TP. HCM giãn cách xã hội nhiều khu vực có ca mắc Covid-19
Đức Hoàng -
09/02/2021 16:48 (GMT+7)
(VNF) - Đối với các khu vực có ca bệnh, UBND TP. HCM yêu cầu áp dụng thực hiện giãn cách xã hội tại khu vực đó theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, đối với các khu vực lân cận xung quanh thì áp dụng theo Chỉ thị số 15/CT-TTg. Thành phố cũng đề nghị xét nghiệm lại lần 2 đối với 1.600 nhân viên bốc xếp của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
UBND TP. HCM vừa ban hành văn bản khẩn gửi các sở, ban, ngành; UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Theo đó, trước tình hình dịch bệnh hiện nay đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố vì chưa xác định được nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu, trong đó có khoảng 80% ca bệnh không có triệu chứng, do đó có thể còn lây nhiễm ra cộng đồng trong thời gian tới.
Để đảm bảo cho người dân được an toàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn phải thực hiện “thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động”, kiên trì nguyên tắc chống dịch “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch”.
Cụ thể, Chủ tịch thành phố yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị của ngành y tế TP. HCM; phối hợp tốt với các cơ quan y tế của Bộ ngành Trung ương đóng trên địa bàn TP, đặc biệt là phối hợp với Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch tại TP. HCM do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phụ trách.
Cùng với đó, yêu cầu Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các ngành, các cấp không rời khỏi TP, tổ chức bộ phận trực chiến phòng, chống dịch, đảm bảo công tác báo cáo đột xuất và báo cáo hàng ngày cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP; vận động cán bộ, công chức không về quê ăn Tết để đảm bảo kịp thời ứng phó các tình huống dịch bệnh phát sinh cũng như đảm bảo an toàn cho gia đình và cộng đồng.
Đồng thời nâng cao cảnh báo trong phòng, chống dịch nhanh chóng, thần tốc truy vết các ca lây nhiễm F1, F2, điều tra truy vết, khoanh vùng dịch tễ, xét nghiệm (RT-PCR) và có kết quả trong 24 giờ. Tất cả các trường hợp F1 bắt buộc phải cách ly tập trung, các trường hợp thuộc diện F2 có thể cho cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện và phải ký cam kết theo mẫu của Bộ Y tế.
Lãnh đạo TP. HCM cũng yêu cầu toàn bộ người dân hạn chế tối đa việc đi lại, thăm hỏi, chúc Tết, liên hoan, họp mặt; đề nghị khi ra khỏi nhà và đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang. Xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang hoặc không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế và UBND TP. HCM; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công nhân viên tổ chức làm việc trong dịp tết, sinh hoạt tại chỗ...
Xét nghiệm lại lần 2 đối với 1.600 nhân viên bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất
Về công tác tăng cường xét nghiệm để kiểm soát dịch bệnh, chủ tịch thành phố đề nghị xét nghiệm lại lần 2 đối với 1.600 nhân viên bốc xếp của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; xét nghiệm cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên của Bệnh viện Quân y 175; khoanh vùng, phong tỏa tạm thời tất cả các khu vực có ca nhiễm trong cộng đồng ở 7 địa phương (Quận 1, 12, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP. Thủ Đức); tiến hành lấy mẫu đơn tất cả các ca trường hợp F1, lấy mẫu gộp đối với hộ gia đình ở trong khu vực có ca nhiễm.
Đảm bảo an toàn mức độ cao cho toàn bộ hành khách đi và đến Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tiến hành xét nghiệm cho các nhân viên làm việc trong nhà ga có tiếp xúc với hành khách trước 24 giờ, các trường hợp có xét nghiệm âm tính mới được thực hiện nhiệm vụ trong ngày làm việc tiếp theo.
Giãn cách xã hội đối với các khu vực có ca bệnh
Đối với các khu vực có ca bệnh, UBND TP yêu cầu áp dụng thực hiện giãn cách xã hội tại khu vực đó theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, đối với các khu vực lân cận xung quanh thì áp dụng theo Chỉ thị số 15/CT-TTg. Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận - huyện xem xét, quyết định phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn mình phụ trách.
Hiện, TP. HCM ghi nhận ít nhất 13 khu vực liên quan ca nhiễm trong cộng đồng, nằm ở các quận 1, 12, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP. Thủ Đức. Cơ quan chức năng đã phong toả các địa điểm này và lấy mẫu đơn tất cả trường hợp F1, lấy mẫu gộp đối với hộ gia đình ở trong khu vực có ca nhiễm.
TP. HCM cũng đề nghị ngành y tế chuẩn bị các kịch bản ứng phó trong tình huống TP. HCM có 50 ca bệnh trở lên; chuẩn bị đầy đủ các cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị bảo hộ để điều trị tốt cho tất cả bệnh nhân. Đảm bảo dự trữ đầy đủ các test kit xét nghiệm, phối hợp với các cơ quan y tế Trung ương đóng trên địa bàn TP đảm bảo năng lực xét nghiệm từ 30.000 đến 40.000 mẫu xét nghiệm trong 24 giờ;
Tiếp tục phối hợp với lực lượng quân đội và các đơn vị liên quan đảm bảo năng lực, tổ chức tốt công tác cách ly y tế cho các nhóm người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, các bệnh viện phải quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm các quy trình phân luồng khám chữa bệnh, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện và trong đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.
Giảm quy mô các hoạt động lễ hội, sự kiện đã được duyệt
Đối với các hoạt động lễ hội, sự kiện của TP đã được phê duyệt đề nghị giảm quy mô và đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Riêng đối với Đường hoa và Đường sách Tết Tân Sửu 2021, Hội Hoa Xuân Tao Đàn, Hội Hoa xuân Phú Mỹ Hưng (Quận 7) chỉ thực hiện đón tiếp khách tham quan từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày, không tổ chức lễ khai mạc Đường hoa và Đường sách Tết.
Ban Tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện nêu trên phải có biện pháp điều tiết để đảm bảo mật độ giãn cách theo đúng tiêu chí an toàn phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm các biện pháp theo nguyên tắc 5K, xử phạt nghiệm đối với các trường hợp khách tham quan không đeo khẩu trang, kể cả tháo khẩu trang để chụp ảnh.
UBND TP. HCM đề nghị Sở Công Thương TP. HCM chủ động kiểm tra việc sản xuất và phân phối khẩu trang, không để xảy ra tình trạng khan hiếm; đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, thực hiện bình ổn giá để phục vụ nhân dân.
Công an TP. HCM có nhiệm vụ tăng cường kiểm soát việc nhập cảnh trái phép trên địa bàn TP; đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.
Tạm dừng quán bar, karaoke, vũ trường, massage
TP. HCM cũng tạm dừng toàn bộ các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí và các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, massage, xông hơi, các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu ca nhạc - kịch, rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer club, hát với nhau, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, các cơ sở kinh doanh thể thao (gym, fitness, billiards, yoga,...).
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Các cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, xăng dầu, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn được hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan y tế.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lãnh đạo thành phố yêu cầu tăng cường hình thức giao hàng tại nhà, không phục vụ quá 30 người trở lên cùng một lúc, bố trí chỗ ngồi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa 2 người từ 1m trở lên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan y tế. Khuyến khích lập vách ngăn trên bàn ăn giữa các khách hàng.
Thời gian thực hiện kể từ 12h ngày 9/2/2021 cho đến khi có thông báo mới.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone