'Trợ cấp chính phủ rất quan trọng khi thu hút nhà sản xuất bán dẫn nước ngoài'
Quỳnh Anh -
09/04/2024 16:16 (GMT+7)
(VNF) - Chia sẻ tại Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư Thương mại Việt Nam - Đài Loan 2024 tổ chức ngày 8/4 tại Hà Nội, ông C.Y. Huang, Chủ tịch sáng lập Liên minh ảnh hưởng Đông Nam Á (SIA) cho biết trợ cấp từ chính phủ là mối quan tâm hàng đầu của các nhà sản xuất bán dẫn nước ngoài.
Trong phiên tọa đàm thuộc khuôn khổ Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư Thương mại Việt Nam - Đài Loan 2024, ông C.Y. Huang, Chủ tịch FCC Partners, Nhà sáng lập và Chủ tịch Liên minh Ảnh hưởng Đông Nam Á (SIA) đã có những chia sẻ về rào cản thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
"Việt Nam chắc chắn rất hấp dẫn đối với các công ty Đài Loan, dù là ngành sản xuất truyền thống hay công nghệ cao đều đứng đầu. Tuy nhiên, trong ngành bán dẫn, hiện các công ty Đài Loan chưa mấy quan tâm đến Việt Nam", ông Huang chia sẻ.
Theo ông Huang, có 5 yếu tố chính dẫn đang hạn chế các nhà sản xuất bán dẫn, nhà đầu tư nước ngoài tiến vào Việt Nam. Rào cản đầu tiên là các công ty bán dẫn đang tập trung vào các quốc gia phát triển thay vì Việt Nam, chẳng hạn như TSMC mở rộng sản xuất ở Mỹ, Nhật Bản và Đức.
"Lý do thứ hai là trợ cấp của chính phủ. Mọi quốc gia trên thế giới đều muốn đầu tư vào chất bán dẫn và chính phủ nước đó đầu tư 50% hoặc trên 50%. Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng, riêng điều này đã đặt Việt Nam vào thế bất lợi. Đối với nhà máy đầu tiên của TSMC tại Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản trợ cấp 50%, tức 3 tỷ USD, nhà máy thứ hai cũng trợ cấp 5 tỷ USD, nhà máy ở Đức trợ cấp 5 tỷ EUR, cũng tương đương 50%. Vì vậy, trợ cấp của chính phủ là rất quan trọng", ông Huang nói.
Các nguyên nhân khác bao gồm tình hình địa chính trị, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hỗ trợ. Trong đó, Chủ tịch FCC Partners cho rằng vấn đề về nguồn nhân lực là lớn nhất.
"Nhân tài là vấn đề lớn nhất, Đài Loan cũng thiếu nhân tài, Việt Nam cũng thiếu nhân tài. Việt Nam muốn có 50.000 kỹ sư vào năm 2030, đây là một kế hoạch rất khó hình dung", ông C.Y. Huang nói.
Cũng theo ông Huang, hệ sinh thái hỗ trợ tại Việt Nam cũng là rào cản thu hút đầu tư. Theo đó, khi xem xét đầu tư tại một địa phương, các nhà sản xuất nước ngoài thường xem đã có công ty lớn nào hoạt động chưa. Nếu không có công ty lớn xung quanh thì các công ty khác sẽ không đầu tư, phải có một công ty hàng đầu thì họ mới đầu tư.
Hồi đáp những ý kiến của ông C.Y. Huang tại sự kiện, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cho biết chính phủ Việt Nam đã nhận thức được các vấn đề và đang tìm biện pháp giải quyết.
Theo ông Hoàng, về vấn đề nguồn nhân lực, Việt Nam cần có sự đồng hành của các nhà đầu tư, các đối tác để hiện thực hóa các kế hoạch đào tạo nhân lực, thay vì "tự thân vận động". Ông Hoàng cho biết Samsung tại Việt Nam dự kiến sẽ khai trương lớp đào tạo kỹ thuật viên vào tuần tới và đang xem xét mở rộng chiến lược này trong tương lai. Đây là những nguồn hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam cải thiện nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về vấn đề hỗ trợ của chính phủ, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết không phải toàn bộ doanh nghiệp đi đầu tư ở nước ngoài đều nhận được trên 50% trợ cấp từ chính phủ sở tại. Tuy nhiên, Việt Nam đang tìm cách để hỗ trợ thêm cho các nhà sản xuất nước ngoài thông qua các chính sách mới. "Chúng tôi là "con nhà nghèo". Chúng tôi biết rõ các điểm yếu và chúng tôi cũng mong các bạn cùng đồng hành để khắc phục", ông Hoàng nói.
Tại toạ đàm, TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam VIPFA, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ KH&DDT, cho biết Việt Nam đã, đang và sẽ cố đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.
Thương mại Việt Nam - Đài Loan phát triển tích cực
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan và Triển lãm quốc tế Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Đài Loan 2024 được khai mạc vào ngày 8/4, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, dự kiến kết thúc vào chiều ngày 9/4. Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Quan hệ đầu tư, thương mại Việt Nam - Đài Loan thành công và triển vọng”.
Đây là sự kiện do Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư và thương mại DVL IPT phối hợp Tổng hội Thương mại Đài Loan Thế giới (WTCC) tổ chức, là cơ hội để các doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu cơ hội, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Tham gia sự kiện, bên cạnh đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, còn có các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi, logistics, các nhà cung cấp, cơ sở sản xuất của địa phương và các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước; trong đó có nhiều doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) như KCN Deep C, KCN green Ipark; KCN Bảo Minh, KCN Hòa Phát, Vigracera; Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hồ; Công ty Xây dựng Hợp Lực; hệ sinh thái DVL Ventures…
Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư và thương mại DVL IPT, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam VIPFA- Trưởng Ban tổ chức diễn đàn cho biết sự kiện này diễn ra trong thời điểm Việt Nam kỷ niệm 35 năm đầu tư nước ngoài.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông nhấn mạnh, quan hệ hợp tác kinh tế đầu tư thương mại Việt Nam - Đài Loan đã phát triển tích cực và ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. “Các nhà đầu tư Đài Loan đã đến Việt Nam từ rất sớm, ngay từ trong những ngày đầu “mở cửa” đầy khó khăn. Chúng ta đã cùng nhau vượt qua nhiều thách thức”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, hiện Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Đài Loan. Trong năm 2023, nguồn vốn đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD - tăng gấp 4 lần so với năm 2022. Tính lũy kế, Đài Loan hiện đứng thứ 4/105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với gần 3.200 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 39,5 tỷ USD. Đài Loan cũng là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone