Thông điệp đầu năm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tiếp tục thực hiện 'mục tiêu kép'

VNF (ghi) - 01/01/2021 16:34 (GMT+7)

(VNF) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2021, để tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" cần lưu ý một số trọng tâm. VietnamFinance trích đăng ý kiến của Bộ trưởng tại cuộc họp của Chính phủ mới đây.

VNF
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

"Phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu, trở thành điều kiện cần quan trọng nhất để triển khai các giải pháp, chính sách về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Việc mở cửa lại nền kinh tế, cho phép giao thương với thế giới vẫn cần phải được xem xét và có bước đi thận trọng.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tranh thủ tận dụng thời cơ và cơ hội, đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cũng như 3 đột phá chiến lược nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; trong đó, cần đặc biệt đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng tạo ra nhiều hơn giá trị gia tăng trong sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.

Tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số… gia tăng; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan toả; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, thích ứng với biến đối khí hậu, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, phù hợp với từng vùng miền, phát triển sản xuất quy mô lớn theo nhu cầu thị trường.

Đáng chú ý, đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM và Đà Nẵng cần khẩn trương hoàn thiện để tận dụng các cơ hội dịch chuyển dòng vốn, xu hướng đầu tư trên toàn cầu; tập trung hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý kết hợp triển khai thử nghiệm các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công.

Đồng thời, triển khai toàn diện Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm ở 3 thành phố lớn.

Cùng đó, việc lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch cần được đẩy nhanh. Việc hoàn thành, phê duyệt, công bố kịp thời các quy hoạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các giải pháp huy động nguồn lực, triển khai các chương trình, dự án trọng điểm, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, hội nhập quốc tế, khai thác, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn.

Đặc biệt, ngay từ năm 2021, tập trung nguồn lực cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường ven biển, tuyến giao thông kết nối, cảng biển, sân bay, đường cao tốc, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển...

Năm 2021 dự báo tình hình kiểm soát lạm phát sẽ gặp nhiều khó khăn. Với sự xuất hiện của vaccine Covid-19 khả năng kinh tế, các chuỗi cung ứng, thị trường và thương mại thế giới sẽ phục hồi nhanh hơn dự báo, giá cả hàng hóa thế giới sẽ có biến động mạnh, tác động đến tình hình lạm phát và diễn biến chỉ số CPI trong nước.

Điều này đòi hỏi công tác điều hành giá, nhất là giá cả các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước điều hành cần thận trọng, bám sát diễn biến tình hình giá cả hằng tháng để có quyết định điều chỉnh phù hợp.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn tiếp tục được thực hiện. Cùng đó là đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và quy mô doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ sức vươn ra và cạnh tranh quốc tế, tham gia mạnh mẽ chuỗi giá trị toàn cầu…

Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tham gia thị trường mua bán, sáp nhập, qua đó hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, mang tính dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội".

Cùng chuyên mục
Tin khác