TP. HCM: Các tuyến metro hàng tỷ USD triển khai rất chậm

Trần Lê - 05/04/2024 06:12 (GMT+7)

(VNF) - Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) Nguyễn Quốc Hiển cho biết, qua rà soát, ngoài hai tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang triển khai, các tuyến còn lại tiến độ triển khai rất chậm do vướng cơ chế, thủ tục...

VNF
Nhà ga của tuyến metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên tại TP. HCM (ảnh tư liệu)

Dự án tuyến Metro số 5, giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thẩm tra phục vụ thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước phụ thuộc vào tiến độ triển khai của Bộ Kế hoạch Đầu tư (Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Nhà nước).

Tuyến Metro số 5 dài khoảng 9 km (đoạn đi ngầm dài 7,46km; đoạn đi trên cao dài 1,43 km) với 7 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao và 1 depot mini tại Công viên Hoàng Văn Thụ.

Nhà tài trợ vốn dự kiến Chính phủ Tây Ban Nha, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng (tương đương 1,72 tỷ USD).

Dự án tuyến Metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên) dài gần 20km; giai đoạn 1 (Bến Thành - Khu Y tế kỹ thuật cao) dài 11 km với 11 nhà ga ngầm, tổng mức đầu tư khoảng 48.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính chưa đồng thuận các cơ chế, kế hoạch trả nợ và cam kết trách nhiệm khi chọn nguồn vốn vay STEP.

Trong dự án này, giai đoạn 1 được UBND TP. HCM gửi Bộ Kế hoạch- Đầu tư từ ngày 16/12/2016, nhưng đến nay vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt đề xuất dự án (hơn 8 năm).

Nguyên nhân chậm trễ này do các bộ ngành trung ương chưa thống nhất về cơ cấu nguồn vốn, suất đầu tư, việc áp dụng công nghệ Nhật Bản, hạn mức vay nợ của thành phố; thay đổi chủ trương về phân kỳ đầu tư dự án làm kéo dài thời gian trình phê duyệt đề xuất dự án.

Dự án tuyến Metro số 2 - giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - Bến xe Tây Ninh) trong đó đoạn (Bến Thành - Thủ Thiêm) 5,8 km đi từ khu vực Trung tâm thành phố đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 6 nhà ga ngầm, tổng mức đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD.

Nguồn vốn ODA Hàn Quốc từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và vốn xúc tiến hợp tác kinh tế (EDPF) đối với một số dự án tiềm năng, vẫn còn vướng nhiều thủ tục.

Cùng chuyên mục
Tin khác