Tỷ giá đảo chiều ngoạn mục, các ngân hàng bán USD về Ngân hàng Nhà nước

Minh Tâm - 16/07/2019 08:08 (GMT+7)

(VNF) - Thị trường đã ghi nhận các giao dịch bán USD về Ngân hàng Nhà nước sau khi VND đảo chiều tăng giá ngoạn mục so với USD thời gian qua.

VNF
Tỷ giá đảo chiều ngoạn mục, các ngân hàng bán USD về Ngân hàng Nhà nước

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 8/7-12/7/2019, đồng VND tiếp tục lên giá so với USD trong tuần qua.

Cụ thể, tỷ giá giao dịch USD/VND giảm 50 VND/USD, về 23.140/23.260 trên ngân hàng và giảm 30 VND/USD, về 23.200/23.220 trên thị trường tự do.

Như vậy, sau 5 tuần, VND lấy lại toàn bộ phần mất giá so với USD trong đợt sóng trước đó, mức tỷ giá hiện tại thậm chí đã thấp hơn tỷ giá tại cuối năm 2018 là 0,11%.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm giảm 2 VND/USD so với tuần trước, ở mức 23.059 VND/USD, cao hơn 234 VND/USD – tương đương 1,03% so với thời điểm cuối năm 2018.

Tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên ở mức 23.200 VND/USD – hiện đã cao hơn tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại tới 60 VND/USD và kéo theo đó, đã ghi nhận các giao dịch bán ngoại tệ về Ngân hàng Nhà nước.

Trong bối cảnh quốc tế chưa có nhiều biến động, chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng vẫn được duy trì ở mức 0,8%.

"Cung cầu ngoại tệ ổn định, tỷ giá USD/VND sẽ duy trì ổn định, dao động quanh 23.200 VND/USD", SSI nhận định.

Bên cạnh tín hiệu khả quan về tỷ giá, lãi suất trên thị trường cũng ghi nhận diễn biến tốt.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất ổn định ở mức 3,2% với kỳ hạn qua đêm và 3,3% với kỳ hạn 1 tuần, chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng duy trì ở mức 0,7-0,9%/năm.

"Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2019 thặng dư 79,3 nghìn tỷ đồng (theo Bộ Tài chính) là một yếu tố gián tiếp khiến cho nguồn cung VND dồi dào, góp phần giữ mặt bằng lãi suất ổn định ở 3,2-3,6%/năm từ đầu tháng 5", SSI đánh giá.

Trên thị trường 1 (huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế ngoại trừ tổ chức tín dụng), lãi suất huy động vẫn duy trì trạng thái đi ngang, 4,1%-5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,5-7,45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; 6,4-7,9%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.

SSI nhìn nhận rằng nhu cầu huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn rất lớn, đặc biệt là các ngân hàng thương mại tư nhân, bởi tỷ trọng tín dụng/huy động của toàn hệ thống trong 5 tháng đầu năm (89-90,3%) đang cao hơn mức bình quân của năm 2018 (88%), do chỉ số này tăng mạnh ở các ngân hàng thương mại tư nhân (từ 82,5% bình quân năm 2018 lên 84,5%-86,2% trong 5 tháng đầu năm 2019).

Cùng chuyên mục
Tin khác