Thức dậy những dòng sông

Nguyễn Ngọc Phú - 10/02/2024 00:38 (GMT+7)

(VNF) - Đất nước ta là đất nước của những dòng sông. Trải dài dải đất hình chữ S là những con sông tạo nên bao cung bậc thăng giáng, là những lở bồi của bao xóm thôn, làng mạc. Thức dậy những dòng sông chính là đánh thức những trữ lượng văn hóa tiềm tàng, tiềm ẩn.

VNF
Ảnh minh hoạ

Thức dậy những miền quê trù phú mà phù sa sông bồi đắp như một món quà của thiên nhiên tạo hóa ban tặng. Sông có vẻ đẹp của thiên tính nữ. Không biết tự bao giờ người ta nhìn sông to, sông nhỏ thành sông cái (sông mẹ), sông con. Đó cũng là vẻ đẹp dịu dàng tha thiết của người con gái trong dáng hình uốn lượn mềm mại của dòng sông. Sông chứa nước, người dân thường ra tắm sông gieo mình xuống sông gột rửa thanh lọc tâm hồn.

Sông cũng là ranh giới cách trở tạo ra sự ngăn cách tự nhiên với những đặc tính dài, sâu, rộng giữa các vùng địa lý. Ca dao đã từng nói rất hay: “Ước gì sông rộng một gang - Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”. Trong các giao dịch kinh tế thị trường thường có cụm từ “Dòng chảy đầu tư”, “Khơi thông dòng chảy đồng tiền”. Có nhà kinh tế học đã nói: “Dòng tiền là dòng chảy của lượng tiền mà một doanh nghiệp hoặc tổ chức thu được hoặc chi ra trong một khoảng thời gian nhất định”.

Như vậy chính sự uyển chuyển của sông đã làm “mềm” hóa cả những thuật ngữ vốn khô khan và cả những ửng xử mềm mại trong đời sống hàng ngày. Thức dậy những dòng sông chính là chìa khóa để mở ra để hòa vào để cuộn chảy. Từ sông ra biển lớn, từ êm đềm đến cuộn xiết từ hẹp đến rộng. Thức dậy những dòng sông là khi ta nghĩ về sông như nghĩ về những phận người, những cuộc đời sông.

Sông nhận vào mình tất cả những buồn đau những tê tái, vực xoáy để rồi trải dài một bình lặng, một mênh mông, một bao dung khỏa lấp. Để rồi khi hoàng hôn xuống, bình minh lên, mặt sông lại gợn sóng, lại lấp lánh ánh nắng, lại lăn tăn viền những hẫng hụt, âu lo để còn đó một bến mong chờ, một bến bình yên, một bến đỗ đời người. Những cuộc đời sông ngổn ngang bao thế sự, giải tỏa bao tâm tình, mở ra bao khát vọng. Đất nước Việt Nam ta có những con sông định mệnh là những lát cắt từ thân thể đất nước của chinh phạt chia ly cách trở.

Đó là con sông Gianh chia đôi thời chiến tranh Trịnh - Nguyễn; là con sông Bến Hải vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước hai miền Nam Bắc. Lại có những con sông là thành lũy chiến hào, là phòng tuyến chống quân thù còn ghi dấu ấn trong lịch sử như sông Như Nguyệt đánh giặc Tống gắn với bài thơ thần nổi tiếng của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở…”. Nhà thơ Bế Kiến Quốc trong bài thơ “Những dòng sông” nổi tiếng đã từng lý giải: “Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng/Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông”. Những câu thơ ông viết thật thiết tha: “Mỗi con người gắn bó một dòng sông/Khi ta bé dòng sông nào cũng rộng/Chiếc thuyền giấy gửi tuổi thơ theo sóng/Một cánh cò vỗ lả xuống lòng ta”.

Đất nước Việt Nam từ hình thể địa lý, kiến tạo ra bao tượng hình Tổ quốc. Có nhà thơ ví: “Dáng đất nước giống như nàng tiên múa/Lại hóa thành ngọn lửa lúc cuồng phong”. Mềm mại và quyết liệt, nhu và cương đã tạo ra cốt cách, bản lĩnh và khí phách tâm hồn Việt. Sông Mẹ - sông Hồng cuộn chảy phù sa như một thanh gươm cài bên hông Thủ đô Hà Nội. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng hào sảng: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm/Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”. Sông chảy đến đâu thì bắc lên câu hò, câu hát đến đấy. Bởi có một nguồn mạch văn minh văn hóa sông, trầm tĩnh sông, lắng đọng sông. Đó là phù sa chắt lọc từ tâm hồn con người sống dọc sông đã tạo ra những luyến láy, những nhịp điệu, những hào sảng mênh mang, những lắng dịu thẳm sâu…

Sông là nơi bắt đầu cho bao khát vọng để tuôn về, đổ về biển khơi. Sông là nơi khởi thảo những điệu dân ca mang hồn dân tộc. Sông đã mang và chuyển tải bao cung bậc. Sông có phận sông, và chính con đò trên sông đã tải bao nỗi niềm của sông. Khi đặt tên sông ta cũng muốn hiền hòa có hậu. Như sông Hương, sông Thương, sông Hiếu, sông Cầu, sông La, sông Lam… với nhịp bằng trôi mãi, êm mãi về xuôi.

Nhưng thiên nhiên đâu có chiều lòng người với bao ấm lạnh bất thường đã va đập, đã cuộn xiết, đã trắc trở để thành sông Mã phi bờm thác trắng, để thành sông Kỳ Cùng vắt kiệt hết mình trăn trở. Một sông Đuống “nghiêng nghiêng” của nhà thơ Hoàng Cầm, một “Trường ca sông Lô” của nhạc sĩ tài hoa Văn Cao. Một “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận. Và thật dào dạt mênh mông phóng khoáng về với chín khúc sông Cửu Long bát ngát tình người “Vàm Cỏ Đông ơi, Vàm Cỏ Đông”.

Ta có thể ví những dòng sông đất Việt giống như những dòng kẻ nhạc với bao thăng trầm. Ca dao Việt Nam đã viết rất hay: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Nguồn đó là nguồn mạch dân ca truyền từ đời này qua đời khác và bao đời con lớn lên từ lời ru của mẹ. Lời ru có gì lạ đâu từ những câu hát thật ân tình mộc mạc. m điệu thì mô phỏng động thái lao động khi xuống biển lên rừng để thành câu hò, câu ví.

Tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc bắt đầu từ tình yêu khúc hát dân ca, tình yêu dân tộc. Dân ca chính là tiếng lòng sâu thẳm nhất, chân thật nhất. Đó là lời ăn tiếng nói, là ứng xử giao hòa, là kinh nghiệm sống bao đời được chắt lọc đúc kết. Đó là ước vọng, là niềm tin, là cõi thiêng của tâm linh dân tộc. Sông Thương gắn với dân ca quan họ Bắc Ninh, sông Mã gắn với điệu hò “Dô tả, dô tà”. Sông Lam gắn với làn điệu dân ca ví dặm, sông Hương dùng dằng với điệu hò mái nhì. Rồi Lý ngựa ô rong ruổi lắm đèo nhiều dốc qua miền Trung sông suối dày tơ nhện. “Một miền Trung núi choài ra biển/Nên gập ghềnh câu Lý ngựa ô qua” (Phạm Ngọc Cảnh); rồi câu vọng cổ ngân nga nơi rất nhiều kênh rạch ngổn ngang như nỗi lòng...

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong chương “Đất nước” của trường ca “Mặt đường khát vọng” đã chiêm nghiệm rất hay: “Ơi những dòng sông bắt nguồn từ đâu/Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát/Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác/Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”. Sông không những tạo ra dáng hình đất nước, phẩm cách và tâm hồn con người mà sông còn là nơi giao lưu gặp gỡ chia sẻ những mạch nguồn văn hóa của dân tộc ra ngoài bờ cõi.

Nhưng vẫn giữ trong sâu thẳm lòng mình trọn vẹn lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, ứng xử văn hóa, không chỉ bằng ngôn ngữ giao tiếp mà bằng cả phong thái, cốt cách, phong vị tạo ra nền văn minh lâu đời của người Việt. Sông như một bảo tàng lưu giữ, đắp bồi, làm phong phú thêm những mùa lúa, mùa khoai, mùa đánh bắt tôm cá, mà còn đắp bồi mùa nhân hậu tình người, mùa dân ca đắm đuối, ân tình. Ta yêu đất Việt, yêu từ bờ tre xóm nhỏ, từ chợ họp bên sông. Nhà thơ Tế Hanh đã từng đắm say: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre”. Và, ông đã từ mênh mang sông để thảng thốt nhận ra: “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”.

Và tôi lại miên man nghĩ về đời mẹ với đời sông. Đời mẹ cứ góp nhặt chắt chiu như thế, chắt chiu từ khốn khó, gom nhặt từ đổ vỡ để nâng niu, để chăm chút sinh thành. Nhiều lần tôi ngẩn ngơ đứng lặng lẽ trước bến sông quê, cái bến sông có bao nhiêu bậc, mỗi bậc như một nốt nhấn của đời người; không chao đảo hẫng hụt mà chậm rãi, thong thả bao dung.

Bến sông là nơi gặp gỡ và chia ly, mái chèo khua vào ánh trăng vẹt mòn theo năm tháng. Con đò chở đầy bao ưu tư tâm sự. Có chút chòng chành mấp mé của những chuyến đò đầy: “Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc”. Nhà thơ tài hoa Hữu Thỉnh đã từng viết thế về số phận của người phụ nữ chờ chồng trong chiến tranh như thế.

Nhiều lần đi dọc bờ sông, dọc con đê thoai thoải cỏ may níu bước chân người, tôi cứ nghĩ: Mẹ là sông còn cha là con đê vạm vỡ, đê là cung trầm, sông là cung bổng, vòng tay đê ôm trọn dòng sông. Nếu đê sừng sững luôn được đắp bồi bởi sức bền của đất, của sự khỏe khoắn hồng hào tươi mới, kiêu hãnh thì sông lại lặng lẽ ẩn sâu bao đợt sóng ngầm, bao uẩn khúc “Sóng lặng rồi sông vẫn cứ xanh xao”. Tôi đã từng thổn thức trước sự hao gầy mà vẫn mềm mại dịu dàng của mẹ. Mẹ ơi! “Trời rạn vỡ mây còn thể lấp/Nhưng làm sao vá được nếp sông nhàu”. Nhiều lúc nhìn vầng trán đã lặn sóng của mẹ trong một buổi chiều rộng rãi không biết cất vào đâu, tôi thèm được ngắm mẹ nhai trầu. Miếng trầu cay ấm nồng tình đất tình người!

Sông thì vẫn cứ mải miết chảy, con đò thì cứ thao thiết trôi nhưng mẹ chân bước ngắn dần, tóc mẹ mỏng dần, túi trầu mẹ nặng dần và bến quê thưa dần người qua lại... Dòng sông mẹ đổ vào biển cả. Biển mặn mòi và cô đơn. Dòng sông mẹ chở chúng con những cánh buồm ra với đại dương mênh mông nơi cửa sông bắt đầu bao ước vọng.

Mẹ lặng lẽ quay về với con đò, với bến quê, với bên lở khuyết hao dâng hiến phù sa cho đời, cho vòng tay đê choàng ôm thôn xóm. Cánh - buồm - con căng phồng gió thổi từ mặt sông đời mẹ. Con lại nhớ về cánh cò chớp trắng trên sông, về con cá bống “Bống bống bang bang” đều mang dáng dấp của mẹ. Đầu tư vào sông chính là khơi nguồn nghĩa tình dân tộc, là đắp bồi những phù sa nồng hậu cho hôm nay và mai sau.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Ngân hàng Nhà nước bất ngờ dừng đấu thầu vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước bất ngờ dừng đấu thầu vàng miếng

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất.

Các nhà mạng dốc tiền đầu tư 5G, tính thu về tỷ USD

Các nhà mạng dốc tiền đầu tư 5G, tính thu về tỷ USD

(VNF) - Với những tính năng vượt trội như mạng băng thông rộng, tốc độ kết nối cao gấp khoảng 40 lần với 4G, độ trễ thấp, đáp ứng nhanh, mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G) được kỳ vọng sẽ là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng giúp nền kinh tế số của Việt Nam “cất cánh” trong thời gian tới.

Lập bản đồ số về quy hoạch: Dễ dàng tra cứu mọi mảnh đất trước khi xuống tiền

Lập bản đồ số về quy hoạch: Dễ dàng tra cứu mọi mảnh đất trước khi xuống tiền

(VNF) - Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hưng khẳng định, việc số hoá và công khai các quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, giúp nhà đầu tư (NĐT) hình dung được không gian phát triển của tỉnh, từ đó có thể nghiên cứu rót vốn vào các lĩnh vực giàu tiềm năng.

'Ngành bán dẫn là cốt lõi phát triển kinh tế số'

'Ngành bán dẫn là cốt lõi phát triển kinh tế số'

(VNF) - Thời gian qua, Việt Nam đã trở thành “cứ điểm” hấp dẫn cho các nhà sản xuất bán dẫn quốc tế, như Samsung, Intel và LG. Tuy nhiên, để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, cũng như gia tăng sức mạnh tự cường trong việc phát triển lĩnh vực này, cần một chiến lược dài hơi và sự quyết tâm của các doanh nghiệp trong nước.

Ngân hàng SCB đóng cửa 61 phòng giao dịch

Ngân hàng SCB đóng cửa 61 phòng giao dịch

(VNF) - Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa tiếp tục chấm dứt hoạt động đối với một phòng giao dịch ở TP.HCM. SCB đã đóng cửa 61 phòng giao dịch tại các tỉnh, thành trên cả nước.

Chủ tịch TCBS: 'Việc gì máy làm được thì hãy để máy làm'

Chủ tịch TCBS: 'Việc gì máy làm được thì hãy để máy làm'

(VNF) - Với phương châm “việc gì máy làm được thì hãy để máy làm, chúng ta dành thời gian cho sáng tạo và cải tiến”, Chủ tịch TCBS Nguyễn Xuân Minh cho biết khi tiến hành chuyển đổi số, yếu tố tự động hóa các quy trình vận hành cần đặt lên hàng đầu với mục tiêu chính là giảm thiểu tối đa chi phí vận hành cho công ty.

Quét mã khai báo thông tin: Chỉ 1 vài giây thay thế loạt thủ tục, giấy tờ

Quét mã khai báo thông tin: Chỉ 1 vài giây thay thế loạt thủ tục, giấy tờ

(VNF) - Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), nhiều kết quả nổi bật đã được ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam, trong đó đáng chú ý là những dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Thanh tra SJC, Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu kinh doanh vàng: Ai lỗ, lãi mạnh nhất?

Thanh tra SJC, Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu kinh doanh vàng: Ai lỗ, lãi mạnh nhất?

(VNF) - SJC, Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu là những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh vàng và thuộc diện thanh tra lần này. Nhiều đơn vị có doanh thu rất lớn nhưng lợi nhuận mỏng dù giá vàng chênh lớn, biến động mạnh.

CEO Kopi Kenangan: Hành trình quán cà phê địa phương thành thương hiệu tỷ USD

CEO Kopi Kenangan: Hành trình quán cà phê địa phương thành thương hiệu tỷ USD

(VNF) - Edward Tirtanata, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành 35 tuổi của Kopi Kenangan, đã biến một cửa hàng cà phê địa phương trở thành “kỳ lân” F&B đầu tiên tại Đông Nam Á với doanh thu 100 triệu USD/năm.

Cổ đông ngân hàng mùa thu cổ tức 'khủng' bằng tiền mặt

Cổ đông ngân hàng mùa thu cổ tức 'khủng' bằng tiền mặt

(VNF) - Cổ đông nhiều ngân hàng như ACB, Techcombank, VPBank và MB đang chuẩn bị nhận cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao.

Những sân golf 36 - 54 hố, lớn hàng đầu Việt Nam

Những sân golf 36 - 54 hố, lớn hàng đầu Việt Nam

(VNF) - Golf không còn là một bộ môn thể thao quá xa lạ tại Việt Nam. Hiện nay, có tổng cộng gần 80 sân đang hoạt động trên toàn quốc, trong đó, nhiều sân golf được đầu tư xây dựng với diện tích lớn quy mô 36 - 54 hố, đạt chuẩn quốc tế.