Trung tâm Tài chính Quốc tế TP. HCM: Động lực thu hút đầu tư

Thảo Lê - 21/02/2023 15:26 (GMT+7)

(VNF) - Theo các chuyên gia, thị trường vốn ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều sự cố và khó khăn, do đó cần có Trung tâm tài chính để thu hút nguồn vốn từ thị trường quốc tế.

VNF

Nền tảng để thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM (HFIC) cho biết, HFIC được giao nhiệm vụ xây dựng và hình thành Trung tâm tài chính quốc tế TP. HCM. Hiện nay đề án cơ bản hoàn thành các nội dung, lãnh đạo thành phố đã thông qua, đồng thời đã được trình lên Trung ương và đang xúc tiến thành lập Ban chỉ đạo đề án để sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động.

Với quy mô và vai trò mới trong bối cảnh hiện nay, TP. HCM cần phải tạo ra làn sóng thu hút đầu tư thứ ba, trong đó cần ưu tiên kiến tạo thị trường vốn mà Trung tâm tài chính quốc tế TP. HCM là điển hình. Việc sớm hình thành và đi vào hoạt động Trung tâm tài chính quốc tế TP. HCM sẽ là nền tảng để thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn tài chính để tạo nguồn lực phục vụ cho sự phát triển doanh nghiệp với những dự án quy mô lớn hơn, chất lượng sâu hơn, tạo cú hích mạnh cho đồng bộ các ngành cùng phát triển.

Ông Hòa lưu ý, hiện nay cần hoàn thiện 3 trụ cột cốt lõi. Thứ nhất, trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, hiện chỉ mới có hệ thống ngân hàng thương mại mà thiếu ngân hàng đầu tư. Thứ hai, trụ cột thị trường vốn còn manh nha, sơ khai và mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định, trong đó chủ yếu là ngành bất động sản. Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường này hoạt động đầy đủ cho tất cả ngành nghề.

Thứ ba, trụ cột về thị trường hàng hóa phái sinh, hoàn toàn chưa có, thậm chí sàn giao dịch điện tử hàng hoá sơ cấp nhất cũng chưa hình thành. Trong khi đó, Việt Nam được xếp top 10 nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới nhưng cách thức giao dịch thương mại vẫn mang tính chất thủ công truyền thống.

Về nhóm giải pháp, theo ông Hòa, có 5 nội dung cần tập trung giải quyết để hoàn thiện ba trụ cột trên, nhưng phải nhấn mạnh rằng rất cần sự tham gia một cách chủ động và đầy trách nhiệm từ cơ quan Trung ương, bởi vượt thẩm quyền của TP. HCM. Cụ thể là xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế hoàn chỉnh, đồng bộ, bao quát được các lĩnh vực mà dòng chảy tài chính sẽ hướng đến. Trong đó, đặc biệt chú trọng chính sách thu hút đầu tư từ nhà đầu tư tiên phong, có tính chất khai phá, dẫn dắt hình thành thị trường, tạo tiền đề hình thành chuỗi nhà đầu tư thứ cấp tham gia.

Hai là, cần cơ chế cho phép áp dụng khung pháp lý thí điểm thử nghiệm trên một số lĩnh vực. Từ đó làm cơ sở đánh giá mức độ tương thích giữa hệ thống pháp lý với hiệu quả thực hiện, tiến tới điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai.

Ba là, cần có sự vào cuộc cơ quan Trung ương trong việc xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, tạo nền tảng vững chắc, an toàn để thu hút cũng như hình thành những con sếu đầu đàn đủ sức tham gia vào cuộc chơi chung trên thị trường tài chính. Các tập đoàn này phải đảm bảo năng lực để tích hợp kinh doanh đa ngành từ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… Đây được xem là những con sếu đầu đàn, là tiền đề cần thiết để Trung tâm Tài chính hoạt động ổn định.

Bốn là, cần xác định giá trị cốt lõi cho năng lực cạnh tranh của Trung tâm Tài chính làm điểm nhấn thu hút các định chế tài chính trên thế giới tham gia. Điều này đòi hỏi chúng ta phải xác định chọn thị trường ngách, là một lĩnh vực nào đó hoặc chọn tổng thể các ngành trên thị trường toàn cầu. Đây là cơ sở để xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cho các định chế tài chính tương ứng.

Năm là, chủ động xây dựng nguồn nhân lực có đủ trình độ lĩnh vực tài chính. Nguồn nhân lực này có thể thu hút từ nước ngoài hoặc đào tạo trong nước. Cùng với đó, cần có chính sách đầu tư đồng bộ nhằm tạo môi trường làm việc, sinh sống, giải trí thuận lợi cho các nhà đầu tư, chuyên gia tài chính cũng như gia đình họ.

Thúc đẩy vận tải biển

Làm rõ mối quan hệ khăng khít giữa Trung tâm tài chính và cảng biển, ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Hội Logistics TP. HCM cho biết, trước đây Hồng Kông (Trung Quốc) là trung tâm tài chính quốc tế với các cảng biển lớn, nhưng hiện nay Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến đang phát triển mạnh hơn.

Trung tâm tài chính đóng vai trò quan trọng trong vận tải biển quốc tế. Cảng quốc tế không chỉ đơn thuần giúp cho sự phát triển của quốc gia, khu vực, mà còn gom hàng cho các quốc gia khác; đồng thời còn kéo theo các công ty tài chính khác, hoạt động vốn cho chủ tàu, chủ hàng… cùng phát triển vượt bậc.

Trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022, Việt Nam sở hữu 3 cảng có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới gồm Hải Phòng, TP. HCM và Cái Mép. Đây đều những cảng biển được đánh giá tốc độ tăng trưởng tốt. Hệ thống cảng biển Cần Giờ (TP. HCM), là tuyến vận tải đặc biệt nằm trên tuyến vận tải quốc tế Á -âu. Thế mạnh của cảng biển đã có, tuy vậy từ nhiều năm qua hoạt động cảng biển của Việt Nam chưa hiệu quả. Siêu cảng quốc tế Cần Giờ - Cái Mép được định hướng đầu tư với công suất thiết kế 15 triệu TEUs, hiện chỉ đang lập đề án nghiên cứu tiền khả thi, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Quá trình đầu tư lâu dài nên rất cần thị trường vốn để đáp ứng đầu tư.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, nhận xét, thực tế TP. HCM đã là Trung tâm tài chính của cả nước dù chưa được định hình bài bản, thấy rõ nhất là những yếu tố cơ bản như chứng khoán, trái phiếu, vay vốn, bảo hiểm… Thế nhưng ở tầm quốc tế thì cần phải chuyển đổi để hoàn thiện hơn.

Muốn đáp ứng vấn đề này, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, thuận tiện trong giao dịch, đặc biệt là có chính sách thuế tiệm cận với chính sách thuế của các Trung tâm Tài chính trong khu vực và thế giới đang áp dụng. Việc hình thành Trung tâm Tài chính Việt Nam hoàn toàn có thể làm được bởi tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian gần đây rất cao. Việt Nam cũng là nơi có môi trường đầu tư hấp dẫn và thuận lợi để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Vấn đề còn lại là cần cơ cấu nền kinh tế và sự tham gia của cả nước.

“Ở góc độ khác, giải pháp nhanh nhất là cần liên kết với các nhà đầu tư tài chính quốc tế tại các Trung tâm Tài chính lớn trên thế giới đến Việt Nam để mở chi nhánh, văn phòng đại diện. Từ thực tế hoạt động của họ sẽ có đề xuất sửa đổi, kiến tạo khung hành lang pháp lý, đây là cơ sở để Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, khung pháp lý cần và đủ để hình thành Trung tâm tài chính quốc tế”, ông nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.