Tín dụng xanh: Mục tiêu dài hạn hay chỉ làm đẹp báo cáo

Minh Dũng - 26/02/2024 11:45 (GMT+7)

(VNF) - Ngành ngân hàng đang tích cực phát triển tín dụng xanh. Dư nợ tín dụng xanh tại các ngân hàng gần đây tăng mạnh. Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, cần có biện pháp để thúc đẩy tín dụng xanh tăng trưởng hơn nữa.

VNF

Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng xanh

Xu hướng xanh hóa nền kinh tế đang trở nên phổ biến trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nước ta đã và đang thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh để có sự phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) khẳng định, tín dụng xanh hướng tới một nguồn tài chính bền vững trong tương lai.

Tín dụng xanh đang là xu hướng của ngành tài chính thế giới, nhằm hướng đến sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa kinh tế và môi trường.

Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh với các chính sách tín dụng xanh. Thời gian qua, ngành ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, hướng tới tăng trưởng xanh; đồng thời, lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào quy định hiện hành về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Các tổ chức tín dụng cũng thể hiện trách nhiệm phát triển tín dụng xanh. Hàng loạt ngân hàng đã và đang đẩy mạnh thu hút vốn xanh, đồng thời tích cực xây dựng khung chính sách, giải ngân tín dụng xanh. Ở Việt Nam, hiện nay, vốn tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn lực chính cho các dự án xanh.

Số liệu mới nhất từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN - cho thấy, đến ngày 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh trên toàn hệ thống đạt gần 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).

Theo đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (15%).

Năm 2017, tỷ trọng cho vay tín dụng xanh thông qua các ngân hàng thương mại chỉ chiếm khoảng 0,5% trong tổng dư nợ. Đến năm 2023, đã có trên 60% ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh. Trong đó, có khoảng 30% ngân hàng có dư nợ tín dụng xanh lên tới 1.000 tỷ đồng và 31% các ngân hàng có dư nợ cho vay đến 100 tỷ đồng.

Hơn nữa, đối tượng mà các gói tín dụng xanh hướng tới ngày một đa dạng. Nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn triển khai các dự án có yếu tố “xanh”.

Ghi nhận tại BIDV, nhiều gói tín dụng xanh đang được triển khai như gói 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực xanh; gói 3.500 tỷ đồng để cho vay mua ô tô điện; gói 4.200 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển dịch xanh...

Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Phương cho biết, BIDV đã tài trợ cho trên 1.500 khách hàng với 1.900 dự án, phương án tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt trên 73.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% tổng dư nợ của ngân hàng.

Tương tự, tổng dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank cũng tăng mạnh trong giai đoạn 2018-2021, từ con số hơn 7.890 tỷ đồng năm 2018 lên tới gần 18.400 tỷ đồng vào cuối năm 2021.

Tại HDBank, hàm lượng cấp tín dụng xanh ngày càng tăng. Đến nay, ngân hàng này đã giải ngân trên 11.000 tỷ đồng cho các dự án thuộc lĩnh vực xanh với những cơ chế ưu đãi. Dư nợ tín dụng xanh chiếm đến 20% tổng dư nợ của HDBank. Đây cũng là ngân hàng tiên phong ban hành chính sách cấp tín dụng xanh với 11.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Còn tại VPBank, nguồn vốn xanh của nhà băng này đang tập trung vào các doanh nghiệp có dự án tiết kiệm năng lượng. Tổng vốn tài trợ cho các dự án xanh tại VPBank đạt khoảng 500 triệu USD.

Đầu năm 2024, ACB triển khai gói Tín Dụng Xanh/Xã Hội 2.000 tỷ đồng cùng nhiều ưu đãi dành cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh có lợi cho môi trường và xã hội.

LPBank cũng vừa dành 6.000 tỷ đồng cho nông nghiệp xanh tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh của LPBank tính đến cuối quý III/2023 đạt 2.863 tỷ đồng.

SHB cũng có những dấu ấn riêng với tín dụng xanh. Ngân hàng này cho biết từ năm 2018 đến nay, số dư tài trợ của SHB cho các dự án xanh tăng trưởng tới gần 150%; tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tại SHB hiện chiếm gần 10% trên tổng dư nợ và có xu hướng tăng ngày càng nhanh.

Trong khi đó, Viet Capital Bank sau gói tín dụng ưu đãi 300 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh vừa dành thêm 500 tỷ đồng cho gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi từ 8,9%/năm để cho khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ các hoạt động nuôi trồng có ứng dụng công nghệ hoặc mô hình theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…

Đại diện Agribank chia sẻ, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của ngân hàng này có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm. Cụ thể, giai đoạn 2018-2020, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng nhanh chóng từ 100-380%/năm (từ xấp xỉ 2.000 tỷ đồng năm 2018 lên hơn 13.000 tỷ đồng năm 2020).

Đến 31/10/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt hơn 12.000 tỷ đồng, với gần 42.000 khách hàng còn dư nợ.

Đáng chú ý, MBBank đang dẫn đầu về tỷ trọng dư nợ tài trợ cho các dự án xanh. Sau 5 năm ưu tiên cấp tín dụng xanh, lĩnh vực này hiện chiếm 8-10% tổng dư nợ của MBBank, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn ngành (4,2%). Tổng quy mô vốn mà MBBank đã giải ngân cho các dự án xanh đạt hơn 2 tỷ USD. MBBank đặt mục tiêu nâng tỷ trọng tín dụng xanh, tín dụng phục vụ chuyển đổi công nghệ lên 15% vào năm 2026.



Làm sao thúc đẩy tín dụng xanh?

Nhu cầu về tín dụng xanh ngày càng tăng cao. Song nguồn vốn tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, đặt ra yêu cầu cần thiết phải mở rộng quy mô nguồn vốn cho lĩnh vực này.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết, dù đã có những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh nhưng sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các tổ chức tín dụng Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như: cần nguồn lực rất lớn để triển khai; kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn hạn chế.

Đại diện NHNN cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng xanh chưa được khơi dòng chảy mạnh đến từ việc chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh; công tác giám sát, quản lý rủi ro khi cấp tín dụng xanh còn vướng mắc do thiếu quy định, tiêu chí đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường…

Một vấn đề nữa là các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Vì thế, các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay.

Mặt khác, hiện thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV, một trong những khó khăn trong triển khai dòng vốn xanh hiện nay là khung pháp lí. Quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh vẫn chưa được ban hành. Việc xác định và thu thập dữ liệu về phát thải là vấn đề khó khăn tại nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam, dẫn đến những vướng mắc trong công tác thẩm định, đánh giá, giám sát tín dụng cũng như việc đo lường, định lượng phát thải tổng thể của ngân hàng...

Vì thế, để tín dụng xanh phát triển, nhiều chuyên gia kiến nghị cần tiếp hoàn thiện hành lang pháp lý, có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Mặt khác, các doanh nghiệp đa ngành nghề cũng có định hướng phát triển rõ ràng để tiếp cận được nguồn vốn vay cả trong nước và quốc tế.

Phó Tổng Giám đốc HDBank Nguyễn Văn Hảo kiến nghị cần có thêm cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xanh để từ đó các ngân hàng có cơ sở triển khai thêm được nhiều chính sách mới giúp tăng hiệu ứng và kết quả đầu tư tín dụng xanh.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho hay, để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp rất cần các chương trình tín dụng xanh. Hiện đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên để tự thân mỗi doanh nghiệp đứng ra phát hành trái phiếu xanh là điều rất khó.

Ông Hòa đề xuất các định chế tài chính, cơ quan chức năng nên có cơ chế, giải pháp để các định chế tài chính có thể đứng ra phát hành trái phiếu xanh cho doanh nghiệp vay lại theo quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp.

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Bá Hùng khuyến nghị, cùng với hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh và tài chính xanh cần xác định mục tiêu định lượng cụ thể phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo động lực phát triển tài chính xanh.

Ngoài ra, theo ông Hùng, Việt Nam cần chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ carbon, hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế…

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.