Trình Quốc hội quyết định lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Hoàng Sơn -
28/09/2024 15:19 (GMT+7)
(VNF) - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương tại kỳ họp thứ 8.
8 di sản được UNESCO ghi danh
Sáng 28/9, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh Thừa Thiên Huế luôn giữ vai trò và vị thế quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước.
Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận quan trọng về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh…
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết đây là địa phương duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh.
"Vì vậy, việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết", bà Trà nhấn mạnh.
Về phương án sắp xếp, bà Trà cho biết sẽ thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở nguyên trạng hơn 4.947 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đồng thời với thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là thành lập 2 quận, 1 thị xã, 1 huyện và 11 phường, 1 xã, 1 thị trấn thuộc thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có liên quan.
Như vậy, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có hơn 4.947km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện (không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện nhưng giảm 1 thành phố, 2 huyện và tăng 2 quận, 1 thị xã); có 133 đơn vị hành chính cấp xã.
Trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu đều cho rằng, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương là rất cần thiết và có cơ sở chính trị vững chắc. Xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ tạo động lực phát triển mới không chỉ cho thành phố Huế mà còn đóng góp thiết thực cho khu vực miền Trung và cả nước...
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, nội dung Đề án cần tập trung đậm nét vào những yêu cầu lớn để Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể: nhấn mạnh tới các chỉ tiêu về bảo đảm tăng trưởng GRDP, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách, tỷ lệ giảm nghèo...
Đồng thời, thể hiện quá trình phấn đấu, phát triển của thành phố liên quan đến phát triển về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xây dựng được bức tranh tổng thể về thành phố Huế là một thành phố sáng, xanh, sạch đẹp; là thành phố du lịch, trong đó nhấn mạnh thành phố "cố đô".
"Rà soát, xây dựng Báo cáo trình trước Quốc hội cũng cần hết sức khái quát, cô đọng, trọng tâm", ông Mẫn lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần chú trọng, quan tâm về chất lượng đô thị; cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; rà soát kỹ lưỡng các tiêu chuẩn, chỉ tiêu, không nâng lên mà phải phản ánh đúng bản chất. Bên cạnh đó, tuyên truyền, phát động trong Nhân dân cùng xây dựng thành phố sáng về đêm; bảo đảm vệ sinh môi trường nơi công cộng để thực sự trở thành một thành phố du lịch, thân thiện và sạch đẹp.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giải quyết được vấn đề trụ sở và cán bộ dôi dư. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân địa phương thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có diện tích hơn 4.947km2 và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người; gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Huế, 2 thị xã Hương Thủy, Hương Trà và 6 huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới, Quảng Điền, Phong Điền); 141 đơn vị hành chính cấp xã (95 xã, 39 phường, 7 thị trấn).
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.