Trương Mỹ Lan cần đền bù 280.000 tỷ mới xem xét giảm án tử hình
(VNF) - Ngày 25/11, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP. HCM tiếp tục xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 bị cáo trong đại án xảy ra tại Tập đoàn này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức liên quan.
- Nhà đầu tư ngoại muốn mua dự án chục nghìn tỷ của bà Trương Mỹ Lan 20/11/2024 07:12
Nộp khoảng 280.000 tỷ đồng mới có cơ sở giảm án tử hình
Đại diện Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP. HCM cho biết cơ quan này giữ nguyên quan điểm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, bao gồm 16-18 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù về tội đưa hối lộ và tử hình về tội tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt bị đề nghị là tử hình.
Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Lan, với vai trò cổ đông lớn chiếm 91,5% cổ phần và quyền hạn cao nhất tại Ngân hàng SCB, đã chỉ đạo đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn, rút tiền SCB để phục vụ mục đích cá nhân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng. Trong 1.284 khoản vay, nhóm của bị cáo chiếm 93% tổng nợ gốc, thuộc nợ nhóm 5 (không có khả năng thu hồi).
Dù luật sư cho rằng hành vi của bị cáo chỉ là đảo nợ, tiền không ra khỏi ngân hàng nhưng Viện Kiểm sát khẳng định số tiền vay đã được sử dụng cho nhiều mục đích cá nhân như mua dự án, chi tiêu cá nhân và đã rời khỏi sự kiểm soát của ngân hàng. Quá trình điều tra cũng xác định 84% trong 1.169 tài sản bị kê biên được mua sau năm 2012, trùng thời điểm bị cáo phạm tội. Hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan xuyên suốt, gây thiệt hại lớn cho SCB và hệ thống tài chính, do đó mức án tử hình là phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của vụ án.
Cũng theo Viện Kiểm sát, quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự nêu rõ người bị kết án tử hình có thể không thi hành án nếu nộp lại ít nhất 2/3 tài sản chiếm đoạt trong hành vi tham ô. Đồng thời, Nghị quyết số 03 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao cũng hướng dẫn rằng trường hợp người phạm tội hoặc gia đình nộp lại tối thiểu 3/4 tài sản tham ô, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét giảm án.
Dựa trên quy định này, để có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt tử hình, bị cáo Trương Mỹ Lan cần nộp lại 3/4 số tài sản đã chiếm đoạt. Căn cứ bản án sơ thẩm quy buộc bị cáo tham ô 304.000 tỷ đồng, nếu tính theo tỷ lệ này thì bị cáo Lan phải nộp khoảng 280.000 tỷ đồng mới có cơ sở đề nghị giảm mức án tử hình.
Trong giai đoạn thi hành án, nếu bị cáo hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc khắc phục hậu quả, bị cáo có thể nộp đơn đề nghị Chủ tịch nước xem xét giảm án.
Chênh lệch 20.000 tỷ trong định giá Times Square
Ở các phiên tòa trước đó, trong phần bào chữa, luật sư của bị cáo bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) nêu cần xem xét lại giá trị định giá toà nhà Times Square của Công ty Hoàng Quân bởi lẽ chỉ trong một thời gian ngắn mà tòa nhà này lại được định giá có sự chênh lệch rất lớn.
Cụ thể, năm 2017, tòa nhà Times Square được định giá là 45.000 tỷ đồng. Năm 2021 được định giá trên 60.000 tỷ đồng.
Nhưng đến năm 2023, Công ty thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá Times Square có giá trị là 35.000 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn một năm, Công ty Hoàng Quân định giá tài sản này thấp hơn 20.000 tỷ đồng, trong khi giá bất động sản ngày càng tăng. Điều này gây bất lợi cho bị cáo Chu Lập Cơ trong việc xác định thiệt hại của vụ án.
Đồng thời, luật sư cũng đề nghị xem xét lại về khoản tiền lãi hơn 19.000 tỷ đồng của 46 khoản vay do SCB cung cấp cho cơ quan điều tra để quy buộc cho bị cáo Chu Lập Cơ vì không có số liệu chi tiết, phương pháp tính lãi... Về yêu cầu này, Hội đồng Xét xử đề nghị ngân hàng SCB bổ sung, ghi nhận và cung cấp số liệu về khoản tính lãi này.
Luật sư của bị cáo cũng cung cấp thêm một số tình tiết giảm nhẹ mới như ngoài khắc phục 1 tỷ đồng ở sơ thẩm, bị cáo đã khắc phục thêm 10 tỷ đồng, đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Yêu cầu SCB cung cấp số nợ trước khi hợp nhất
Trước đó, trong phiên tòa ngày 21/11, các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TP. HCM đã yêu cầu Ngân hàng SCB cung cấp thông tin để làm rõ một số vấn đề.
Cụ thể, cơ quan này đề nghị SCB cung cấp thông tin về: Tổng số nợ của SCB trước thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP): Đệ Nhất, Sài Gòn và Việt Nam Tín Nghĩa; tổng số tiền ngân hàng cho rằng dư nợ thì có bao nhiêu tiền vay để đảo nợ, bao nhiêu tiền bị cáo Lan rút ra…
Ngoài ra, trong phần bào chữa cho các bị cáo, các luật sư cũng đề nghị SCB cung cấp thêm một số tài liệu liên quan đến các khoản vay tại ngân hàng và những vấn đề khác. Đề nghị này đã được chủ tọa phiên tòa đồng ý.
Tuy nhiên, vào chiều cùng ngày, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại SCB bất ngờ từ chối cung cấp các tài liệu theo yêu cầu của Viện kiểm sát và các luật sư.
Theo nội dung vụ án, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm, nắm giữ từ 85 - 91,5% cổ phần SCB. Từ đó, bị can trở thành cổ đông có 'quyền lực' chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm bị cáo buộc đã thực hiện chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty 'ma', thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.
Bên cạnh đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, 'cắt đứt' dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.
Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.
Cục Thi hành án dân sự TP. HCM đã có văn bản gửi Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP. HCM, phản hồi đơn đề nghị ngày 13/11/2024 của luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Theo đó, tổng số tiền mà cơ quan này hiện tạm giữ trong tài khoản, bao gồm tiền do cơ quan điều tra chuyển và do các cá nhân, tổ chức nộp tại Cục Thi hành án Dân sự TP. HCM là hơn 4.250 tỷ đồng và hơn 27 triệu USD. Trong đó, bị cáo Lan đã nộp 380 tỷ đồng.
Đề nghị giữ nguyên án tử hình đối với Trương Mỹ Lan
- Bà Trương Mỹ Lan hứa trả toàn bộ tiền NHNN cho SCB vay 09/11/2024 11:47
- Tiếp tục làm rõ luồng tiền 'khủng' liên quan đến bà Trương Mỹ Lan 18/10/2024 04:01
- Bà Trương Mỹ Lan nhận án chung thân trong vụ án thứ 2 17/10/2024 09:55
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.