Tùng Lâm trong Yên Tử: 'Rừng cây' giữ 'hồn Việt' nơi đất Phật
(VNF) - Hình thành và phát triển ngay tại “vùng đất linh thiêng” Yên Tử, Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm đã dành gần 1/4 thế kỷ để góp phần thay đổi diện mạo và lan tỏa vẻ đẹp của danh thắng này.
Đầu những năm 2000, Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm được thành lập tại vùng núi Yên Tử, một trong những địa điểm tâm linh nổi tiếng của Việt Nam. Nơi đây không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên mà còn mang trong mình những giá trị văn hóa và lịch sử sâu sắc. Kể từ khi thành lập, Tùng Lâm đã tham gia vào quá trình phát triển các dịch vụ du lịch và bảo tồn, nhằm hỗ trợ việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của khu danh thắng này.
Để tìm hiểu kỹ hơn về chặng đường phát triển “không giống ai” của Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm tại “kinh đô tâm linh” Yên Tử, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã tìm về với Yên Tử và gặp gỡ ông Lê Trọng Thanh - Phó tổng giám đốc công ty, để được nghe những câu chuyện về “mối lương duyên” giữa những người đứng đầu công ty với ngọn núi linh thiêng.
“Yên Tử chọn chúng tôi”
Khi được hỏi về lý do lựa chọn Yên Tử để gắn bó, ông Lê Trọng Thanh cho biết đây thực chất là một cơ duyên.
“Thú thật, khi vào đây, chúng tôi không biết nhiều về Yên Tử, không hiểu nhiều về Phật giáo, cũng không rõ thiền phái là thế nào, Yên Tử thờ những ai, giá trị của Yên Tử là gì, mà nhờ một cơ duyên nên lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chọn chúng tôi. Sau này tôi mới hiểu, Yên Tử rất linh thiêng, Yên Tử chọn người, Yên Tử đã chọnchúng tôi để phát triển nơi này”, ông nói.
Theo ông Thanh, cơ duyên đẹp đẽ này bắt đầu khi có một doanh nghiệp ngoại tỉnh đặt vấn đề làm cáp treo tại Yên Tử theo công nghệ nước ngoài.
Thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh giao cho Công ty Ngoại thương tỉnh Quảng Ninh - đầu mối xuất nhập khẩu hàng hoá cho tỉnh, khảo sát và thực hiện công trình này, dẫn tới việc thành lập Ban Dự án Cáp treo Yên Tử - cũng là tiền thân thành lập Công ty Cổ phần Tùng Lâm sau này vào ngày 13/12/2001.
Cả ông Bùi Đình Tuấn, hiện là chủ tịch công ty, và ông Lê Trọng Thanh đều là những thành viên trong dự án cáp treo Yên Tử. Họ đến với Yên Tử một cách tự nhiên, không hề có ý định trước, nhưng cuối cùng lại xây dựng một mối liên kết bền chặt với nơi đây.
Không rõ là vô tình hay hữu ý, tên công ty “Tùng Lâm” trong tiếng Hán có nghĩa là một khu rừng xanh tươi, rậm rạp. Theo từ điển Phật học, “tùng lâm” cũng chỉ một tự viện lớn thuộc hệ phái Thiền.
Có lẽ do được thành lập ngay tại khu rừng núi Yên Tử, nơi khởi nguồn của Thiền phái Trúc Lâm, các nhà lãnh đạo công ty đã quyết định lựa chọn cái tên này. Điều đó không chỉ thể hiện sự kết nối sâu sắc của công ty với vùng đất Yên Tử mà còn mang trong mình những giá trị văn hóa và tâm linh đặc sắc của nơi đây.
Mỗi câu chuyện, mỗi bước đi trong hành trình gắn bó với Yên Tử đều mang theo một cảm xúc đặc biệt, vừa bồi hồi, vừa tự hào, tạo nên một mảnh ghép không thể tách rời của lịch sử và văn hóa nơi này.
Thay đổi diện mạo nhưng duy trì hồn Việt
“Bản thân ngọn núi Yên Tử đã tồn tại hàng triệu năm, đây là ngọn núi vô cùng linh thiêng, đặc biệt là thời kỳ Phật hoàng Trần Nhân Tông năm 1299 về đây xuất gia, lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy tinh thần ‘cư trần lạc đạo’, phát triển dòng Phật giáo mang bản sắc Việt Nam”, ông Thanh cho biết và nói thêm rằng Yên Tử đã ảnh hưởng rất lớn tới triết lý kinh doanh cũng như giá trị cốt lõi của công ty trong suốt quá trình hoạt động.
“Ảnh hưởng của Yên Tử lớn tới mức, trên chặng đường phát triển, mọi quyết định đều phải dựa trên nền tảng giá trị văn hoá 4.000 năm lịch sử, đặc biệt là giai đoạn Lý - Trần. Bất kỳ sự phát triển nào chúng tôi cũng phải đặt câu hỏi: Cái này có ảnh hưởng gì tới văn hoá Việt Nam không? Có mang bản sắc nhà Trần không? Có ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, tới cốt cách con người Việt Nam hay không”.
Không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, Tùng Lâm còn phát triển và lan tỏa vẻ đẹp của Yên Tử đến với du khách mọi lứa tuổi trong nước và quốc tế. Qua quần thể kiến trúc đậm hồn Việt cùng hệ thống cáp treo trên núi Yên Tử, công ty đã mang lại trải nghiệm văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo dòng thời gian, kể từ khi được thành lập vào năm 2001, chỉ một năm sau, Công ty Tùng Lâm đã đưa tuyến cáp treo đầu tiên - hệ thống cáp treo Hoàng Long, đi vào hoạt động, góp phần vào việc thay đổi Yên Tử.
Sau đó, với việc đưa hệ thống cáp treo thứ hai có tên Bạch Long đi vào hoạt động năm 2008, khởi động việc quy hoạch các khu dịch vụ toàn tuyến, tìm kiếm các kiến trúc sư quy hoạch và phát triển Yên Tử, rồi khởi công xây dựng Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm (Legacy Yên Tử, Làng Nương Yên Tử, Cung Trúc Lâm) cùng 2 hệ thống cáp treo chạy song song Hoàng Long và Bạch Long vào năm 2016, Tùng Lâm đã tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới cho “kinh đô tâm linh” của nước Việt.
Theo ông Thanh, trong suốt hành trình thay đổi diện mạo của Yên Tử, ông và những người đồng hành không ít lần cảm nhận được sự chỉ dẫn từ tâm linh. Điều này càng củng cố niềm tin của Tùng Lâm vào những gì họ đang thực hiện.
Chẳng hạn, trong quá trình khảo sát để tìm vị trí tối ưu cho nhà ga cáp treo, lãnh đạo công ty không đến điểm dự kiến mà lại dừng lại ở một gốc tùng chết. Họ quyết định chọn vị trí “cheo leo” này để đặt móng nhà ga. Khi trở về và tiến hành tính toán, họ nhận ra rằng địa điểm ngoài dự kiến lại chính là nơi tối ưu nhất. Ngược lại, địa điểm dự kiến ban đầu, sau này khi khai quật, lại phát hiện có nền móng của một am thờ cũ.
“Chúng tôi có nguyên tắc là không chặt cây, không phá núi, địa hình có như thế nào thì mình làm như thế ấy. Các cụ đã dạy rồi, phải nương vào thiên nhiên, nương vào cây cối, nương vào những giá trị của Yên Tử, thì mọi việc đều suôn sẻ”, ông Thanh nói.
Trước đây, câu nói “Trăm năm tích đức tu hành/Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”, vừa để khẳng định tầm quan trọng của Yên Tử trong hệ thống tư tưởng văn hoá, tôn giáo Việt Nam, vừa cho thấy sự khó khăn nếu muốn chinh phục đỉnh Yên Tử. Tuy nhiên, nhờ những công trình mà công ty Tùng Lâm xây dựng, việc đến với Yên Tử, hoàn thành “quả tu” đã trở nên dễ dàng hơn với nhiều người, cũng đồng nghĩa với việc Phật pháp có thể lan tỏa tới nhiều người hơn.
Cùng với việc thay đổi diện mạo của vùng đất Yên Tử, Tùng Lâm đã xác định sứ mệnh của mình là lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước. Mỗi công trình do công ty thực hiện đều mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt, góp phần duy trì những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc.
Chia sẻ về hành trình tìm kiếm và gìn giữ “hồn Việt”, ông Lê Trọng Thanh cho biết quá trình này kéo dài hơn mười năm. Trong quá trình xây dựng quần thể Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm, Tùng Lâm đã hợp tác với nhiều nhà thiết kế và kiến trúc sư nổi tiếng trong nước và quốc tế, như Paul Andreu, Jean François Milou (Pháp) và Tadao Ando (Nhật Bản).
Sau khi ký kết tới 9 hợp đồng mà vẫn chưa ưng ý, công ty tiếp tục tìm tới người thứ 10 là kiến trúc sư Bill Bensley, người Mỹ, người đã tìm ra “ADN của Yên Tử”. Theo ông Thanh, cái “ADN” này thể hiện qua những chiếc cửa vòm, bức tường dày và diềm mái nhà thời Trần.
“Chỉ trong vòng 1 tháng, kiến trúc sư Bill Bensley đã cho chúng tôi xem 100 bản vẽ, có cái dài hàng mét, có cái lớn cái nhỏ. Chúng ‘phảng phất văn hoá Việt, phảng phất giá trị của tổ tiên, phảng phất cái hồn của người Việt Nam mình’ chứ không phải là đi sao chép. Nhìn chỗ nào cũng thấy Yên Tử”, ông Thanh cho biết.
Ông Thanh nhấn mạnh rằng các công trình của Tùng Lâm “nép mình vào thiên nhiên”, chỉ cao hai tầng với màu ngói và tường gạch, sử dụng các chất liệu truyền thống thân thiện với môi trường và sức khỏe. “Chúng tôi đã mất rất nhiều năm để chọn được những ý tưởng này,” ông cho biết thêm.
Cũng theo ông Thanh, khi du khách tới với Yên Tử, họ không chỉ cảm nhận được cái “hồn Việt”, hoà mình vào không gian đặc trưng của người Việt, mà còn được trải nghiệm những nét văn hoá, chơi những trò chơi dân gian. Đây chính là cách công ty Tùng Lâm giữ gìn văn hoá Việt, khơi dậy tình yêu và niềm tự hào cho thế hệ hiện tại và mai sau, cũng như lan toả giá trị Việt tới các du khách quốc tế.
Làm tốt việc mình, lộc tựa vân lai
Trong chặng đường gần 1/4 thế kỷ phát triển tại Yên Tử, công ty Tùng Lâm cũng gặp vô vàn khó khăn. Theo ông Lê Trọng Thanh, ngay từ thời điểm bắt đầu việc xây dựng tuyến cáp treo đầu tiên, công ty đã vấp phải sự phản đối từ rất nhiều người. Nhưng sau khi công ty hoàn thiện công trình, chính những người phản đối ban đầu lại là đối tượng được hưởng lợi.
“Những người phản đối đầu tiên là những người đi gánh thuê. Họ sợ rằng có cáp treo rồi thì không ai thuê gánh hàng nữa, nên rất khó chịu với chúng tôi. Nhưng sau này, chính những tuyến cáp treo này lại mang đến công ăn việc làm cho họ. Nếu như trước đây, lượng khách chỉ rơi vào khoảng 150.000 - 200.000 lượt/năm thì từ khi có cáp treo, con số này lên tới 1 triệu. Lượng khách tăng lên, người ta cũng có nhiều việc làm. Sau này, những người phản đối lại rất ủng hộ cho chúng tôi”.
Bên cạnh đó, Tùng Lâm cũng phải đối diện với không lời bàn tán rằng việc xây dựng các công trình có thể phá hoại cảnh quan Yên Tử. Tuy nhiên, trên thực tế, những công trình đều được cân nhắc xây dựng để đảm bảo cảnh quan thiên nhiên và những giá trị tâm linh.
“Có những sự phản đối, nhưng đó là động lực để chúng tôi phát triển đúng hướng. Chúng tôi hướng tới một doanh nghiệp vị xã hội, vị thiên nhiên, một doanh nghiệp xanh”, ông Thanh khẳng định.
Doanh nghiệp cũng gặp thách thức khi phải tìm cách cân bằng giữa lợi nhuận tối đa và lợi ích chung của quốc gia dân tộc. Nhưng theo ông Thanh, “Tùng Lâm xác định đây là ‘kinh đô tâm linh’, là ‘huyệt đạo’ của đất nước, việc giữ gìn những giá trị văn hoá cơ bản trong quá trình phát triển các công trình là giữ gìn cốt lõi dân tộc”.
“Như người ta thường nói, tôi tin rằng nếu làm tốt việc mình, ‘lộc tựa vân lai’ (tài lộc tựa như mây kéo đến),” ông Lê Trọng Thanh nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đất nước, của Yên Tử đến ngày càng nhiều người hơn, với tâm huyết và lòng tự hào không ngừng.
Lễ công bố Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân
- Cần đại bàng Việt Nam dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam 11/10/2024 03:00
- Lo ngại quy mô doanh nghiệp tư nhân đang giảm dần 11/10/2024 07:00
- Hải Phòng: Nhiều vi phạm kinh doanh điện tại KCN DEEP C 10/10/2024 06:30
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.