Tài chính quốc tế

Tiền số Petro sẽ 'cứu vớt' nền kinh tế Venezuela?

(VNF) – Venezuela dự kiến phát hành tổng cộng 100 triệu tiền số Petro với giá 60 USD/đồng. Hiện có khoảng 52.000 người đăng ký mua tiền số Petro thông qua Cơ quan Thống kê điện tử khoáng sản quốc gia Venezuela, AFP đưa tin mới đây.

Tiền số Petro sẽ 'cứu vớt' nền kinh tế Venezuela?

Một đồng Petro có giá khoảng 60 đô la Mỹ/đồng.

Phát biểu với báo chí tại trụ sở Ngân hàng trung ương Venezuela ở thủ đô Caracas ngày 31/1, Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Hugbel Roa cho biết chính phủ sẽ bán ra 38,4 triệu đồng tiền số Petro trong vòng 1 tháng bắt đầu từ ngày 20/2.

Mức giá bán ban đầu của tiền số Petro dựa vào giá mỗi thùng dầu ở Venezuela vào giữa tháng 1/2018, tức khoảng 60 đô la Mỹ/đồng. Theo ông Roa, giá trị này không cố định mà sẽ linh hoạt và được điều chỉnh dựa theo thị trường dầu mỏ thế giới.

Venezuela dự kiến phát hành tổng cộng 100 triệu đồng Petro được bảo đảm bằng các trữ lượng dầu khổng lồ của nước này để vượt qua cuộc khủng hoảng thanh khoản. Chính phủ Venezuela dự báo nước này có thể thu về từ 20 - 200 triệu USD với việc phát hành đồng tiền điện tử Petro.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hồi tháng 12/2017 đã đưa ra thông báo rằng nước này sẽ phát hành tiền ảo để giúp vực dậy nền kinh tế đang tụt dốc thảm hại. Ông khẳng định đồng Petro sẽ được hậu thuẫn bởi nguồn dự trữ dầu mỏ, khí gas, vàng và kim cương.

"Tiền số cho phép chúng ta hướng đến các hình thức huy động vốn quốc tế mới để phục vụ phát triển kinh tế và xã hội của đất nước", ông Maduro nói vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ ngày 16/1 đã lên tiếng cảnh báo rằng tiền số Petro của Venezuela có thể vi phạm các lệnh trừng phạt đang áp dụng đối với quốc gia này và các nhà đầu tư mua tiền ảo Petro nên cân nhắc về các hậu quả pháp lý. Đây là một tuyên bố "dội gáo nước lạnh" vào sự hào hứng của những nhà đầu tư đang chờ đợi đồng tiền được phát hành.

Tại cuộc họp báo về kế hoạch phát hành tiền ảo Petro ở Ngân hàng trung ương Venezuela ngày 31/1.

Nền kinh tế Venezuela bắt đầu chao đảo và gặp khủng hoảng từ sau khi Tổng thống Hugo Chevez qua đời vào năm 2013, các chính sách của Tổng thống kế nhiệm Nicolas Maduro không khắc phục được các lỗ hổng quản lý và các món nợ chồng chất.

Trong bối cảnh giá dầu lao dốc, từ một quốc gia được mệnh danh là cường quốc dầu mỏ, chiếm tới 95% doanh thu xuất khẩu của quốc gia, giá dầu của Venezuela bị sụt giảm nghiêm trọng ở mức dưới 50 USD/thùng.

Đồng nội tệ Bolivar của Venezuela cũng rơi tự do trong vài tuần qua sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến nước này càng thêm khó khăn để giải quyết các khoản nợ chính phủ.

Chính sách quản lý tiền tệ cùng với việc in tiền quá mức khiến đồng bolivar của Venezuela tăng tới 57% so với đồng USD chỉ trong tháng trước và khiến mức lương tối thiểu tháng giảm xuống chỉ còn 4,3 USD.

Năm 2001, Venezuela là quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ nhưng giờ đã thuộc hàng nghèo nhất khu vực này.

>> Venezuela: Từ một cường quốc kinh tế tới cảnh...người dân bới rác tìm đồ ăn

Tin mới lên