Theo thông tin từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tính đến hết ngày 31/07/2016, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với thời điểm cuối năm 2015.
Trong đó, vốn cung ứng của khu vực ngân hàng chiếm 74,9%, tương đương 5,6 triệu tỷ đồng. Nếu tính theo GDP của Việt Nam năm 2015 là khoảng 4,2 triệu tỷ đồng thì tổng dư nợ tín dụng ngân hàng trong nền kinh tế hiện đang bằng khoảng 133% GDP.
Một điểm đáng chú ý là tính cuối tháng 8/2016, vốn huy động từ hệ thống các tổ chức tín dụng tăng khoảng 11% so với đầu năm, trong khi tín dụng chỉ tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chưa có dấu hiệu bứt phá trong quý III/2016.
Tỷ lệ tín dụng/huy động bình quân các ngân hàng hiện đang ở mức 84,6%, giảm nhẹ 1,1 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm 2015.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia nhận định, việc giảm lãi suất cho vay sẽ gặp một số thách thức do tiến trình xử lý nợ xấu còn chậm. Nợ xấu tính đến tháng 6/2016 của toàn hệ thống ngân hàng là 2,78%, tăng 0,23 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm 2015.
Số nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 là 59,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,55% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhờ khách hàng trả nợ gần 31 nghìn tỷ đồng, số nợ xấu bán cho VAMC đạt 8,88 nghìn tỷ đồng.