Tham vọng đại gia thành người mắc cạn bên 'dòng sông ảo vọng'

Ninh Dương - 15/01/2024 11:03 (GMT+7)

(VNF) - Bài học về lạm dụng đòn bẩy tài chính, đi vay để đầu cơ bất động sản, khi mất thanh khoản vì giá giảm đột ngột, thị trường đóng băng, nợ xấu chồng chất, dẫn đến “túng làm liều”, lâm vào tù tội, thậm chí mất mạng của “đại gia” Tăng Minh Phụng những năm đầu thế kỷ trước vẫn còn đó. Những cơn “sốt đất” luôn có một ma lực quyến rũ. Nhưng lên đỉnh cao hay xuống vực sâu thì tùy thuộc vào khả năng “quản lý lòng tham” của mỗi người.

VNF
Một căn biệt thự lớn tại Vũng Tàu bị bỏ hoang, một thời của đại gia Tăng Minh Phụng

Khát vọng làm giàu luôn đẹp…

Trên những nẻo đường quận 3, 10, 11… của Sài Gòn những năm 1990 -1993, nhiều người biết Bảy Khùng, một chàng trai dễ mến, siêng năng, ham học hỏi, luôn nói chuyện khởi nghiệp làm giàu, một vấn đề quá xa lạ trong lúc giá một chiếc xe máy là cả một gia tài và xe đạp còn là niềm mơ ước của nhiều người. Bảy Khùng hay Tăng Minh Phụng hay Bảy Phụng đều là một. Ông luôn có mặt trên các con đường Lạc Long Quân, Bình Thới, 3 tháng 2… để đi bỏ mối hàng tự sản xuất.

Sau một thời gian, nhờ siêng năng, làm ăn phát đạt và được bạn bè giúp đỡ, ông Phụng đã thành lập được các tổ hợp may nhỏ lẻ, rồi nhanh chóng phát triển thành chuỗi phân xưởng lớn nhất thành phố. Những năm 1990, công ty Minh Phụng là “bá chủ” các đơn hàng xuất khẩu may mặc qua Đông Âu.

Nhờ vậy, vào giai đoạn này, công ty đã có những bước phát triển rất ổn định, doanh số có năm lên tới nhiều triệu USD với 15 phân xưởng sản xuất, gồm: 10 phân xưởng may mặc, 1 phân xưởng nhựa, 1 phân xưởng dệt gòn, 1 phân xưởng bao bì PP, 1 phân xưởng thiết kế mỹ thuật cho hàng hóa ngành may và 1 phân xưởng thiết kế vi tính với trên 9.000 lao động.

Niềm vui duy nhất của ông Phụng qua hồi ức của người vợ là con cái và đam mê công việc, không rượu chè, cờ bạc, trai gái. Cũng về con người của ông Phụng, ông Liên Khui Thìn, một đối tác thân thiết, từng chia sẻ: “Một người có khuôn mặt phúc hậu, dễ mến, nói năng nhẹ nhàng và ăn mặc hết sức giản dị. Tăng Minh Phụng là người có tài kinh doanh và tham vọng lớn”.

Năm 1992, công ty Minh Phụng chuyển sang đầu tư vào đất đai, ông Thìn bảo đó là khúc cua định mệnh. Cuộc khủng hoảng kinh tế cuối thế kỷ trước đã manh nha. Thị trường truyền thống bị thu hẹp sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ làm công ty Minh Phụng chao đảo.

Nhiều đối tác nước ngoài trước kia đồng ý bán hàng trả chậm 1 - 2 năm thì đồng loạt rút ngắn thời hạn còn 3 - 6 tháng. Doanh số xuất nhập khẩu của công ty tụt dốc thê thảm, từ vài triệu USD xuống còn vài trăm nghìn USD mỗi tháng.

Tăng Minh Phụng quyết tìm hướng đi mới đầu tư vào bất động sản để duy trì hoạt động của các phân xưởng dù doanh nghiệp chưa có chức năng và bản thân ông chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà đất. Ngay từ đầu, ông quyết không làm ăn kiểu “cò con”.

Toàn bộ nhà đất của công ty Minh Phụng, giấy tờ vừa làm xong thì lập tức thế chấp vào các ngân hàng để vay tiền mua thêm đất đai. Tài sản càng phình ra thì các khoản nợ càng đè lên vai. Thay vì thu hẹp sản xuất, ông Phụng tin rằng sẽ sớm bán được tài sản và kiếm bộn lời, không cần phải sa thải công nhân đã gắn bó với mình, và sẽ trở thành đại gia bất động sản.

Chết bên bờ ảo vọng

Tham vọng trở thành đại gia bất động sản của Tăng Minh Phụng không phải là không có cơ sở, bởi nó diễn ra vào thời điểm mà giới thạo đầu tư đất đai gọi là thời “lịch sử cận đại bất động sản” Việt Nam. Khi ấy, Luật Đất đai ra đời, người dân có nhà đất sử dụng ổn định, lâu dài đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gọi là “sổ đỏ”. Việt kiều và người đi xuất khẩu lao động Đông Âu bắt đầu mang tiền về nước, đặc biệt là từ Đông Đức, Nga, Ukraine, Tiệp Khắc, để tích trữ mua nhà đất.

Hà Nội và TP. HCM đã có những cơn sốt đất đầu tiên năm 1992 - 1993, đất thổ cư chủ yếu được mua bán bằng vàng, tính bằng cây, bằng lượng. Từ đó, thị trường manh nha xuất hiện dân đầu cơ bất động sản, hầu như đều xuất phát từ những người giàu bằng nghề buôn bán vàng, buôn xăng dầu, buôn vải lâu đời… Gọi họ là “phú hộ” đầu cơ vì hầu như họ chỉ mua bán rồi “ém hàng” chờ kiếm lời, chứ không xây dựng, bán sản phẩm địa ốc đầu cuối như nhà đầu tư bây giờ.

Kẻ mua có vàng, còn người bán đất thì thường là của tích trữ mấy đời, bán ra để mua những “con xe” Honda DD, Dream… cáu cạnh, tiếng máy “êm ru” mà cả gia đình có thể ngồi ngắm cả ngày, lúc không đi thì lau chùi, phủ mền cẩn thận.

Nguồn hàng bất động sản cũng đến từ một số cán bộ được phân nhà ở các tuyến phố trung tâm Hà Nội, TP. HCM mà thời đó mấy ai nghĩ đến kinh tế tư nhân, cũng không khuyến khích buôn bán, nhà mặt phố với nhà hẻm lớn cũng chẳng khác là bao.

Họ bán nhà đất để lấy tiền cho con đi xuất khẩu lao động, chạy việc vào nhà nước để rồi sau đó, mỗi một làn sóng “sốt đất” trôi qua, lại tiếc nuối khi trước đó quy đổi cả mảnh đất đẹp mặt phố chỉ mua được cái đài cassette QT88 hay đơn giản là con cái có chân trong cơ quan này, đơn vị nọ.

Việt Nam chính thức mở cửa với thế giới năm 1995, bình thường hoá với Mỹ, gia nhập khối ASEAN cùng năm này. TP. HCM hình thành lớp doanh nhân thế hệ đầu tiên khi Đại học Kinh tế TP. HCM được thành lập. Những lớp doanh nhân đầu tiên ấy hầu như là giám đốc của các công ty TNHH, nghề được yêu thích là xuất khẩu may mặc, thủy sản. Đồng “Dollar xanh” cũng từ đây được ưa dùng.

Nhà đất TP. HCM có các đợt sốt nhỏ, rồi tiếp tục lan rộng với giá trị gấp đôi, gấp 3, thậm chí gấp 5 qua mỗi đợt sóng. Thứ tư liệu sản xuất được các doanh nhân khẳng định giá trị của mình chính là đất đai. Các hãng như IBM, Motorola, Nokia… các tập đoàn xây dựng như Sumitomo bắt đầu vào thành phố. Những tòa nhà văn phòng hạng A đầu tiên tại đây như PDD Paster, Diamond Plaza quận 1 bắt đầu được lấp đầy.

Một thị trường đầy chuyển động đã kích thích tham vọng làm giàu và cái đầu “nảy số” nhanh của ông Phụng, người luôn mang theo những bài báo viết về tỷ phú Lý Gia Thành - ông vua địa ốc Hồng Kông. Ông mong muốn chớp thời cơ, tích lũy được càng nhiều đất càng tốt, chờ lên giá sẽ bán ra kiếm lời.

Và nhờ miệt mài mua bán, tích trữ, cái tên Bảy Phụng trở thành “bá chủ” về địa ốc khi đầu năm 1997, ngoài các nhà xưởng sản xuất về ngành may mặc, giày dép, các dây chuyển sản xuất hoàn chỉnh có tới hàng nghìn bộ máy may, tổng danh mục bất động sản của ông có tới 169 biệt thự, nhà ở, văn phòng.

Hệ thống nhà xưởng, kho tàng tại các khu công nghiệp có tới 78 đơn vị với diện tích trên 1,2 triệu m2; đất chuyên dùng có trên 2,6 triệu m2. Các tài sản trên phân bố khắp địa bàn TP. HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng… Tăng Minh Phụng khi đó thực sự là một đại gia về bất động sản.

Do sự tăng trưởng quá nóng, đến giai đoạn 1996, doanh nghiệp của ông Phụng lâm vào tình thế nguy hiểm khi thị trường đóng băng. Trong khi vốn đầu tư cho kinh doanh địa ốc càng nhiều, nợ vay ngân hàng thì ngày càng lớn, khả năng sinh lời từ tài sản không thể có được trong thời gian ngắn.

Trót “phóng lao” đầu tư bất động sản, ông Phụng - ông Thìn bèn lập hàng loạt “công ty con”. Thời điểm ấy, ngành ngân hàng quy định hạn mức cho vay tối đa không quá 10% tổng vốn. Một lô hàng trước kia được ngân hàng cho vay 1 triệu USD thì hạn mức vay chỉ còn 200.000 USD. Lập 5 công ty con và mỗi công ty chỉ cần 1 hợp đồng nhập khẩu thì Minh Phụng – Epco (ông Thìn làm tổng giám đốc) có thể huy động được 1 triệu USD.

Để huy động thật nhiều tiền, Minh Phụng lẫn Epco sử dụng thủ thuật mua bán lòng vòng giữa các “công ty con”, lập hợp đồng mua bán khống… với sự tiếp tay của một số cán bộ ngân hàng. Khi vụ án nổ ra, cả hai công ty đều mất thanh khoản vì đất đai, nhà xưởng không bán được khi thị trường nhà đất đã đóng băng do hậu quả của khủng hoảng kinh tế lần đầu tiên sau Đổi mới (năm 1998) và sau một thời gian tăng nóng quá mức.

Sau hai phiên tòa chấn động dư luận bấy giờ, ngày về đã không bao giờ trở thành sự thật khi đơn xin tha tội chết của Tăng Minh Phụng không được chấp nhận. Bữa ăn cuối cùng trước giờ ra pháp trường, ông Phụng không hề đụng đũa. Ông lặng lẽ xin giấy bút để lại bức thư cho con. Liên Khui Thìn may mắn hơn, sau hơn 1.000 ngày sống thấp thỏm trong khu biệt giam của tử tù, ông được tha tội chết và ra tù sau gần 13 năm chấp hành án.

Bài học đòn bẩy tài chính “chơi dao đứt tay”

Cho đến nay, vụ án Minh Phụng - Epco vẫn giữ khá nhiều kỷ lục và một trong những kỷ lục này là giá trị tài sản phải thi hành án. Theo đó, các bị cáo và các doanh nghiệp thuộc 2 công ty Epco và Minh Phụng phải bồi thường và trả các khoản nợ cho 6 ngân hàng, gồm Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Sài Gòn Công thương Ngân hàng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Gia Định, với tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD.

Đến nay, một số người am hiểu thị trường bất động sản thời đó vẫn tiếc nuối cho rằng khát vọng của Tăng Minh Phụng không đúng thời. Ông có nhiều ý tưởng phát triển bất động sản nhạy bén, ví như mong muốn xây dựng các trung tâm thương mại đầu tiên (lúc này sở hữu cả đất trung tâm thương mại Tràng Tiền - Hà Nội), tuy nhiên lại có những bước đi quá sớm, quá nóng vội, nằm ngoài quy luật thị trường và có những hạn chế về nhận thức kinh tế, pháp luật nên mới nhận lấy kết quả thê thảm như vậy.

Việc xử lý tài sản thế chấp sau này cho thấy các danh mục tài sản là nhà xưởng, kho hàng tại các khu công nghiệp đều có giá khá cao, với thời gian thuê khoảng 40 - 50 năm, thì chỉ tính riêng việc khai thác kinh doanh, các ngân hàng đã có thể thu được hàng trăm tỷ đồng.

Đối với tài sản là biệt thự, văn phòng, nhà xưởng tại khu vực TP. HCM, phần lớn giá bán thực tế đều cao hơn rất nhiều so với giá tòa án ấn định khi xét xử. Riêng đối với các lô đất mà Tăng Minh Phụng đã lập các dự án tại khu vực Thủ Đức trước đây (nay thuộc quận 2), theo quy hoạch của thành phố, hầu hết số này nằm ở các vị trí rất đắc địa, lợi nhuận chắc chắn sẽ rất lớn...

Tổng giá trị bất động sản lúc bấy giờ của Tăng Minh Phụng nếu bán ra, người ta ước tính thu về khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Về phía con người, dù đã nằm xuống (ông mất năm 2003) nhưng ông Phụng vẫn giữ được tình cảm của những người quen biết với sự trung thành, nhiệt tình, không gây nguy hại.

Giấc mơ hoang đường trở thành ông “trùm” địa ốc, làm giàu nhờ đầu cơ, tích trữ đất đai của Tăng Minh Phụng đã tan thành mây khói. Bất động sản thời nào cũng vậy, một thị trường luôn có nhiều hấp lực… có thể đưa doanh nhân lên đỉnh vinh quang hoặc thậm chí chết bên bờ ảo vọng, với những diễn biến không lường.

Bởi vậy, có nhà đầu tư dày kinh nghiệm ví von cuộc chơi trong thị trường bất động sản: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”. Quản lý được lòng tham và biết điểm dừng trên thị trường bất động sản, từ lời nói đến hành động, phải chăng là một hành trình đầy nước mắt!

Cùng chuyên mục
Tin khác