Thời kỳ chuyển giao của thị trường chứng khoán

Thanh Long - 21/08/2023 08:49 (GMT+7)

(VNF) - Nền kinh tế yếu, một mặt ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng mặt khác lại đem đến nhiều ích lợi cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nền kinh tế đang dần phục hồi, do đó, sẽ xuất hiện một thời kỳ mà thị trường chứng khoán chuyển giao động lực phát triển từ “lãi suất thấp” sang “tăng trưởng lợi nhuận”, kèm theo đó là khả năng xuất hiện những rung lắc mạnh mẽ trong quá trình chuyển giao.

VNF

Tín hiệu sớm từ doanh nghiệp niêm yết

Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT, lợi nhuận ròng quý II/2023 của các công ty niêm yết trên 3 sàn (HoSE, HNX, UPCoM) giảm 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cải thiện so với quý I/2023 (giảm 19,3% so với cùng kỳ) và quý IV/2022 (giảm 32,5% so với cùng kỳ). Nếu xét riêng các doanh nghiệp trên sàn HoSE, mức suy giảm lợi nhuận thậm chí còn không đáng kể, chỉ giảm 1,4% so với cùng kỳ. Với diễn biến này, VNDIRECT nhận định rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp đang dần hồi phục.

Đi sâu hơn, bất động sản và dịch vụ tài chính là các ngành dẫn dắt đà tăng trưởng lợi nhuận. Cụ thể, sau khi lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ trong quý I/2023, lợi nhuận ngành dịch vụ tài chính đã quay trở lại tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II/2023 với mức tăng 943% so với cùng kỳ, nhờ vào hiệu suất tích cực của VN-Index (tăng 5,2% trong quý II/2023) và hoạt động giao dịch cải thiện đáng kể (giá trị giao dịch bình quân phiên tăng 27% so với quý trước) sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất.

Trong khi đó, ngành bất động sản ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 41% so với cùng kỳ trong quý II/2023, riêng nhóm ngành này đã đóng góp 3,8 điểm % vào tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường. Kết quả này chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận 9.625 tỷ đồng của Công ty Vinhomes (HoSE: VHM), tăng 1.348% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ VHM, lợi nhuận của cả ngành sẽ giảm 38% so với cùng kỳ nhưng tăng 25% so với quý trước.

Ở chiều ngược lại, dầu khí, hóa chất, kim loại và bán lẻ kéo chậm tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường. Theo đó, lợi nhuận ròng của ngành dầu khí giảm 74% so với cùng kỳ, chủ yếu do BSR ghi nhận lợi nhuận ròng giảm 87% do chênh lệch giá crack (crack spread) tăng đột biến trong quý II/2022. Ngành hóa chất ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ trong quý II/2023 do giá phốt pho và phân bón vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, lợi nhuận ròng nhóm ngành kim loại giảm 88% so với cùng kỳ trong quý II/2023 do nhu cầu suy yếu và giá thép thấp hơn đáng kể so với một năm trước.

Đáng chú ý, mặc dù các cổ phiếu tăng mạnh trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II nhưng bán lẻ lại là một trong những ngành có lợi nhuận ròng giảm mạnh nhất do nhu cầu yếu và cạnh tranh giá gay gắt giữa những doanh nghiệp đầu ngành.

Một yếu tố khác củng cố cho luận điểm kết quả kinh doanh đang dần hồi phục là việc biên lợi nhuận gộp liên tục cải thiện. Theo thống kê của VNDIRECT, biên lợi nhuận gộp toàn thị trường quý II/2023 (không bao gồm ngân hàng) tăng 1,1% điểm so với quý trước, thể hiện xu hướng hồi phục tích cực kể từ quý IV/2022. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp đã tăng từ mức 15,3% lên mức 15,4% vào quý I/2023, tiếp tục tăng lên 16,5% vào quý II/2023, cao nhất trong 5 quý gần nhất. Được biết, xét từ quý I/2019 đến nay, đỉnh lợi nhuận gộp của toàn thị trường là 19,8% thiết lập vào quý III/2021.

Việc lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết hồi phục là tín hiệu sớm cho thấy nền kinh tế Việt Nam cũng đang trong quá trình hồi phục tích cực, bởi các doanh nghiệp niêm yết thường là doanh nghiệp có sức khỏe tài chính cũng như vị thế cạnh tranh tốt hơn so với mặt bằng chung, do đó sẽ phục hồi sớm hơn nền kinh tế chung.

Chuẩn bị cho thời kỳ chuyển giao

Nếu đo mức độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán bằng hệ số P/E thì có 2 yếu tố ảnh hưởng rõ rệt nhất đến thị trường, đó là lãi suất tiết kiệm ngân hàng và mức độ tăng trưởng lợi nhuận.

Lý do là đặc thù tại Việt Nam, tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư lớn nhất với khoảng 5 triệu tỷ đồng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng; do đó, lãi suất tiết kiệm sẽ là tham chiếu quan trọng để so sánh mức độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán, hay nói cách khác, lãi suất giảm thì có lợi cho giá cổ phiếu còn lãi suất tăng thì gây bất lợi cho giá cổ phiếu. Có thể so sánh lãi suất tiết kiệm với lợi suất của chỉ số VN-Index (tính bằng nghịch đảo P/E, tức là E/P) để mường tượng rõ hơn về tương quan mức độ hấp dẫn giữa 2 kênh đầu tư.

Còn với yếu tố tăng trưởng lợi nhuận, rất rõ ràng là lợi nhuận càng tăng thì P/E càng giảm và thị trường chứng khoán càng trở nên hấp dẫn; và ngược lại.

Kể từ đầu năm tới nay, mặc dù lợi nhuận toàn thị trường suy giảm nhưng bù lại, lãi suất tiết kiệm lại liên tục giảm. Điều này lý giải vì sao nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn nhưng thị trường vẫn tăng trưởng tích cực, đặc biệt là trong vài tháng gần đây, khi đà giảm lợi nhuận dần được “hãm” lại trong khi lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục giảm, khiến cho thị trường đi lên mạnh mẽ.

Nền kinh tế yếu, một mặt ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng mặt khác lại đem đến nhiều ích lợi cho thị trường chứng khoán: đầu tiên là khiến Chính phủ phải mạnh tay hạ lãi suất để kích thích kinh tế; bên cạnh đó, cầu yếu cũng khiến lạm phát giữ ở mức thấp; doanh nhân không dám mở rộng kinh doanh, cộng với thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu ảm đạm cũng khiến dòng tiền ít có lựa chọn hơn và do đó tìm đến cổ phiếu.

Nhưng như đã đề cập, nền kinh tế đang phục hồi! Do đó, sẽ xuất hiện một thời kỳ mà thị trường chứng khoán chuyển giao động lực phát triển từ “lãi suất thấp” sang “tăng trưởng lợi nhuận”.

Thời kỳ này có thể xuất hiện những rung lắc mạnh mẽ vì một số lý do. Thứ nhất, cầu tín dụng tăng lên sẽ tạo ra nhiều áp lực huy động vốn hơn, từ đó khiến lãi suất tiết kiệm tạo đáy và có thể nhích lên. Trên thực tế, lãi suất tiết kiệm hiện nay đã về gần mặt bằng chung từng thiết lập trong đa số năm gần đây như năm 2016, 2017, 2019, 2020; nhất là lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng lớn. Cùng với đó, lãi suất toàn cầu giữ ở mức cao cũng là yếu tố gây áp lực cho lãi suất trong nước.

Thứ hai, cầu nền kinh tế tăng lên có thể gây áp lực lên lạm phát, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn đang ở mức cao. Thứ ba, kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng sẽ thúc đẩy tâm lý doanh nhân lạc quan hơn, từ đó quyết định mở rộng kinh doanh và dòng tiền đáng kể có thể bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán để phục vụ mục đích này. Thứ tư, việc nền kinh tế phục hồi và triển vọng lãi vay hạ nhiệt, cộng thêm động lực từ các luật mới về bất động sản được ban hành trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ kích hoạt chu kỳ mới của thị trường bất động sản, do đó, dòng tiền cũng bị “chia lửa” sang thị trường này.

Mặc dù những diễn biến kém tích cực đối với thị trường chứng khoán nêu trên có thể chỉ là tạm thời trong bối cảnh chuyển giao động lực phát triển nhưng trong ngắn hạn, nhà đầu tư cũng cần lưu ý để có chiến lược phòng thủ phù hợp.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Chính phủ đặt mục tiêu có 10 tỷ phú USD, 5 doanh nhân quyền lực châu Á vào 2030

Chính phủ đặt mục tiêu có 10 tỷ phú USD, 5 doanh nhân quyền lực châu Á vào 2030

(VNF) - Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

Samsung sẽ đầu tư 1 tỷ USD mỗi năm vào Việt Nam

Samsung sẽ đầu tư 1 tỷ USD mỗi năm vào Việt Nam

(VNF) - Thông tin này được ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Samsung cho biết tại buổi tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều 9/5.

Đi cà phê gặp tai nạn nguy kịch: Hé mở về ông chủ chuỗi The Coffee House

Đi cà phê gặp tai nạn nguy kịch: Hé mở về ông chủ chuỗi The Coffee House

(VNF) - Giông lốc kèm mưa đá gây vỡ kính tại địa điểm kinh doanh của The Coffee House đã khiến một nữ khách hàng bị đa chấn thương, hiện đang hôn mê và rất nguy kịch.

Công ty trí tuệ nhân tạo của Elon Musk sắp đạt định giá 18 tỷ USD

Công ty trí tuệ nhân tạo của Elon Musk sắp đạt định giá 18 tỷ USD

(VNF) - Công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo X.AI Corp (xAI) của tỷ phú Elon Musk chuẩn bị kết thúc vòng gọi vốn với mức định giá khoảng 18 tỷ USD ngay trong tuần này.

Đề xuất bổ sung thêm 1 Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Đề xuất bổ sung thêm 1 Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

(VNF) - Theo Bộ Tài chính, cần thiết phải xem xét, bổ sung thêm 01 Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

Chuyển động mới tại kho cảng LNG Cái Mép

Chuyển động mới tại kho cảng LNG Cái Mép

(VNF) - Với việc hợp tác chính thức cùng các đối tác ngoại đến từ Mỹ, Công ty TNHH Hải Linh cho biết dự án kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến vận hành từ tháng 9 năm nay.

Metro Nhổn - Ga Hà Nội bắt đầu khoan hầm ngầm từ quý II/2024

Metro Nhổn - Ga Hà Nội bắt đầu khoan hầm ngầm từ quý II/2024

(VNF) - Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội sẽ khởi động thi công máy khoan hầm TBM trong quý II/2024.

Nghịch cảnh ngành thép: Nhiều 'ông lớn' lãi đậm, có DN lỗ sâu trăm tỷ

Nghịch cảnh ngành thép: Nhiều 'ông lớn' lãi đậm, có DN lỗ sâu trăm tỷ

(VNF) - Đúng như dự báo của giới phân tích ở thời điểm đầu năm, hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ trong ngành thép nô nức báo lợi nhuận tăng trưởng hàng chục, hàng trăm phần trăm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ lại chưa thể vượt qua giai đoạn khó khăn của ngành thép.

Dư nợ trái phiếu bất động sản phát hành riêng lẻ hơn 350.000 tỷ đồng

Dư nợ trái phiếu bất động sản phát hành riêng lẻ hơn 350.000 tỷ đồng

(VNF) - Bộ Tài chính cho biết, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của khối BĐS tại thời điểm ngày 5/3/2024 là 350.876 tỷ đồng. Ngoài ra, 8 năm qua, có 4 doanh nghiệp BĐS đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng là 2,18 tỷ USD.

Diện mạo 'đất vàng' khu Cao Xà Lá trước ngày chuyển đổi thành đô thị

Diện mạo 'đất vàng' khu Cao Xà Lá trước ngày chuyển đổi thành đô thị

(VNF) - "Cao Xà Lá" là tên viết tắt của loạt nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Tại khu vực này sẽ xây các khu đô thị mới với quy mô dân số dự kiến 46.000 người.