Trung tâm nghiên cứu BIDV: Cả năm tỷ giá tăng 3%

An Thơ - 04/10/2018 19:01 (GMT+7)

(VNF) - Trong khi các đồng tiền Peso (Philippines) Rubi (Indonesia), CNY (Trung Quốc) mất giá lần lượt 9% và 5,6% sau 9 tháng thì VND chỉ mất giá khoảng 3% cho cả năm 2018. Đó là thông tin đáng chú ý trong báo cáo kinh tế vĩ mô được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) vừa công bố.

VNF
Tỷ giá chỉ biến động 3% cho cả năm? Ảnh: Sưu tầm

Theo nhóm nghiên cứu, tính riêng tháng 9/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 20,5 tỷ USD, mặc dù giảm 12,7% so với tháng trước nhưng đây là tháng thứ 5 trong tổng số 9 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 20 tỷ USD.

Thặng dư thương mại khoảng 1,5 – 2,5 tỷ USD

Kết quả xuất khẩu tháng 9 đã đưa kim ngạch xuất khẩu quý III/2018 đạt 64,73 tỷ USD, tăng lần lượt 10,4% - 16,3% so với quý II và quý I năm nay.

Nếu tính cả 9 tháng, luỹ kế kim ngạch xuất khẩu là 178,91 tỷ USD hàng hoá, tăng 15,4% so với cùng kỳ và tương đương 77% kế hoạch năm.

Báo cáo của BIDV cũng ghi nhận có 26/46 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; trong đó, có 5 mặt hàng chủ lực chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu, mỗi mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.

“Khối FDI xuất khẩu tới 87% giá trị 5 mặt hàng này. Riêng với mặt hàng có kim ngạch lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện, khối FDI chiếm tỷ trọng 99,7%. Đáng chú ý, xuất khẩu nông-lâm-thủy sản 9 tháng đạt mức 22,7 tỷ USD, tăng trưởng 6,6% so cùng kỳ, tương đương 55,4% mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra hồi đầu năm. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam với 34,9 tỷ USD (chiếm gần 20%)”, báo cáo viết.

Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, mặc dù giá trị nhập khẩu quý III/2018 đạt 62,7 tỷ USD, tăng 8,2% và 18,4% so với quý II và quý I nhưng tính chung cả quý III, giá trị nhập khẩu đạt 19,8%.

Luỹ kế 9 tháng, giá trị nhập khẩu đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, giá trị nhập khẩu của khối FDI chiếm 60% tổng kim ngạch với các mặt hàng chính là tư liệu sản xuất, nguyên liệu phục vụ, trong đó có 3 mặt hàng đạt kim ngạch trên 31,1 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ.

Xét về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc đứng đầu với 27% giá trị, kế đến là Hàn Quốc và khối Asean với tỷ trọng lần lượt 20% và 13,4%; châu Âu và Mỹ là 5,8% và 5,6%.

“Xuất khẩu tăng trưởng cao hơn nhiều so với nhập khẩu đưa thặng dư cán cân thương mại hàng hóa lũy kế lên mức 5,39 tỷ USD. Nếu tính cả thương mại dịch vụ, thặng dư cán cân thương mại ở mức 2,69 tỷ USD sau 9 tháng đầu năm”, báo cáo viết.

Đánh giá cả năm, nhóm nghiên cứu dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sẽ vượt mục tiêu đề ra từ 2% - 3%, đạt mức khoảng 237 - 238 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng thấp hơn, đạt khoảng 232-233 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư khoảng 3,5-4.5 tỷ USD, kéo theo cán cân thương mại tổng thể thặng dư khoảng 1,5 - 2,5 tỷ USD. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, nhờ đó tác động tích cực lên tỷ giá.

Sở dĩ như trên là do các tháng cuối năm, hoạt động thương mại tiếp tục mở rộng nhờ xuất khẩu nông lâm thuỷ hải sản chất lượng cao vẫn duy trì tốt cả về giá và doanh số; chiến tranh thương mại nhiều khả năng chưa ảnh hưởng ngay đến chuỗi thương mại toàn cầu mặc dù một số doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ đã gia tăng nhập khẩu hàng từ Việt Nam như là thị trường thay thế. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu cũng lớn để phục vụ sản xuất hàng hoá cho nhu cầu cuối năm.

Biểu đồ xuất nhập khẩu và cán cân thương mại 9 tháng đầu năm 2018. Đơn vị: tỷ USD (Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam)

Tỷ giá không biến động lớn vào cuối năm

Nhận định về tỷ giá trong 9 tháng đầu năm, nhóm nghiên cứu cho rằng xu hướng tỷ giá tăng bắt đầu xuất hiện từ cuối quý II đến hết tháng 7/2018. Lý do là FED nâng lãi suất, GDP Mỹ tăng trưởng tốt đã khiến đồng USD tăng giá, đồng thời các đồng tiền khác bị giảm giá do biến động ngược chiều.

Tuy nhiên, sang tháng 8 và 9/2018, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp làm chậm đà tăng nhờ vào việc bán can thiệp một phần, kéo dài biên độ chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng để chống găm giữ USD.

Nhờ đó, cuối tháng 9/2018, tỷ giá trung tâm chỉ tăng 1,3% so với đầu năm, tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,8% so với đầu năm. Tỷ giá thị trường tự do mặc dù tăng mạnh lên 23.650 VND/USD vào đầu tháng 8 nhưng hạ nhiệt nhanh và đến cuối tháng 9 chỉ dao động quanh mức 23.400 VND – 23.440 VND/USD.

Nhóm phân tích nhận định những tháng cuối năm sẽ không có biến động lớn, cả năm 2018 dự kiến tăng khoảng 3% nếu không có biến động bất thường nào. Đây là mức trong tầm kiểm soát trong bối cảnh giá trị đồng nội tệ một số nước trong khu vực như Peso Philippines, Rubi của Indo mất giá 9% và Nhân dân tệ mất giá 5,6% tính đến nay.

Các yếu tố giúp ổn định tỷ giá đến hết năm 2018 là kinh tế vĩ mô được dự báo duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước sử dụng động bộ và linh hoạt các công cụ.

Tuy nhiên, tỷ giá cũng chịu áp lực tăng do nhu cầu USD tăng cuối năm do phải đáp ứng nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước, trả nợ vay... trong khi tiến độ thoái vốn, mua bán cổ phần chưa rõ ràng và yếu tố tâm lý thị trường thận trọng trước những rủi ro của thị trường quốc tế (chiến tranh thương mại leo thang, Fed tăng lãi suất lần thứ 4, bầu cử giữa kỳ tại Mỹ...) đang hiện hữu.

“Theo số liệu cập nhật nhất, tính đến hết tháng 6/2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo báo cáo của các tổ chức tín dụng chỉ còn 2,09%. Nếu tính cả nợ ngoại bảng (gồm nợ xấu tại VAMC chưa được xử lý, nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu...) thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,67%, giảm mạnh so với mức 10,08% vào tháng 7/2017.

Ngày 28/8/2018, tại hội nghị sơ kết một năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu giảm được tỷ lệ nợ xấu từ mức khoảng 6,6% hiện nay xuống dưới 3% một cách thực chất vào năm 2020.

Dự báo đến hết 2018, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục xu hướng giảm trong điều kiện các chính sách về xử lý nợ xấu tiếp tục phát huy tác dụng, kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng năm 2018 tiếp tục khả quan, có thêm nguồn lực để xử lý rủi ro.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.