Tài chính

Thu thuế Facebook, Google…: Một mình ngành Thuế khó làm hiệu quả

Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới hay các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua các trang mạng xã hội (MXH) hàng năm thu được một nguồn lợi khá lớn từ thị trường Việt Nam, thì cơ quan thuế vẫn rất khó khăn trong việc tìm ra giải pháp để buộc các tổ chức, cá nhân này đóng thuế theo quy định của pháp luật.

Thu thuế Facebook, Google…: Một mình ngành Thuế khó làm hiệu quả

Ảnh minh họa.

Do đó, nếu chỉ một mình ngành Thuế làm sẽ không hiệu quả mà cần sự phối hợp, hỗ trợ từ nhiều cơ quan chức năng khác trong công tác quản lý. Đây là chia sẻ của Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO với phóng viên TBTCVN.

- Bán hàng trên các trang MXH như Facebook, Google, Instargram, Youtube… là hình thức rất phổ biến hiện nay. Thực tế cho thấy, có những tài khoản MXH có hoạt động kinh doanh, có lượng khách hàng, có doanh thu, có lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận rất lớn nhưng không nộp thuế. Dưới góc độ pháp lý, ông nhìn nhận như thế nào về yêu cầu kiểm soát và thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua các trang MXH?

Cá nhân, tổ chức có quyền lựa chọn hình thức kinh doanh truyền thống (tức mở cửa hàng, giao dịch trực tiếp) hoặc kinh doanh online (tức kinh doanh trên các trang web bán hàng, trên các trang MXH…). 

Tuy nhiên, trên cơ sở Luật Quản lý thuế đã được Nhà nước quy định, mọi cá nhân, tổ chức kinh doanh (không phân biệt kinh doanh truyền thống hay kinh doanh qua mạng) đều có nghĩa vụ phải nộp thuế bình đẳng như nhau.

Quy định về nghĩa vụ nộp thuế cũng đồng nghĩa những trường hợp không kê khai nộp thuế thì sẽ được xác định là hành vi trốn thuế, sẽ bị truy thu, phạt, thậm chí ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong bối cảnh hiện nay khi internet, điện thoại thông minh… có tốc độ phát triển rất nhanh, các hình thức kinh doanh qua các trang MXH cũng sẽ ngày càng gia tăng và phát triển đa dạng, phức tạp. Do đó, cơ quan thuế cần nghiên cứu nắm bắt thực tế những hình thức kinh doanh qua MXH, đồng thời đưa ra những biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả. 

Việc thu thuế cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các trang MXH sẽ đảm bảo tất cả mọi chủ thể tham gia trong nền kinh tế bình đẳng, công bằng trong hoạt động kinh doanh cũng như có nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau đối với Nhà nước và đối với nền kinh tế. Đồng thời, ở góc độ quản lý, việc này sẽ tránh thất thu ngân sách.

- Vấn đề thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua các trang MXH đã được cơ quan thuế đặt ra và đang từng bước triển khai. Tuy nhiên, thách thức trong việc thu thuế kinh doanh qua MXH triển khai trên thực tế không hề nhỏ. Theo ông nguyên nhân do đâu?

Việc quản lý thu thuế đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các trang MXH là phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam đã có khung pháp lý cơ bản. Tuy nhiên, việc triển khai thu thuế đối với kinh doanh qua MXH khó khăn hơn nhiều so với việc thu thuế của việc kinh doanh truyền thống.

Nguyên nhân trước hết là do ý thức tuân thủ pháp luật về thuế, nghĩa vụ nộp thuế của một bộ phận cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh qua các trang MXH chưa cao. Thông thường, các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các trang MXH nếu không có đăng ký kinh doanh thì sẽ không kê khai nộp thuế với cơ quan thuế. Điều này sẽ gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc xác định đối tượng thu thuế, số thu thuế. 

Còn bộ phận cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh thì lại thường tìm những biện pháp để "lách" thuế, kê khai thuế không đầy đủ… gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc xác định doanh thu thực tế để làm cơ sở tính thu thuế.

Tôi từng biết, có những trường hợp doanh thu cả năm có khi lên đến vài chục tỷ đồng nhưng số thuế nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) dường như chỉ mang tính chất "tượng trưng" khoảng vài triệu đồng, nhờ những "chiêu" lách thuế.

Bên cạnh đó, đối với việc thu thuế nhà thầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh doanh thu tại Việt Nam (như Facebook, Google...) cũng là vấn đề không dễ dàng. Các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới hầu hết không đăng ký kinh doanh và không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam. Điều này tạo khó khăn cho cơ quan thuế trong việc thu thuế những nhà cung cấp dịch vụ này.

- Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo luật đã đề xuất, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng thương mại trước khi chuyển tiền thanh toán từ các tổ chức, cá nhân cho các trang MXH nước ngoài (như Facebook, Google…) có trách nhiệm khấu trừ thay tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp vào NSNN. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

Rõ ràng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua các trang MXH là việc không dễ dàng, song không vì thế mà cơ quan quản lý được bỏ ngỏ. Để chống thất thu ngân sách và tạo sự công bằng, bình đẳng cho các chủ thể kinh doanh trên thị trường, tôi cho rằng, trước hết về mặt khung khổ pháp lý chung, những cơ sở pháp lý được quy định trong Luật Quản lý thuế cần có những sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trước tình hình phát triển nhanh chóng của hình thức kinh doanh qua các trang MXH trong xu thế kinh tế số.

Liên quan đến giải pháp đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo luật, theo tôi, đây là một giải pháp hợp lý và khả thi. Theo quy định pháp luật về thuế hiện hành, các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không hiện diện ở Việt Nam, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thực hiện cung cấp các dịch vụ quảng cáo trực tuyến qua hệ thống các trang MXH cho tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam, thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ của phía nước ngoài tại Việt Nam phải ký hợp đồng với phía nước ngoài, khấu trừ và nộp thuế nhà thầu thay cho tổ chức nước ngoài cho cơ quan thuế Việt Nam. 

Tuy nhiên, việc này phụ thuộc rất lớn vào ý thức của các chủ thể kinh doanh, nhưng như tôi đã đề cập ở trên không phải bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng tuân thủ tốt các quy định pháp luật. Vì vậy, nếu có sự hợp tác hỗ trợ của hệ thống ngân hàng trong công tác thu thuế như giải pháp đề xuất nêu ở trên sẽ tăng hiệu quả thu thuế, tránh thất thu ngân sách.

Thanh tra, kiểm tra cũng như vấn đề thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua các trang MXH đòi hỏi những yêu cầu rất khác so với phương thức kinh doanh truyền thống. Do đó, ngoài yêu cầu cơ quan thuế phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, thì còn cần sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan chức năng khác...

Chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Trí Hiếu: Chỉ có ngân hàng mới kiểm soát chính xác được luồng tiền thanh toán


Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu.

Hình thức kinh doanh trực tuyến qua MXH xuất hiện và phát triển rất nhanh chóng từ nhiều năm nay tại Việt Nam. Các trang MXH này đã trở thành môi trường bán hàng trực tuyến lý tưởng cho nhiều cá nhân, tổ chức với đa dạng các chủng loại mặt hàng thuộc nhiều lĩnh vực.

Đồng thời, doanh thu từ hình thức kinh doanh qua các trang MXH có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Vì vậy, vấn đề kiểm soát và thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua MXH là yêu cầu rất cần thiết, không chỉ nhằm mục đích tránh thất thu ngân sách mà còn tạo sự công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc thực hiện thu thuế kinh doanh qua các trang MXH là cơ quan thuế khó xác định được doanh thu, luồng tiền thanh toán của các chủ thể kinh doanh trong các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. Nếu không xác định được chính xác doanh thu, luồng tiền thanh toán thì cơ quan thuế khó thu được thuế.

Việc quản lý thuế, thu thuế tất nhiên là nghĩa vụ chủ yếu của cơ quan thuế. Tuy nhiên, với những hình thức kinh doanh khó kiểm soát như giao dịch trực tuyến xuyên biên giới, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế với các ngành chức năng khác như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… 

Đặc biệt, để giải quyết được bài toán thu thuế kinh doanh qua các trang MXH thật sự hiệu quả, cần có những quy định cụ thể để bắt buộc các dịch vụ xuyên biên giới khi thực hiện thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa; hay biện pháp các ngân hàng thương mại khấu trừ số thuế nhà thầu nộp vào NSNN của các tổ chức nước ngoài, khi chuyển tiền thanh toán từ các cá nhân, tổ chức trong nước cho các trang MXH nước ngoài…

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM: Gian nan thu thuế thương mại điện tử

Giữa tháng 5/2017, UBND TP. HCM đã có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn. Ngay sau đó, Cục Thuế thành phố đã triển khai hoạt động chống thất thu thuế theo chỉ đạo của UBND thành phố bằng một kế hoạch cụ thể theo 6 bước. 

Cơ quan thuế hiện đã hoàn tất bước 1, bước 2, đang thực hiện bước 3 và triển khai bước 4. Kết quả, cơ quan thuế đã phát hiện hơn 575 tỷ đồng chưa kê khai thuế, xử lý phạt và truy thu thuế với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các trang web bán hàng, trên sàn thương mại điện tử, trên các trang MXH nếu không có đăng ký kinh doanh thì thường không kê khai nộp thuế với cơ quan thuế. Còn nếu có thì họ kê khai thuế không đầy đủ, có dấu hiệu trốn doanh thu, do thường sử dụng phương thức thanh toán bằng tiền mặt. 

Nếu thanh toán qua ngân hàng thì sử dụng các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế. Cơ quan thuế vì thế rất khó xác định được doanh thu thực tế.

Ngoài ra, trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến, do khách hàng thuê phòng trả tiền trực tiếp cho nhà thầu nước ngoài (NTNN), sau đó NTNN chuyển tiền phòng cho khách sạn nên không xác định được số tiền khách thuê phòng trả tiền cho NTNN để làm căn cứ tính thuế khấu trừ thuế của NTNN. 

Để xử lý, cơ quan thuế đã yêu cầu khách sạn đề nghị NTNN thông báo số tiền khách thuê phòng thanh toán qua tài khoản, nhưng đề nghị này không khả thi vì NTNN nhất định sẽ từ chối cung cấp.

Đối với việc thu thuế nhà thầu các trang MXH có phát sinh thu nhập tại Việt Nam (như Google, Facebook…), Cục Thuế thành phố đã xác minh được: Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trong năm 2016, tổng số giao dịch của tổ chức, cá nhân Việt Nam với Google là 36.475 giao dịch, tổng số tiền thanh toán hơn 55,8 tỷ đồng; của Facebook là 29.058 giao dịch, tổng số tiền thanh toán là gần 60,7 tỷ đồng. 

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), trong năm 2016 Google có 248.396 giao dịch, tổng số tiền thanh toán gần 222,5 tỷ đồng; Facebook là 175.391 giao dịch, với tổng số tiền thanh toán gần 450,5 tỷ đồng.

Theo quy định, 2 tổ chức này phải nộp thuế GTGT 5%, thuế TNDN 5% trên thu nhập nhận được (nộp thuế nhà thầu theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC). Các cá nhân, tổ chức giao dịch với 2 tổ chức này có trách nhiệm khấu trừ thuế nhà thầu để nộp vào NSNN khi thực hiện thanh toán (Điều 4 của Thông tư số 103/2014/TT-BTC). Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn đều không khấu trừ thuế nhà thầu dẫn đến thất thu cho NSNN. 

Thống kê tại Sacombank cho thấy, số người giao dịch với Google là 15.088 người và Facebook là 15.637 người. Hiện tại Cục Thuế thành phố đang tiến hành xác minh địa chỉ của các cá nhân này để mời lên xử lý truy thu thuế.

Tin mới lên