Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Đâu là lý do khiến việc rao bán các dự án thế chấp gặp khó? Đâu là lý do khiến các nhà đầu tư chưa mặn mà với việc đấu giá tài sản bảo đảm là bất động sản? Và các cơ quan chức năng cần có thêm những động thái gì trong thời gian tới để đẩy nhanh quá trình "phá cục máu đông" của các ngân hàng?
Để trả lời cho các câu hỏi này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu.
- Thời gian qua có rất nhiều tài sản bảo đảm là các dự án bất động sản được phát mãi nhưng dường như thị trường tỏ ra không mặn mà. Liệu có vướng mắc nào về mặt cơ chế, chính sách trong việc phát mãi không, thưa ông?
Tính đến nay, Nghị quyết 42 đã đi vào cuộc sống được nửa năm. VAMC cho biết đã xử lý được một số tài sản thế chấp nhưng tỷ trọng của số tài sản được thu giữ để cấn trừ vào nợ là rất khiêm tốn. Ngoài ra tôi không thấy có một thống kê nào cho thấy trong nửa năm qua, việc giải quyết nợ xấu thông qua thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện như thế nào. Đánh giá chung thì kết quả vẫn còn khiêm tốn, dù cho các ngân hàng thương mại đã nỗ lực lớn với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và VAMC.
Vấn đề là tại sao lại như vậy? Tôi cho rằng vấn đề nằm ở hành lang pháp lý, ở cơ chế của chúng ta. Phải hiểu cơ chế ở đây là cả một bộ máy để xử lý nợ xấu chứ không phải chỉ là cơ chế pháp lý đơn thuần.
Thứ nhất, cơ chế pháp lý hiện chưa đặt ngân hàng vào vị trí thật sự hiệu lực, hiệu quả để xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 đã xác định lại quyền thu giữ tài sản thế chấp nhưng nó chưa phải là một quy định cho các ngân hàng cái quyền tuyệt đối.
Chúng ta có thể thấy, Nghị quyết 42 đã mở cánh cửa thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp không có sự hợp tác của con nợ. Song theo quy định thì con nợ vẫn có quyền kiện ra tòa nếu cho rằng quá trình thu giữ tài sản bảo đảm không hợp pháp và không hợp lý. Vậy thì ở đây, Nghị quyết 42 đã quy định trong trường hợp đấy tòa án có thủ tục rút gọn.
Nhưng vấn đề là cái thủ tục rút gọn ấy chỉ nói một cách đại khái thôi, chứ cũng chưa phải là một quy định pháp lý. Thế nào rút gọn, rút gọn bao nhiêu về thủ tục, bao nhiêu về thời gian?
Thật sự thì các vụ ra tòa đều phải xử theo đúng luật, đúng quy trình chứ tòa không thể nào rút gọn được. Thành ra nói thủ tục rút gọn nhưng rút gọn như thế nào thì cũng vẫn chuyện nằm trong tay tòa án. Và thành ra về quy định pháp lý thì Nghị quyết 42 mới chỉ là một hướng mở ra chứ chưa đưa cho người chủ nợ cái quyền định đoạt, cái quyền lực mang tính chất tuyệt đối.
- Nước ngoài có kinh nghiệm nào đơn giản hóa xử lý trong chuyện này không?
Ở nước Mỹ, nếu con nợ trả nợ trễ hạn, ngân hàng sẽ gửi thư thông báo đề nghị thanh toán trong một số ngày nhất định. Nếu con nợ không tuân thủ, ngân hàng sẽ gửi thư lần hai, thông báo sẽ xử lý tài sản bảo đảm bằng cách đấu giá. Lá thư thứ ba, ngân hàng sẽ loan báo việc đấu giá: tổ chức ở đâu, thời gian nào... Khi đấu giá như thế, tất cả mọi người đều có quyền tham gia, kể cả ngân hàng.
Giá đấu giá khởi đầu luôn tuân theo nguyên tắc: số nợ + 1 USD. Nếu không có ai đấu giá cao mức này thì ngân hàng thu giữ một cách đương nhiên. Còn nếu ai đấu giá cao hơn thì tài sản bảo đảm thuộc về người đó. Ngân hàng sẽ dùng tiền thu được thanh toán cho món nợ, số dư sẽ trả lại cho khách hàng.
Quy trình như vậy rất đơn giản, không phức tạp như chúng ta. Chúng ta thì đấu giá đợt 1, đợt 2 rồi đợt 3 và luôn lo lắng rằng giá khởi đầu quá thấp. Trong trường hợp như ở bên Mỹ, giá khởi đầu luôn là số nợ + 1 USD và ngân hàng phải đấu giá. Thành ra tôi nói Nghị quyết 42 đã có hướng mở nhưng chưa tạo ra một cơ chế về pháp lý thuận tiện nhất cho ngân hàng là vì vậy.
- Vậy vì sao chúng ta không học theo cơ chế này?
Có lẽ nguyên nhân chính là luật pháp chúng ta nghiêng về bảo vệ người đi vay. Mình cứ sợ người đi vay bị lợi dụng, thành ra ngay cả cái giá khởi đầu cũng có vấn đề. Thế là đấu giá lần 1 không được lại qua lần 2.
Ở Mỹ người ta không quan tâm vấn đề này. Dĩ nhiên họ có điều kiện tiên quyết là công ty đấu giá rất chuyên nghiệp, chỉ ăn trên % hoa hồng chứ không có quyền lợi gì trong việc đấu được cho ai, bán được cho ai.
Việc quy định ngân hàng cũng tham gia đấu giá với giá khởi đầu: số nợ + 1 USD đảm bảo rằng ngân hàng không thể thâu tóm tài sản với giá thấp hơn số nợ của người đi vay. Còn tất nhiên nếu có người đấu mức giá cao hơn thì sau khi cấn trừ nợ, người đi vay cũng được nhận khoản tiền chênh lệch. Như vậy, với cơ chế này, chắc chắn người đi vay không bị thiệt. Tôi cũng không hiểu vì sao Việt Nam không tìm cơ chế giản dị như thế, bảo vệ quyền lợi cho cả 2 bên như thế mà cứ phải qua tòa.
Có lẽ là do kinh tế của Việt Nam mới đi vào kinh tế thị trường có 20 năm nay, mình vẫn còn non trẻ và chưa theo kịp nền cơ chế của nền kinh tế thị trường hoàn thảo. Việt Nam vẫn vướng mắc trong vấn đề phải bảo vệ quyền lợi cho người dân, là người đi vay.
Nhưng nếu nhà nước bảo vệ một cách không hợp lý thì điều ấy sẽ tạo ra một sự mất cân bằng giữa quyền lợi của người cho vay và người đi vay. Mà người cho vay đã bị thiệt hại rồi thì đáng lý bây giờ luật pháp phải bảo vệ người cho vay mới phải. Người đi vay đã không trả được nợ thì đã thiệt hại cho người cho vay rồi, giờ luật pháp còn bảo vệ như thế, thành ra nó mất cân đối ở vấn đề cân bằng quyền lợi giữa người hai bên.
- Ngoài vướng mắc cơ chế như trên, ông thấy còn vướng mắc nào khác khiến việc phát mãi tài sản gặp khó khăn không?
Tôi thấy còn vấn đề xử lý trên phương diện thương mại. Trong thời gian qua, các ngân hàng rất khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm vì giá thị trường có lúc xuống quá thấp. Người sở hữu bất động sản, khi thấy giá xuống quá thấp thì đời nào muốn cho ngân hàng thâu tóm tài sản của họ.
Rõ ràng về mặt thương mại, quyền lợi hai bên tranh chấp nhau. Bên ngân hàng muốn bán bất động sản càng sớm càng tốt để thu hồi nợ. Người đi vay lại muốn bán tài sản đó với giá cao để có thêm một số tiền sau khi thanh toán cho ngân hàng. Thành ra về mặt thương mại gặp vướng mắc ở chỗ đó.
Tôi cũng nói thêm là tòa án bên mình rất nhiêu khê, thủ tục rất phức tạp, kéo dài hàng năm trời. Khi tòa có phán quyết rồi, đưa qua bên thi hành án, đến đó lại thêm những quy trình rất lâu, rất thiếu hiệu quả nữa. Cái đó gây ra thiệt hại ngân hàng. Một khoản nợ đáng lý ra có thể giải quyết một cách rất dễ dàng thì hóa phức tạp.
- Ở góc độ nhà đầu tư, ông có nhận thấy rằng khá nhiều nhà đầu tư lo ngại việc mua lại dự án phát mãi sẽ gặp khó khăn trong điều chỉnh thiết kế, công năng hay vướng vào tranh chấp dân sự khác không?
Điều ấy rất chính xác . Có nhiều vướng mắc mà một trong số đó là khi đem tài sản thế chấp cho ngân hàng thì chủ đầu tư dự án cũng đã đồng thời bán các căn hộ cho người dân. Điều này dẫn đến khi ngân hàng thu giữ tài sản thì gặp phải chống đối.
Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh việc cho phép các chủ đầu tư bất động sản huy động vốn từ người dân là rất bất hợp lý. Ở Mỹ, chủ đầu tư chỉ được vay ngân hàng chứ không được phép huy động tiền của của dân chúng. Nhưng ở Việt Nam, chủ đầu tư bắt cá cả 2 tay: một mặt đi vay ngân hàng, thế chấp dự án cho ngân hàng, mặt khác chủ đầu tư lại rao bán tài sản cho người dân. Khi dân đóng đủ tiền theo tiến độ thì theo lý phải được trao sổ đỏ, thế nhưng khi đó lại vướng bên ngân hàng. Ngân hàng chưa được trả hết nợ thì không giải chấp. Ngân hàng không giải chấp thì người mua căn hộ không có sổ đỏ.
Ở Mỹ, tiền bán căn hộ, chủ đầu tư phải chuyển vào ngân hàng để cấn trừ nợ. Còn với cơ chế tại Việt Nam, chủ đầu tư nắm cả 2 đằng, lấy tiền của dân nhưng không trả cho ngân hàng, dẫn đến chuyện ngân hàng không giải chấp. Điều này hình thành nên vướng mắc khi giải quyết nợ xấu.
Vấn đề nằm ở hệ thống tài chính của chúng ta không chuẩn mực, cho phép chủ đầu tư đi vay tiền của ngân hàng và huy động vốn của dân chúng. Đó là một sai lầm.
- Vậy ông có khuyến nghị chính sách nào để thúc đẩy việc xử lý nợ xấu hiện nay?
Nghị quyết 42 đã thực hiện hơn nửa năm, nếu không thúc đẩy xử lý nhanh thì cuối cùng nghị quyết này cũng chẳng giải quyết được gì.
Tôi thấy trước hết, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra các thống kê, tốt nhất mỗi quý có một thống kê chính xác có bao nhiêu dự án, tài sản bảo đảm được giải quyết thông qua Nghị quyết 42. Đây là cách để thấy hiệu quả của nghị quyết.
Thứ 2 là tòa án các cơ quan chức năng phải hỗ trợ các ngân hàng trong việc thu giữ. Các cơ quan chức năng phải thực hiện đúng tinh thần nghị quyết đó, cho phép ngân hàng thu giữ ngay cả khi bị người dân phản đối. Khi ra tòa thì tòa cần có những thủ tục rút gọn để giải quyết vấn đề.
Điều nữa là tất cả các ngân hàng cũng cần có biện pháp mạnh mẽ để giải quyết vấn đề này vì việc giải quyết nợ xấu cần đầu tư về nguồn lực và nhân lực chứ không hề đơn giản.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.