TP. HCM thúc đẩy kinh tế ban đêm nhằm tăng trưởng doanh thu ngành dịch vụ - thương mại

Trần Lê - 20/10/2020 16:32 (GMT+7)

(VNF) - Sáng 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội cuối cùng của năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày một số mục tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội cho giai đoạn 5 năm tới. Một trong những nội dung đáng chú ý được Thủ tướng nhấn mạnh là giai đoạn tới sẽ thúc đẩy kinh tế số, kinh tế ban đêm và các mô hình kinh doanh mới.

Riêng trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021-2025, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

TP. HCM là một trong 10 tỉnh, thành phố được Thủ tướng cho phép thí điểm phát triển kinh tế ban đêm.

(Ảnh minh họa)

Trước đó, khi làm việc với lãnh đạo TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP. HCM thúc đẩy rõ hơn kinh tế ban đêm. Theo tính toán, cứ 4 tiếng đồng hồ thêm về kinh tế ban đêm thì đóng góp từ 5-8% GDP của thành phố, cho nên cần tăng cường tổ chức kinh tế ban đêm, bảo đảm an ninh trật tự cho kinh tế ban đêm. TP. HCM cần tập trung kích cầu tiêu dùng, từ đó sẽ giúp kích cầu cho cả nước, lan tỏa cả nước. Thành phố phải hướng mạnh mẽ vào lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ bất động sản, dịch vụ tài chính ngân hàng, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ du lịch khi mà dịch vụ chiếm trên 60% GDP.

Nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của kinh tế đêm, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

Với tham vọng tạo bước đột phát cho nền kinh tế Anh, Chính phủ Anh đã thành lập Hiệp hội ngành công nghiệp ban đêm (Night Time Industry Association - NTIA) để theo dõi và thúc đẩy các lĩnh vực của kinh tế đêm. Và thực tế, kinh tế đêm đã đóng góp hàng chục tỷ bảng và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động mỗi năm tại Anh, góp phần tạo dựng một hình ảnh nước Anh năng động, cởi mở và là một trong những điểm đến quốc tế thú vị đối với khách du lịch.

Tại Australia thì nền kinh tế đêm hiện là động lực chính của quá trình tăng trưởng, tạo ra hơn 1,1 triệu việc làm và đóng góp 134 tỷ USD, chiếm 4% GDP (năm 2018).

Ở Mỹ, việc phát triển những “thành phố không bao giờ ngủ” đã trở thành một trong những chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn.

Xu hướng tương tự cũng lan toả mạnh mẽ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc. Những nỗ lực của các nhà quản lý nhằm thu hút du khách tham gia các hoạt động, dịch vụ thương mại ban đêm, tạo hành lang pháp lý để các hoạt động này được vận hành một cách khoa học, an toàn, hiệu quả với mục tiêu tạo sự bứt phá cho nền kinh tế

Tại Việt Nam, các loại hình kinh tế đêm phổ biến trên thực tế đã được triển khai ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thể hiện ở mô hình các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố đặc trưng giải trí như Tạ Hiện (Hà Nội) hoặc Bùi Viện (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bà Nà Hills (Đà Nẵng). Ngoài đóng góp lớn về mặt kinh tế, kinh tế ban đêm có thể tạo ra những bước chuyển lớn cho các ngành dịch vụ, du lịch trong nước, tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế, đặc biệt sau những thoái trào do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hiện nay.

Tại TP. HCM, hiện việc phát triển kinh tế đêm đang được ngành du lịch tập trung ở 3 nhóm sản phẩm. Nhóm thứ nhất là những sản phẩm du lịch gắn với khám phá nét văn hóa cộng đồng đô thị về đêm tập trung ở các tuyến phố. Trong đó, phải kể đến là Phố đi bộ Bùi Viện, Nguyễn Huệ… Đến với Phố đi bộ Bùi Viện, du khách có thể thưởng thức ẩm thực đa dạng. Qua đó, tìm hiểu nét văn hóa đời sống người dân đô thị về đêm. 

Bên cạnh  đó, các phố chuyên doanh khác cũng thu hút nhiều du khách như: Phố ẩm thực; Phố Đông y; Phố vàng, bạc, đá trang sức; Phố lồng đèn và các quán bar, câu lạc bộ, quán cafe..  

Nhóm thứ 2 thuộc về các sản phẩm du lịch đường thủy. Theo đó, khách du lịch có thể ngồi các tàu nhà hàng vừa ngắm cảnh sông nước Sài Gòn về đêm vừa thưởng thức ẩm thực, văn nghệ gắn với các hoạt động tại Bến Bạch Đằng. Du khách cũng có thể tham gia đi thuyền ở tuyến du lịch đường thủy nội đô trên Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngắm phố thị lên đèn, lịch sử của những cây cầu bắc ngang qua kênh, thưởng thức ẩm thực và hoạt động nghệ thuật trên tàu về đêm.

Và nhóm sản phẩm thứ 3 là các chương trình nghệ thuật như rối nước, hệ thống sân khấu kịch, ca nhạc, rạp chiếu phim,…

Hiện nay, chiến lược phát triển du lịch TP. HCM đến năm 2030 đã được thông qua, trong đó xác định TP. HCM cần tập trung vào 7 sản phẩm, quy về 3 nhóm: Nhóm sản phẩm cốt lõi gồm văn hóa - lịch sử, ẩm thực, mua sắm; nhóm sản phẩm tạo sự khác biệt gồm sản phẩm du lịch về thiên nhiên, dã ngoại ngoài trời, sản phẩm liên quan đến "Hoạt động về đêm và Giải trí"; nhóm sản phẩm tiềm năng gồm sản phẩm du lịch liên quan đến " Y tế và Chăm sóc Sức khỏe", sản phẩm du lịch liên quan đến MICE.

Theo Sở Du lịch TP. HCM, “hoạt động về đêm và giải trí” là sản phẩm có thể tạo sự khác biệt cho kinh tế đêm của TP. HCM so với các tỉnh, thành phố khác.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác