Tài chính quốc tế

Trung Quốc tìm người thay thế Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga?

(VNF) - Hãng tin Financial Times (FT) mới đây dẫn nguồn thạo tin cho biết chính quyền Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch thay thế Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) bằng một nhà lãnh đạo “lâm thời”.

Trung Quốc tìm người thay thế Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga?

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Nguồn tin tiết lộ, nếu kế hoạch này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phê chuẩn, Trung Quốc dự định sẽ để bà Lâm từ chức từ tháng 3/2020 và thay thế bà bằng một lãnh đạo lâm thời, người này sẽ giữ vai trò lãnh đạo Hong Kong cho tới hết nhiệm kỳ của bà Lâm vào năm 2022 và có thể được thay thế bằng một cái tên khác khi nhiệm kỳ kết thúc.

Những ứng viên hàng đầu có khả năng trở thành người kế nhiệm bà Lâm gồm cựu giám đốc điều hành Cơ quan Tiền tệ Hong Kong Trần Nặc Mạn (Norman Chan), cựu Cục trưởng Cục Tài chính đồng thời là cựu Tổng thư ký chính quyền Hong Kong Đường Anh Niên (Henry Tang).

Tuy nhiên, nguồn tin của FT cũng cho biết thêm rằng giới chức Trung Quốc muốn tình hình ổn định trước khi đưa ra quyết định cuối cùng liên quan tới việc thay đổi vị trí lãnh đạo tại Hong Kong, vì họ không muốn bị xem là nhượng bộ bạo lực.

Trước đó, trong đoạn băng ghi âm lại cuộc họp giữa bà Lâm và một nhóm doanh nhân Hong Kong bị rò rỉ ngày 2/9, Trưởng đặc khu Hong Kong thừa nhận bà hiện tại gần như tiến thoái lưỡng nan trong việc giải quyết cuộc biểu tình ở Hong Kong, bởi những bất ổn ở Hong Kong đã trở thành vấn đề an ninh và chủ quyền quốc gia đối với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ.

Bà Lâm chua chát thừa nhận với các doanh nhân Hong Kong rằng bà đã gây ra những "thiệt hại không thể tha thứ" cho đặc khu này và sẽ từ chức nếu có thể.

Hàng trăm nghìn người Hong Kong đã xuống đường biểu tình từ đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép Hong Kong đưa nghi phạm tới xét xử ở những khu vực tài phán thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Biểu tình ban đầu ôn hòa nhưng sau đó ngày càng bạo lực khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát.

Hơn 3 tháng trôi qua, các cuộc biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt giữa lúc Trung Quốc và một số nước phương Tây tiếp tục đấu khẩu về tình hình Hong Kong.

Mới đây, ngày 20/10, nhiều người biểu tình quá khích đeo mặt nạ đã ném bom xăng vào một đồn cảnh sát ở quận Tsim Sha Tsui khiến nhiều vị trí trong tòa nhà bị cháy.

Cảnh sát đã nhanh chóng dập lửa, sau đó sử dụng đạn hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình quá khích.

Xem thêm >> Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ca ngợi thỏa thuận với Nga về Syria là ‘chiến thắng lịch sử’

Tin mới lên