Từ 1/10: Một thay đổi nhỏ, các ngân hàng lo ảnh hưởng lớn

Mai Anh - 25/09/2023 13:20 (GMT+7)

(VNF) - Từ 1/10, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng sẽ giảm xuống mức 30%. Vậy, các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi tỷ lệ này giảm?

VNF

Theo đúng lộ trình được quy định trong Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 14/8/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10/2023, các ngân hàng sẽ phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30% thay vì 34% như hiện tại.

Trước đó, tỷ lệ này đã giảm từ mức 37% xuống còn 34% từ ngày 1/10/2022.

Dù đã có một số kiến nghị của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp bất động sản về việc lùi thời hạn siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30% nhưng đến thời điểm này, NHNN vẫn giữ nguyên quy định này.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị NHNN lùi thời điểm siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30% sang ngày 1/10/2024, thay vì áp dụng theo quy định vào ngày 1/10/2023 tới đây.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, đã đến lúc thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để đảm bảo rủi ro cho hệ thống ngân hàng sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Theo ông Lịch, nếu để ngân hàng thương mại đảm đương vai trò vốn trung dài hạn, rồi cứ nới trần lấy ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ tiếp tục chịu rủi ro.

Về việc này, NHNN lý giải, hiện có tới 88% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là tiền gửi dưới 12 tháng. Nhưng có tới 52% dư nợ tín dụng của hệ thống lại là trung và dài hạn.

Do đó, nhằm lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, việc áp dụng Thông tư 08/2020/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng tại Việt Nam kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản, ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.

Còn Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, việc hạ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ có một số ảnh hưởng nhất định tới các ngân hàng.

Theo KBSV, tính đến tháng 7/2023, hầu hết ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn là 34% (áp dụng từ 01/10/2022 đến ngày 30/09/2023).
Tỷ lệ này duy trì ở mức 32,66% với nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, cao hơn so với nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (24,97%). Tính chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%.

Trước đó, tại cuối năm 2022, ngoại trừ Oceanbank (tỷ lệ 32%) thì hầu hết ngân hàng đều có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới mức 30%, đáp ứng yêu cầu của Thông tư 08.

Cụ thể, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại Techcombank đạt 29%, Agribank là 25%, VietinBank là 26% và BIDV đạt 22%. Các ngân hàng khác như Vietcombank, HDBank (tỷ lệ đạt 8%) thuộc nhóm ít các ngân hàng có tỷ lệ dưới 10% và gần như không chịu ảnh hưởng từ lộ trình mới.

Đến thời điểm cuối quý II/2023, một số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhích lên hơn 30%, nhưng chêch lệch không đáng kể.

Đơn cử, tại Techcombank, tính đến cuối quý II/2023, ngân hàng này có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đạt 31,6%.

Đánh giá về tác động của Thông tư 08, các chuyên gia của KBSV nhận định, trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay những kỳ hạn dài trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ. Đồng thời, Thông tư 08 sẽ phần nào gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn, gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM).

Tuy nhiên, về dài hạn, việc áp dụng quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản, ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.

Hiện nay, các ngân hàng cho vay vào tín dụng bất động sản chủ yếu là vốn trung, dài hạn, trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu ngắn hạn.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, phải giảm dần gánh nặng của ngân hàng thương mại về vốn trung dài hạn, đẩy qua trực tiếp mà trong đó thị trường trái phiếu là một kênh quan trọng.

Các chuyên gia của KBSV cũng nhìn nhận, Thông tư 08 sắp sửa thi hành là một phần động lực cho các ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn và tập trung phát hành kì hạn dài trong thời gian tới, bên cạnh động lực đến từ mặt bằng lãi suất đã giảm tương đối so với thời điểm trước.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.