Trung Quốc và tham vọng xây dựng 'Con đường Tơ lụa Bắc Cực'

Mộc An - 09/03/2021 20:09 (GMT+7)

(VNF) - Trung Quốc tuyên bố sẽ xây dựng “Con đường Tơ lụa Bắc Cực” trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 vừa được công bố mới đây.

VNF
Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc.

Ngày 5/3, Trung Quốc đã công bố các mục tiêu chính trong dự thảo Đề cương Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) về phát triển kinh tế, xã hội đất nước và các mục tiêu dài hạn đến năm 2035. Trong đó đề cập đến kế hoạch xây dựng “Con đường Tơ lụa Bắc Cực”.

Cụ thể, theo kế hoạch này, Trung Quốc sẽ "tham gia hợp tác thực tế ở Bắc Cực" và "nâng cao năng lực tham gia bảo vệ và khai thác Nam Cực".

Không những thế, Trung Quốc còn để mắt đến những nguồn khoáng chất dồi dào cũng như các tuyến đường vận chuyển mới tiềm năng ở các vùng Bắc Cực khi băng tan.

Bắc Cực hiện được quản lý bởi 8 nước thành viên Hội đồng Bắc Cực gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ.

Những nước này đều có chủ quyền với các vùng đất trong Vòng cực Bắc và có quyền quyết định với các chính sách quản lý khu vực này.

Vào tháng 1/2018, Trung Quốc công bố sách trắng Bắc Cực đầu tiên của nước này, với nhan đề "Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc", nhấn mạnh kế hoạch tạo tuyến đường biển nối châu Á và châu Âu qua Đông Bắc, Tây Bắc và hành lang trung tâm của Bắc Cực.

Trong văn bản này, Trung Quốc tuyên bố các vấn đề của Bắc Cực giờ đây "vượt ra ngoài các quốc gia trong Vòng cực Bắc hoặc bản chất của khu vực", và cho rằng những gì xảy ra trong khu vực có "ảnh hưởng quan trọng đến lợi ích của các quốc gia bên ngoài khu vực và lợi ích của toàn bộ cộng đồng quốc tế".

Bắc Kinh lập luận việc băng tan ở Bắc Cực sẽ mở ra các tuyến đường biển và cho phép tiếp cận với các tài nguyên thiên nhiên, do đó nâng tầm các giá trị chiến lược và kinh tế của vùng này.

Trung Quốc tuyên bố nước này về mặt địa lý là "quốc gia cận Bắc Cực" và do đó là "một bên liên quan quan trọng trong các vấn đề Bắc Cực".

Tới tháng 10/2019, tàu phá băng đầu tiên của Bắc Kinh là Tuyết Long 2 lên kế hoạch hỗ trợ cho chuyến thám hiểm MOSAiC - dự án nghiên cứu Bắc Cực được 20 quốc gia tài trợ trong đó có Trung Quốc.

Vào cuối năm 2020, Trung Quốc cũng thông báo kế hoạch phóng vệ tinh mới để theo dõi các tuyến đường biển và giám sát thay đổi trong băng tại Bắc Cực. Trung Quốc dự kiến phóng vệ tinh này trong năm 2022.

Cùng với dầu mỏ và khí đốt, Bắc cực cũng rất giàu khoáng sản, đặc biệt là kim loại hiếm - nguồn nguyên liệu chính để chế tạo linh kiện điện tử và các hệ thống điều khiển vũ khí. Trữ lượng khai thác cá cũng là một nguồn tài nguyên hết sức dồi dào ở Bắc cực và được đánh giá sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều diện tích mặt nước hé lộ.

Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ Trái Đất tăng nhanh, những khối băng khổng lồ ở Bắc cực bắt đầu tan, khiến các quốc gia trên thế giới hy vọng về việc hình thành những tuyến hàng hải mới.

Xem thêm >> Tài sản ‘bốc hơi’ 60 tỷ USD trong 3 tuần, Elon Musk thành người giàu thứ 3 thế giới

Cùng chuyên mục
Tin khác