Trái chiều dòng vốn ETF và dòng vốn chủ động trên TTCK Việt Nam

Hải Đường - 07/09/2020 19:28 (GMT+7)

(VNF) - Diễn biến dòng vốn đầu tư trên TTCK Việt Nam trong tháng 8 cho thấy sự trái chiều của dòng vốn ETF và dòng vốn chủ động. Trong khi dòng vốn ETF duy trì xu hướng tích cực thì dòng vốn các quỹ chủ động dù dao động khá mạnh trong 4 tháng gần đây nhưng vẫn trong xu hướng rút ra.

VNF
(Ảnh minh họa)

Theo đó, SSI cho biết mặc dù có sự sụt giảm so với tháng trước nhưng tổng giá trị dòng vốn vào các ETF vẫn đạt 558 tỷ đồng trong tháng 8, duy trì xu hướng tích cực trong 4 tháng liên tiếp.

Trong đó, dẫn dắt chính là 2 quỹ của Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (Vietfund Management - VFM) là VNDiamond ETF (tăng 195 tỷ đồng) và VFM VN30 ETF (tăng 175 tỷ đồng) cùng quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (tăng 165 tỷ đồng).

SSI cho rằng 2 quỹ mới niêm yết là SSIAM VN30 ETF và Vinacapital VN100 ETF quy mô vẫn còn nhỏ và chưa có nhiều đóng góp về dòng vốn.

Theo số liệu của SSI, các quỹ ETF đã bổ sung nguồn vốn trị giá gần 1.400 tỷ đồng cho thị trường.

Bên cạnh đó, gần đây, quỹ ngoại CTBC Vietnam Equity Fund, thuộc quản lý của CTBC Investments, một trong những công ty quản lý tài sản hàng đầu của Đài Loan đã đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam với tổng nguồn vốn huy động trong đợt đầu là 160 triệu USD (4.000 tỷ VND).

Phía SSI cho biết, một phần danh mục quỹ sẽ được phân bổ vào VFM VNDiamond ETF, do đó SSI kỳ vọng rằng dòng vốn ETF sẽ duy trì tích cực trong thời gian tới.

Được biết, quỹ đầu tư Dragon Capital (DC) là đơn vị tư vấn hỗ trợ cho CTBC Vietnam Equity Fund trong quá trình giải ngân và xây dựng danh mục tại Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, SSI cho rằng dòng vốn các quỹ chủ động và giao dịch khối ngoại trên thị trường chứng khoán vẫn kém tích cực.

“Nếu loại trừ dòng tiền đột biến 1.709 tỷ đồng mua 22,8 triệu cổ phiếu VHM thì khối ngoại vẫn bán ròng 5,1 nghìn tỷ đồng trong tháng 8 và bán ròng 24,2 nghìn tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm (đã loại trừ các giao dịch lớn liên quan đến VHM và MSN)”, báo cáo của SSI nêu rõ.

Theo thống kê từ hãng EPFR, dòng vốn từ các quỹ đầu tư chủ động vào Việt Nam 4 tháng gần đây dao động khá mạnh nhưng vẫn trong xu hướng rút ra.

Phía SSI nhận định rằng, tỷ trọng tiền mặt đang được điều chỉnh theo các hướng khác nhau giữa các quỹ chủ động,

Theo số liệu mà SSI cung cấp, trong khi quỹ đầu tư chủ động lớn nhất VEIL của Dragon Capital tiếp tục hạ thấp tỷ trọng tiền mặt xuống 0,63% vào cuối tháng 8 (mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay) thì các VOF, PYN Elite và Vietnam Holdings đã bắt đầu gia tăng tỷ trọng tiền mặt từ cuối tháng 7.

Số liệu SSI cung cấp

Về diễn biến dòng tiền đầu tư trên thế giới, Công ty Chứng khoán SSI nhận định các quỹ ETF đang lên ngôi và tâm lý giới đầu tư toàn cầu trở nên tích cực hơn nhờ triển vọng vắc xin.

Nhờ dòng tiền chảy mạnh vào các quỹ ETF nên mức rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 8 (giảm 6,8 tỷ USD) đã thu hẹp đáng kể so với tháng 7 ( giảm 17,7 tỷ USD). Trong tháng 8, hơn 10 tỷ USD đã chảy vào các quỹ ETF Mỹ trong khi tháng 7 giá trị rút ra là 0,5 tỷ USD.

Còn ở các thị trường khác như Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, châu Âu, Thái Lan, Malaysia thì dòng vốn ETF đều ghi nhận xu hướng tích cực, dòng tiền chảy vào mạnh trong 2 tháng trở lại đây, đặc biệt là tháng 8.

Báo cáo của SSI cũng cho thấy Trung Quốc trở thành điểm sáng hút vốn của các quỹ đầu tư chủ động khi khống chế được dịch bệnh sớm nhất cùng với dư địa chính sách tài khóa lớn. Do đó, SSI cho rằng Trung Quốc có thể là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020 khi các quỹ chủ động đã ghi nhận tăng 7,4 tỷ USD đổ vào cổ phiếu quốc gia này trong 5 tháng gần đây.

Ngoài ra, với những thông tin về vắc xin chống Covid-19, tâm lý giới đầu tư đang trở nên tươi sáng hơn. Theo báo cáo khảo sát tháng 8 của Bank of America Merrill Lynch thì các nhà quản lý quỹ đang ở trạng thái lạc quan nhất kể từ tháng 2/2020 đến nay, 79% tin rằng vắc xin Covid-19 sẽ có từ quý I/2021 và 57% kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ cải thiện trong 12 tháng tới.

Dự đoán về thời gian tới, SSI cho rằng triển vọng hồi phục kinh tế đóng vai trò quyết định với diễn biến dòng vốn vào các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trong đó việc sớm kiểm soát dịch bệnh và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một cách hiệu quả vẫn là 2 yếu tố chính giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hút được dòng vốn từ các quỹ đầu tư ngoại trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục
Tin khác