Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.
Ở thời điểm cuối 2008 đầu 2009, một trong những sự kiện được quan tâm nhất chính là sự trồi sụt kinh hoàng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cuối năm 2008, chỉ số chứng khoán sàn TP HCM sụt gần 70% giá trị so với giao dịch mở hàng đầu năm ngày 2/1, và càng tệ hại hơn nếu so sánh với đỉnh cao trên 1.000 điểm năm 2007. Lạm phát kỷ lục, thâm hụt thương mại lớn dẫn đến sự mất cân đối trong tài chính vĩ mô khiến Chính phủ phải thắt chặt tiền tệ, ngân hàng siết vốn đổ vào chứng khoán.
Thời điểm đó, thị trường không có thêm sản phẩm mới như giao dịch ký quỹ hay bán khống, trong khi repo được yêu cầu triển khai một cách hạn chế. Sau 10 năm, thị trường chứng khoán có bước phục hồi dần, đạt được đỉnh cao đáng kể vào đầu năm 2008 trước khi bước vào một đợt suy giảm mới.
Năm 2008, Samsung chính thức nhận giấy phép đầu tư và bắt đầu khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại tỉnh Bắc Ninh. Lúc đó, Samsung cũng chỉ được xem như một nhà đầu tư "bình thường". Ít người nghĩ rằng, sau 10 năm từ khởi đầu ở mức đầu tư 670 triệu USD cho SEV, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam hiện đã tăng gấp gần 26 lần, lên tới trên 17,3 tỷ USD.
Đến thời điểm hiện tại, Samsung Việt Nam có 8 nhà máy và 1 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển. Trong đó, SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, SEHC (TP Hồ Chí Minh) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất Đông Nam Á và SVMC là trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của tập đoàn tại Đông Nam Á.
Formosa chính thức động thổ dự án Tổ hợp gang thép tại Vũng Áng vào năm 2008 ngay cả khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Cho dù đến năm 2012 dự án mới được chính thức khởi công song có thể coi giai đoạn 2008-2010 là rất quan trọng đối với dự án này.
Lúc đó, tập đoàn này lẫn các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng không thể ngờ được là sau đó, Formosa, với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất lúc đó, lại lâm vào cuộc khủng hoảng cá chết ở miền Trung và để lại hình ảnh rất xấu trong công chúng.
Phải tới năm 2018 này, những đóng góp của Formosa trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mới chính thức được ghi nhận trong các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan chức năng một cách trân trọng.
Ngày 21/7/2008, giá xăng được điều chỉnh từ 14.500 lên 19.000 đồng. Đây thực sự là một cú sốc với cả doanh nghiệp và người dân. Nhiều mặt hàng tiêu dùng nhanh chóng tăng vọt, chi phí sản xuất kinh doanh lên cao. Mức tăng giá kỷ lục 30% khi đó được giải thích là việc phải làm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và chia sẻ gánh nặng với Nhà nước do giá dầu thế giới leo lên đỉnh 147 USD mỗi thùng và thuế nhập khẩu bằng 0%.
Thời điểm đó, ngân sách đồng thời cũng đã được hưởng lợi từ giá dầu và sau này, nhiều người cho rằng đó cũng là một trong những lý do khiến cho Tập đoàn dầu khi Việt Nam có số dư tiền mặt quá lớn, dẫn tới việc đầu tư ra ngoài ngành, gián tiếp đưa lại những hậu quả tài chính và pháp lý cho tập đoàn cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp này.
Mức giá xăng dầu lúc đó thậm chí còn cao hơn cả mức giá của thời điểm hiện nay.
Lễ khởi công xây dựng cầu Nhật Tân sẽ được tổ chức vào ngày 7/3/2019 tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Gói thầu này do Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) thi công trong thời gian là 34 tháng.
Cầu Nhật Tân là cây cầu dây văng dài 3,9km, đường dẫn hai bên đầu cầu dài gần 4,4km có tổng mức đầu tư 7.530 tỷ đồng. Trước đó, việc khởi công cây cầu quan trọng này đã bị trì hoãn liên tục vì không có mặt bằng.
Sau 10 năm, cầu Nhật Tân đã trở thành một trong những cây cầu đẹp nhất Việt Nam. Cây cầu này cùng với tuyến cao tốc Nhật Tân - Nội Bài cũng đã và đang góp phần cải thiện hạ tầng giao thông cho Hà Nội, rút ngắn thời gian và khoảng cách từ nội thành lên sân bay Nội Bài.
Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) đầu tháng 12, đại sứ Nhật bất ngờ công bố ngưng cấp vốn ODA cho Việt Nam, dù trước đó đã cơ bản thống nhất khoản vay ưu đãi 65 tỷ yen cho 3 dự án hạ tầng quan trọng tại Hà Nội và Hải Phòng.
Đây là lần đầu tiên một đối tác ngưng hỗ trợ ODA cho Việt Nam mà nguyên nhân là từ nghi án hối lộ tại Công ty PCI và Dự án Đại lộ Đông Tây. Mặc dù sau đó hai bên đã có những bàn thảo để tiến tới việc Nhật nối lại ODA, đây có thể coi là một trong những "vết đen" về đối ngoại của Việt Nam.
Sự việc thậm chí còn tiếp tục kéo dài sau đó với việc ông Huỳnh Ngọc Sỹ và một số cán bộ liên quan bị khởi tố và phải chịu án tù.
Cho đến nay, con số tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tại Việt Nam năm 2008 đạt hơn 64 tỷ USD, tăng gấp 2 lần năm 2007 vẫn là một kỷ lục. Trong đó, tổng số dự án FDI được cấp mới cả năm là 1.171 với tổng số vốn đăng ký đạt 60,2 tỷ USD, tăng 222% so với năm 2007. Năm 2008, đã có 311 dự án đăng ký tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm 3,74 tỷ USD. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp FDI 2008 đạt hơn 50 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2007…
Năm 2008, khối doanh nghiệp FDI đã góp vào ngân sách nhà nước gần 2 tỷ USD, tăng 25,8% so với năm 2007. Tuy nhiên, cơ cấu vốn FDI đang bị xem là có vấn đề do xuất hiện nhiều đại dự án vốn lớn nhưng ít hàm lượng trí tuệ, tiêu tốn điện năng và gây nguy cơ với môi trường…
Nhà sản xuất bột ngọt Vedan đã bị bắt quả tang thải nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, bị phạt 270 triệu và truy thu 127 tỷ đồng tiền trốn phí nước thải. Vụ việc trên được đưa ra công luận vào ngày 14/9/2008 từ đợt kiểm tra các doanh nghiệp, khu công nghiệp gây ô nhiễm cho sông Thị Vải.
Theo các cơ quan chức năng, hành động của Vedan là hành vi có chủ ý, tinh vi, bất chấp quy định về bảo vệ môi trường. Điều này không những gây bất bình với dư luận xã hội mà còn nêu một hình ảnh “xấu” về tinh thần “trách nhiệm xã hội” mà các doanh nghiệp đang hướng tới.
Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là sau đó và cho đến gần đây, công ty này lại liên tục nhận được các giải thưởng chất lượng, thậm chí là giải thưởng về... bảo vệ môi trường!
Sau 10 năm, Việt Nam lại vô địch AFF Cup. Tuy nhiên, không như năm 2018, đội tuyển Việt Nam đi thi đấu với niềm tin chiến thắng cả ở đội tuyển lẫn trong lòng người hâm mộ. Năm 2008 đội tuyển Việt Nam không được đánh giá cao về chiều sâu đội hình và đẳng cấp chuyên môn so với đội tuyển hiện tại cũng như với mặt bằng bóng đá Đông Nam Á khi đó.
Ở trận lượt về, phút thứ 21, cầu thủ bên phía Thái Lan đã làm cho các khán đài sân Mỹ Đình “nín lặng” khi ghi bàn thắng mở tỷ số của trận đấu. Thế nhưng, trong hoàn cảnh khó khăn nhất, cầu thủ Lê Công Vinh đã ghi bàn ở giây bù giờ cuối cùng của trận đấu, đủ giúp Việt Nam giành chức vô địch.
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.