Ngân hàng

Tiếp tục chính sách thắt chặt, huy động vốn khó khăn: Tín dụng 2023 không dễ dàng

(VNF) - Tăng trưởng tín dụng năm 2022 tăng mạnh nhưng các ngân hàng lại gặp khó trong việc huy động tiền gửi. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 được dự báo sẽ chậm lại, trong khoảng 11-12%.

Tiếp tục chính sách thắt chặt, huy động vốn khó khăn: Tín dụng 2023 không dễ dàng

Tín dụng năm 2022 tăng mạnh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dư nợ tín dụng trong năm 2022 ước tăng 14,5% so với cuối năm 2021. Chỉ trong 10 ngày cuối cùng của tháng 12/2022, tín dụng đã bật tăng khoảng hơn 1,5 điểm %. Song mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn hạn mức mà NHNN cho phép trong năm 2022 là 15,5-16%. Mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 thấp hơn 1-1,5 điểm % hạn mức cho phép, tương đương 100.000-150.000 tỷ đồng.

Ước tính, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2022 - là mức tăng lớn nhất từ trước đến nay xét về giá trị tuyệt đối. Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng.

Đánh giá về tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2022, các chuyên gia phân tích cho rằng, năm qua, tăng trưởng tín dụng tăng mạnh nửa đầu năm và giảm nhiệt vào cuối năm, trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.

Trong năm 2022, các nhà băng đã đẩy mạnh cho vay ngay từ nửa đầu năm, dẫn đến tình trạng nhiều ngân hàng sớm chạm trần room tín dụng được cấp. Suốt nhiều tháng sau đó, thị trường bị "đứt gãy" tín dụng. Hạn mức eo hẹp trong khi nhu cầu vốn lại tăng cao. Tình trạng này khiến các ngân hàng, doanh nghiệp kiến nghị nới room tín dụng để có thêm dư địa cho vay.

Song cơ quan quản lý không vội nới room tín dụng trong bối cảnh tỷ giá căng thẳng và thanh khoản thị trường chịu tác động tiêu cực sau vụ việc SCB. Mãi tới đầu tháng 12/2022, NHNN mới cấp thêm room tín dụng, giải tỏa phần nào "cơn khát" vốn, giúp việc vay vốn trở nên dễ dàng hơn.

Công ty Chứng khoán SSI nhận định: chính sách tiền tệ xuyên suốt năm 2022 vẫn linh hoạt với xu hướng thắt chặt, tùy theo diễn biến tình hình để xác định trọng tâm, trọng điểm ưu tiên trong từng thời điểm. Thực tế, từ tháng 10/2022, khi sự cố SCB xảy ra tác động mạnh tới thanh khoản hệ thống và thị trường, NHNN đã ưu tiên cao nhất và tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường ngoại hối.

Có một nghịch lý là trong khi tín dụng cả năm 2022 tăng mạnh, các ngân hàng lại gặp khó trong việc huy động tiền gửi, bất chấp lãi suất huy động liên tục tăng cao. Theo số liệu của NHNN, tính tới ngày 21/12, tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng qua kênh tổ chức và dân cư đạt 11,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 5,99% so với đầu năm. Đây là mức tăng tiền gửi thấp nhất của hệ thống ngân hàng trong chục năm trở lại đây.

Điều này dẫn đến dư nợ tín dụng vượt số dư tiền gửi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng. Khoảng chục năm qua, số dư tiền gửi của tổ chức và dân cư tại hệ thống ngân hàng luôn lớn hơn dư nợ tín dụng chảy ra nền kinh tế. Lần gần nhất, huy động tiền gửi thấp hơn tín dụng là vào 2012 - thời điểm thanh khoản hệ thống căng thẳng dẫn đến cuộc đua lãi suất "nóng".

Nhiều nguyên nhân khiến huy động vốn của ngân hàng gặp khó trong 2022, như: cung tiền thấp, một phần tiền của dân cư "kẹt" trong trái phiếu, doanh nghiệp rút tiền đưa vào trang trải chi phí sản xuất kinh doanh.

Tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ chậm lại?

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ chậm lại, trong khoảng 11-12%. Nguyên nhân làm tăng trưởng tín dụng chậm lại là do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lãi suất tăng; áp lực lạm phát; căng thẳng thanh khoản...

Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định tăng trưởng tín dụng năm 2023 chỉ khoảng 11-12% do cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm và quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.

"Hé lộ" về hạn mức tín dụng năm 2023, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN - cho hay: "Chỉ tiêu tín dụng năm 2023 sẽ được NHNN xem xét rất thận trọng nhưng không có nghĩa là cứng nhắc. Riêng với điều hành tín dụng năm 2023 cũng như các năm gần đây, NHNN luôn có thông điệp rất rõ ràng đó là NHNN luôn luôn hỗ trợ, cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát. Luôn lấy mục tiêu lạm phát là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong điều hành tăng trưởng tín dụng".

Lý giải vì sao NHNN thận trọng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023, ông Quang cho hay: Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB luôn cảnh báo về mức độ rủi ro, an toàn thông qua tỷ lệ đòn bẩy tín dụng. Hiện tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam là một trong nước cao nhất, lên tới 124%. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12%/năm kéo dài thời gian tới, tín dụng luôn tăng trưởng gấp đôi GDP, rõ ràng tỷ lệ đòn bẩy tín dụng càng tăng cao, gây áp lực rủi ro tới hệ thống, đặc biệt là an toàn hệ thống ngân hàng trong bối cảnh năng lực tài chính của nhiều ngân hàng chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế.

Trong khi đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2023, NHNN tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng.

Còn Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, đã có kiến nghị NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng sớm, ngay từ đầu năm nay để các ngân hàng xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua đại hội cổ đông vào tháng 4 hàng năm. Mức room tín dụng cụ thể sẽ do NHNN xem xét, cân đối. Tuy nhiên, các ngân hàng có cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt... có thể sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.

Tin mới lên