Vốn hóa thị trường chứng khoán vượt 230 tỷ USD

Lê Hải - Ngọc Huy - 08/06/2023 07:24 (GMT+7)

Tính đến hết tháng 4/2023, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ước đạt 5.416 nghìn tỷ đồng (khoảng 230,4 tỷ USD).

VNF
Ảnh minh hoạ.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thị trường chứng khoán đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Giá trị huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2021 đạt gần 731.349 tỷ đồng (trong đó giá trị huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu đạt gần 95.698 tỷ đồng, qua phát hành TPDN ra công chúng đạt gần 29.766 tỷ đồng, qua phát hành TPDN riêng lẻ là 605.934 tỷ đồng); trong năm 2022, giá trị huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và TPDN ra công chúng ước đạt 116.684 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, quy mô thị trường chứng khoán ngày càng phát triển. Tính đến hết tháng 4/2023, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ước đạt 5.416 nghìn tỷ đồng (khoảng 230,4 tỷ USD), tương đương 60,89% GDP ước tính năm 2022.

Trong khi đó, thị trường có 758 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) và 857 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1.992 nghìn tỷ đồng, tương đương 20,9% GDP ước tính năm 2022; có 449 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.834 nghìn tỷ đồng, tương đương 19,3% GDP ước tính năm 2022.  

Số lượng nhà đầu tư liên tục tăng đã góp phần đẩy mạnh thanh khoản thị trường. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư đến cuối tháng 4/2023 là trên 7 triệu tài khoản, tăng hơn 1,5 lần so với cuối năm 2020 và vượt mức 5% dân số trước 3 năm so với mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt 7,016 triệu tài khoản, tăng trên 156% so với cuối năm 2020 và số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt 43.465 tài khoản, tăng 24% so với cuối năm 2020.

Ngoài ra, hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp tục được tái cấu trúc, tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó cải thiện năng lực quản lý và tính chuyên nghiệp của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Hoạt động kinh doanh của các tổ chức kinh doanh chứng khoán được duy trì và có lãi trong những năm qua.

Cũng theo UBCKNN, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, nhất là trong hoạt động giám sát, thanh tra, cưỡng chế thực thi ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế.

Theo đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số trên thị trường cổ phiếu, các nhà đầu tư có tổ chức chiếm tỷ lệ nhỏ dẫn đến giao dịch trên thị trường chứng khoán về cơ bản không ổn định, chủ yếu theo tâm lý nhà đầu tư cá nhân. Nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật, nhận thức còn hạn chế mặc dù đã được thông tin, tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần, hiểu biết về thị trường, mua bán theo tin đồn.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát, kiểm tra thanh tra còn gặp nhiều khó khăn do các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp trong khi nguồn lực giám sát, thanh kiểm tra còn bị hạn chế.

Các sản phẩm trên thị trường chứng khoán mặc dù đã có thêm các sản phẩm mới nhưng vẫn chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là thị trường chứng khoán cơ sở (cổ phiếu niêm yết/ đăng ký giao dịch), các sản phẩm chứng khoán phái sinh còn hạn chế.

Ngoài ra, thị trường vẫn trong giai đoạn phát triển nên còn bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý.

Trước tác động của các tin đồn thất thiệt, lo ngại về yếu tố dòng tiền, áp lực lạm phát, những bất ổn về kinh tế - chính trị thế giới đã làm cho nhà đầu tư có tâm lí thận trọng đã tác động đến thị trường chứng khoán, sự đồng pha với diễn biến giảm của thị trường chứng khoán thế giới dẫn đến sự sụt giảm, biến động trên thị trường chứng khoán kể từ tháng 4/2022 cho đến những tháng đầu năm 2023.

Giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán

Theo UBCKNN, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong năm 2023 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Để đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường chứng khoán, đồng thời thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cần tiếp tục thực hiện các giải pháp.

Thứ nhất, về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Bộ Tài chính (UBCKNN) đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, trong đó quy định rõ phạm vi hoạt động và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, bổ sung các quy định nhằm quản lý tốt hơn các nhà đầu tư, tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư... đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán.

Thứ hai, về hoạt động tổ chức thị trường, đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường chứng khoán và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả; đồng thời, Bộ Tài chính (UBCKNN) đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm góp phần tăng cường tính minh bạch trên thị trường thứ cấp; đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ ba, về công tác giám sát, thanh tra trên thị trường chứng khoán, việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán sẽ được chú trọng nhằm bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.

Theo đó, Bộ Tài chính (UBCKNN) sẽ tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường. Ngoài ra, đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát; hoàn thiện và đưa vào sử dụng Hệ thống giám sát giao dịch nâng cấp với các tính năng phân tích, cảnh báo, thống kê.

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán, có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của thị trường chứng khoán; tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch và bền vững.

Thứ tư, về công tác truyền thông, tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nhanh và đầy đủ nguồn thông tin chính thống, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường.

Thứ năm, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Xem thêm >> VN-Index tăng phiên thứ 5 liên tiếp, cổ phiếu thép và BĐS 'dậy sóng'

Theo Pháp Luật Plus
Cùng chuyên mục
Tin khác