thượng viện với 87 phiếu bầu. Ông đã ra lệnh cho các đặc vụ của mình lấy tên những người đã mất trên bia mộ trong các nghĩa trang để điền vào các lá phiếu bầu cho mình. Nhiều năm sau đó, ông vẫn nhắc lại: "Ngay cả người chết cũng có quyền bỏ phiếu."

Kịch tính đến giây phút cuối

Cuộc bầu cử năm 2000 được xem là một trong những bê bối chính trị nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ. Ứng cử viên Al Gore của đảng Dân chủ và George W. Bush của đảng Cộng hòa đối mặt nhau trong một cuộc đua sát nút.

Ông Al Gore(trái) và ông George W. Bush

Tại bang Florida, điểm bỏ phiếu có tính quyết định vào năm đó, sau khi đóng thùng phiếu cuối cùng, truyền thông Mỹ đồng loạt tuyên bố ông Al Gore dễ dàng thắng ở bang này. Nhưng quá trình kiểm phiếu kéo dài đến đêm bắt đầu có sự thay đổi, phiếu bầu của ông Bush tăng lên nhanh chóng.

Đến sáng hôm sau, khi 85% số phiếu được kiểm cho thấy, ông Bush đã dẫn trước đối thủ khoảng hơn 100.000 phiếu thì các đài chính thức tuyên bố ‘ông Bush chiến thắng'. Ông Al Gore đã gọi điện chấp nhận thua cuộc.

Nhưng bất ngờ lại xảy ra, các phiếu kiểm sau đó đều ở các hạt có đông người ủng hộ phe Dân chủ, nên ông Gore lại thu hẹp khoảng cách với ông Bush chỉ còn 2.000 phiếu. Các đài rút lại dự đoán ông Bush thắng. Cùng lúc, ông Gore cũng rút lại tuyên bố thua cuộc.

Đội ngũ tranh cử của ứng viên Dân chủ đã yêu cầu quan chức ở 4 hạt lớn nhất Florida kiểm lại phiếu bằng tay, kéo theo một quá trình kéo dài hàng tuần. Ba tuần sau ngày bầu cử, bang Florida tuyên bố ông Bush thắng ông Gore với cách biệt 537 phiếu, tức chỉ 0,009%. Ông Al Gore tiếp tục phản đối và tòa án cấp cao nhất ở Florida phải vào cuộc, ra lệnh kiểm lại hàng nghìn phiếu bầu bị máy đếm loại bỏ với lý do đục lỗ không hoàn toàn.

Sau lệnh của Tòa án tối cao, các nhà lập pháp của phe Cộng hòa ở bang Florida tiến tới việc chọn cử tri đoàn ủng hộ ông Bush. Ông Al Gore tuyên bố thua cuộc với lý do không muốn đất nước bị chia rẽ thêm nữa vì đấu đá đảng phái. Ông Bush chính thức trở thành Tổng thống Mỹ thứ 43.

Những người ủng hộ ông Al Gore cũng tỏ ra hoài nghi về các hạt có số phiếu cao bất thường. Ngoài ra, bê bối ‘phiếu đục lỗ lấp lửng’ cũng khiến máy kiểm đếm hiểu nhầm, xếp nhiều phiếu vào dạng không hợp lệ.

Song, những nghi ngờ về độ tin cậy của hệ thống bầu cử ở Florida không đủ để ứng viên Dân chủ có thể đảo ngược tình thế. Ông Bush cuối cùng đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống được coi là kịch tính và gay cấn nhất lịch sử Mỹ.

Kịch bản cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay đang có những điểm tương đồng với cuộc đua cách đây 20 năm. Ông Biden cũng được các hãng truyền thông tuyên bố là người chiến thắng, đồng thời tổ chức ăn mừng với đảng Dân chủ và những người ủng hộ trên khắp đất nước. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của ông Trump và các quan chức đảng Cộng hòa thì nói rằng, họ sẽ tiếp tục đưa việc tranh chấp phiếu bầu lên tòa án.

Theo luật bầu cử Mỹ, các ứng cử viên được phép yêu cầu kiểm phiếu lại ở nhiều bang khi tỷ lệ chênh lệch giữa hai ứng cử viên sít sao, thường từ 0,5% đến 1%. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ chênh lệch vượt quá đó, các luật sư của ông Trump sẽ cần thuyết phục thẩm phán rằng việc kiểm phiếu lại vẫn cần thiết để bảo đảm một cuộc bầu cử công bằng. Và điều này yêu cầu đội ngũ luật sư của Tổng thống Trump chứng minh được những tuyên bố không có cơ sở của ông về việc gian lận cử tri phổ thông.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.