Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Nguy cơ virus corona lây trong không khí thấp, chủ yếu lây qua tiếp xúc'

Trần My - 05/02/2020 17:32 (GMT+7)

(VNF) - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, khi ho, hắt hơi, virus corona không lơ lửng trên không khí vì thế nguy cơ lây không khí thấp, chủ yếu lây qua tiếp xúc.

VNF
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Chiều 5/2, Bộ Y tế tổ chức họp báo, cung cấp thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV) gây ra sau khi Việt Nam đã ghi nhận 10 trường hợp nhiễm nCoV, trong số này đã có ca nhiễm lây lan trong cộng đồng.

Theo thông kê của Bộ Y tế, tính đến 12 giờ ngày 5/2, dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/vùng lãnh thổ. Thế giới đã ghi nhận 24.553 người nhiễm nCoV, 492 người tử vong. Trong đó, Trung Quốc có 490 người tử vong; Phillippines có 1 người tử vong và Hồng Kông có 1 người tử vong.

Tại Việt Nam, đã có 10 người mắc nCoV gồm 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 5 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán (1 người đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Mỹ (Việt kiều) đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán và 1 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.

Nói về các phương thức lây truyền, ông Long cho biết virus corona có thể lây qua không khí (tiếp xúc các giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi); trực tiếp khi tiếp xúc người bệnh, kể cả khi bắt tay với người bệnh; lây truyền từ bề mặt đã bị nhiễm virus. Tuy nhiên, do virus này không lơ lửng trên không khí vì thế nguy cơ lây không khí thấp, chủ yếu lây qua tiếp xúc.

"Đặc trưng của virus khi ra môi trường không lơ lửng ở không khí nên khả năng lây qua không khí được đánh giá thấp. Chúng chủ yếu lây qua tiếp xúc các bề mặt bởi virus tồn tại ở đây rất lâu. Đây là con đường lây đáng quan ngại. Ngoài ra, có thể lây qua phân từ người nhiễm bệnh”, ông Long nói.

Do đó, việc phòng chống nhiễm virus corona phải thực hiện bằng nhiều biện pháp, trong đó phải rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, tránh tiếp xúc với đám đông... là những biện pháp dễ làm và quan trọng nhất.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần tránh tiếp xúc với bệnh nhân trong phòng kín, cần đứng tránh những người có biểu hiện ho, hắt hơi khoảng 1-2m, đối với những người ho, hắt hơi... cần rửa tay bằng xà phòng ngay sau khi ho, hắt hơi... không tụ tập đông người, thường xuyên vệ sinh bề mặt dụng cụ, bàn ghế bằng các chất tẩy thông thường như cồn.

Trả lời câu hỏi tại sao bệnh lây nhanh, khó kiểm soát, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng do thời gian ủ bệnh, người bệnh cũng có thể lây cho người khác, thậm chí có cá thể rất nhạy như chỉ đau cơ, ho nhẹ cũng đã có thể mắc bệnh. Và thời gian cách ly 14 ngày được xem là thời gian dài nhất để xác định phòng bệnh, còn thông thường chỉ cần cách ly 10-11 ngày.

Hiện, Bộ Y tế cũng đã lên phương án cho tình huống xấu nhất là dịch bùng phát, đó là bố trí hơn 3.000 giường bệnh sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân tại các địa phương và khoảng 2.000 giường ở Hà Nội.

"Bộ Y tế đã chỉ đạo chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. Các bệnh viện trung ương tuyến cuối cũng chuẩn bị hàng nghìn giường bệnh. Chúng ta không xây bệnh viện dã chiến mà sử dụng luôn các bệnh viện, sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân trong tình trạng xấu nhất", Thứ trưởng Long thông tin.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết đã thực hiện các biện pháp hạn chế và cách ly người trở về từ vùng dịch hoặc người nước ngoài đi qua vùng dịch, khách lưu trú ở cơ sở lưu trú, cách ly hạn chế cả những người tiếp xúc với bệnh nhân, những người tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

Hiện, có khoảng 900 người đang được cách ly tại các cửa khẩu, đa số là người Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Tin khác