Thị trường

TP. HCM có thêm 6.000 công nhân tạm nghỉ việc

(VNF) - Công ty TNHH PouYuen Việt Nam vừa thông báo sẽ cho khoảng 6.000 công nhân tạm ngưng việc kể từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/7/2020 do công ty thiếu đơn hàng sản xuất.

TP. HCM có thêm 6.000 công nhân tạm nghỉ việc

TP.HCM có thêm 6.000 công nhân tạm nghỉ việc

Theo thông báo của công ty PouYuen, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, thời gian tới dự kiến sẽ còn tiếp tục khó khăn, nên phải cho người lao động tạm ngừng việc hưởng lương tối thiểu vùng. Tạm ngừng cũng là để tạo cơ hội cho công nhân quay lại ngay khi có việc làm trở lại, và công ty không phải tuyển dụng lao động.

Công ty PouYuen cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng của công ty giảm mạnh.  Trong tình hình khó khăn chung, từ tháng 4/2020 đến nay, công ty đã điều độ sản xuất, sắp xếp công nhân nghỉ luân phiên chờ việc, song, tình hình đơn hàng đến hết năm 2020 vẫn chưa khả quan.Trong thời gian nghỉ chờ việc, các công nhân được hưởng lương tối thiểu vùng (4,42 triệu đồng/người/tháng).

Trước đó, PouYuen đã cho 2.786 công nhân nghỉ việc, gồm: 2.321 lao động nữ (83%) và 465 lao động nam (17%). Công ty PouYuen hỗ trợ cho công nhân nghỉ việc số tiền 1 tháng lương/năm làm việc. Do đó, những công nhân làm việc trên 20 năm sẽ được nhận hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng. Bình quân, mức trợ cấp thất nghiệp cho công nhân nghỉ việc khoảng 60-70 triệu đồng. Những công nhân mới vào làm việc cũng được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng.

Công ty PouYuen Việt Nam thành lập từ năm 1996, có hơn 60.000 công nhân làm việc (trong đó có 80% là lao động nữ). Tính từ khi Covid-19 bùng phát toàn cầu, nhiều doanh nghiệp da giày đều cố gắng giữ chân người lao động, hoạt động sản xuất cầm chừng do các đối tác nước ngoài chưa trở lại hoạt động bình thường.

Các doanh nghiệp FDI đang là trụ cột, đóng góp hơn 75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, nên bất kỳ một động thái thu hẹp sản xuất dù ở quy mô nhỏ cũng tác động trực tiếp đến tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu.

Hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, gia công giày dép xuất khẩu giờ đây đã bắt đầu “thấm đòn” Covid-19 khi không có đơn hàng sản xuất, không thể cầm cự nổi đành phải áp dụng biện pháp cắt giảm hàng loạt lao động. Việc sa thải này có thể sẽ còn tiếp diễn nếu dịch bệnh ở các nước châu Âu và Mỹ vẫn còn.

Theo Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), khó khăn hiện nay đối với doanh nghiệp da giày trong nước là thị trường xuất khẩu lớn ở Mỹ và châu Âu vẫn còn bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng mới từ các khu vực này, dẫn đến việc hoạt động sản xuất kinh doanh và công ăn việc làm của người lao động đều bị tác động tiêu cực.

Với nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, nguồn tài chính có hạn không thể duy trì hoạt động nếu như đơn hàng sản xuất không có.

Mỹ và EU là hai thị trường chính nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam trong nhiều năm qua. Riêng năm ngoái hai thị trường này chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Khi dịch bệnh bùng phát, từ giữa tháng 3 đến nay một số doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất cầm chừng để phục vụ các đơn hàng có từ trước đó, hoạt động sản xuất duy trì đến hết tháng 6 này. Tuy nhiên, bước sang tháng 7 và từ đó về sau, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa nhận được đơn hàng của nhà nhập khẩu từ hai thị trường Mỹ và EU.

 

 

 

Tin mới lên